Sinh viên Nhật thích thú khi biết ng VN ở Little Saigon ‘trắng tay làm nên sự nghiệp
#1
Sinh viên Nhật thích thú khi biết người Việt ở Little Saigon ‘trắng tay làm nên sự nghiệp’

Linh Nguyễn/Người Việt
January 4, 2019 
[Image: DP-Sinh-vien-Nhat-o-Bolsa_1.jpg?w=800&ssl=1]Anh Hayashi Takaya (trái), có tên Việt là Tài, tìm hiểu về báo Người Việt. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)


WESTMINSTER, California (NV) – Một sinh viên Nhật thăm nhật báo Người Việt vào sáng Thứ Năm, 3 Tháng Giêng, với mục đích nghiên cứu cho luận án tiến sĩ về nguyên do người Việt tị nạn sinh sống ở Little Saigon vượt qua những trở ngại về ngôn ngữ và văn hóa, để làm ăn thành công tại Mỹ.

Anh cho biết có nhiều người Việt sinh sống tại Nhật nhưng gặp khó khăn về ngôn ngữ nên họ chỉ làm được việc lao động chân tay, trong khi nhiều người Việt ở Mỹ lại thành công trong kinh doanh từ hai bàn tay trắng.

Là sinh viên nghiên cứu Khoa Ngôn Ngữ và Văn Hóa tại Đại Học Osaka, Nhật Bản, anh Hayashi Takaya, 27 tuổi, học ngành phụ là đa văn hóa (multicultural coexistence), của chương trình RESPECT (Revitalizing and Enriching Society through Pluralism, Equity, and Cultural Transformation), một chương trình đào tạo sinh viên cao học để thực hành, đem lại sự cảm thông cho một xã hội gồm nhiều nguồn gốc sắc tộc và đa văn hóa.

Anh cho biết tên của anh được viết theo thứ tự họ, tên như tiếng Việt. Còn tên Việt là Tài. Cùng đi với anh là Giáo Sư Trần Chấn Trí, giáo sư môn tiếng Việt tại đại học UC, Irvine.

Anh đến California được ba tuần lễ, hiện theo chương trình thực tập dài ba tháng tại đài truyền hình SBTN ở Garden Grove.

[Image: DP-Sinh-vien-Nhat-o-Bolsa_2.jpg?w=800&ssl=1]Anh Tài ghi chép tên món ăn Việt trong bữa cơm trưa với các món ăn gia đình Việt Nam. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Về cái tên Việt, anh nói theo âm thì “Tak” đọc là “Tai.” Chỉ là một tên gọi, không có ý nghĩa gì cả. Tuy nhiên, anh đã nghe lời khuyên của Giáo Sư Trí, nên thêm dấu huyền là Tài, để anh khỏi phải giải thích nhiều, có khi còn bị hiểu lầm.

“Hơn nữa, thầy Trí còn nói tên Tài thích hợp với phái nam, và lại có nghĩa là ‘talent’ hay tài năng. Em bèn nhận cái tên Việt là Tài, và nguyên do là vậy!” anh nói.

Giáo Sư Trí bảo anh ghi vào sổ câu “Trai tài, gái sắc” để nhớ tại sao ông nói anh nên chọn tên “Tài.”

Sau khi thăm cơ sở nhật báo Người Việt, anh nói thích nhất là được tặng tờ báo Xuân Người Việt năm Kỷ Hợi 2019 và là lần đầu tiên anh được thấy những tờ báo Người Việt cũ, xuất bản từ năm 1987 trưng trên tường, trước cả năm anh chào đời.

“Tôi nhìn thấy được lịch sử 40 năm của tờ báo. Thật là một kỷ niệm hiếm có!” anh nói.

Anh kể: “Năm 2014, em từng là phụ giáo dạy tiếng Việt cho một trường tiểu học công lập, nơi có nhiều học sinh gốc Việt theo học. Em cũng từng tình nguyện cho tổ chức ‘Vietnam yêu mến KOBE,’ một tổ chức hỗ trợ cho người Việt sinh sống ở Nhật, cung cấp thông tin bằng song ngữ Nhật-Việt để tạo sự hiểu biết lẫn nhau giữa người Nhật và người Việt.”

Anh Tài cũng tham gia chương trình radio tiếng Việt nhằm cung cấp thông tin về phòng chống thiên tai cho người Việt. Hiện anh đang làm việc cho chương trình mới trên radio mang tên “Hãy An Nhiên Mà Sống.”

Sau khi đặt chân đến Mỹ, anh kể câu chuyện tìm chỗ ở tạm thời.

Anh cho hay, anh từng du học tại trường Đại Học Quang Trung ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, năm 2015, học tiếng Việt khoảng một năm, nhưng trước đó, thật ra anh học tiếng Việt từ năm 2013.

[Image: DP-Sinh-vien-Nhat-o-Bolsa_3.jpg?resize=696%2C522&ssl=1]Anh Tài viết tiếng Việt rất nhanh và đúng. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Trước khi sang Mỹ lần này, em được một người Việt ở Việt Nam chỉ rằng sang California, muốn tìm nhà, share phòng, phải đọc trang rao vặt của báo Người Việt. Còn báo mạng thì vào Craiglist mà tìm. Thật thế, em gọi ba chỗ thì có một người chịu nói chuyện bằng tiếng Việt. Em mướn một phòng từ đó!” chàng sinh viên nói.

“Em nhận email của thầy Trí và nhận thấy người Việt ở Mỹ viết nội dung có bố cục, mở đầu, phần thân và phần kết. Thêm nữa, người Việt ở Mỹ dùng nhiều lời chào trong thư hơn những thư em nhận được của người Việt ở Việt Nam,” anh nhận xét.

Trong bữa ăn trưa, cơm phần Việt Nam, gồm cá bông lau kho tộ, đậu hũ non chiên giòn và tô canh khoai mỡ màu tím nhạt, nóng bốc khói được dọn ra trước mặt.

“Em phải chụp hình và ghi tên món ăn vào sổ kẻo không sẽ quên mất khi viết bài tường trình,” anh nói xong, lấy cuốn sổ tay trong túi áo ra ghi cẩn thận “cá kho tộ,” “đậu hũ chiên,” và “canh khoai mỡ.”

Anh viết chữ Việt, bỏ dấu đúng và thật nhanh khiến Giáo Sư Trí cũng phải ngạc nhiên.

Ông hỏi anh xem rằng ngày nay người Nhật vẫn hay dùng sổ tay thay vì ghi lại trên điện thoại, anh Tài cho biết: “Người Nhật vẫn còn giữ thói quen này. Nhưng không chừng em đã già rồi mà không hay!”

Điều thú vị sau cùng trước khi chia tay, Giáo Sư Trí cho tiền “tip,” anh Tài cười, nói: “Bên Nhật không có thông lệ cho tiền ‘tip.’ Nếu thấy tiền để lại trên bàn, nhân viên nhà hàng sẽ chạy theo, trả lại và nói đó là tiền khách để quên trên bàn!” (Linh Nguyễn)
Reply