Im Lặng Còn Vang
#91
Có Một Thiên Thần
MC Phạm

Con gái tôi, Uyên năm đó năm tuổi đang học lớp Mẫu giáo tại ngôi trường mà tôi đang làm cán sự xã hội trong văn phòng. Tôi tạm cho cháu học trường này để tiện việc đưa đón vì lớp Mẫu giáo chỉ học có nửa buổi. Lúc đó tôi còn làm bán thời gian nên giờ cháu tan học trùng với giờ tôi ra về.
Đây là một trường tiểu học nghèo, với số phụ huynh có thu nhập thấp chiếm hơn 75%.

Theo thông lệ hàng năm, cứ đến mùa Giáng Sinh, thì trường P. , một ngôi trường trung học khá giả nhất thành phố lại “adopt” (nhận bảo trợ) một số học sinh của trường chúng tôi. Tức là trường chúng tôi sẽ lựa chọn chừng 30 em từ lớp Mẫu giáo đến lớp 6 có hoàn cảnh khó khăn nhất , bảo các em làm 1 “wish list” (viết những món quà mà mình mong muốn nhất) rồi gửi danh sách qua trường trung học nọ.

Các em học sinh lớp 11 và 12 của trường trung học P. sẽ tự nguyện rút thăm những tờ “wish list” đó và mua quà cho các em.

Chừng hai ngày trước khi nghỉ mùa đông hai tuần, số học sinh tiểu học mà chúng tôi đã chọn sẽ được xe buýt đưa sang trường P. Tại đó, các anh chị trung học sẽ chuẩn bị sẵn một chương trình văn nghệ đặc sắc để trình diễn cho các em xem, cùng với rất nhiều thức ăn, kẹo bánh. Cuối cùng các em sẽ được nhận quà từ các anh chị.

Khi xe buýt chạy qua cổng trường tôi, số học sinh được chọn đã đứng chờ sẵn, vui mừng háo hức, chờ theo chân cô hiệu trưởng lên xe sang dự lễ hội tại trường P. Bất ngờ trước giờ đi, cô hiệu phó là người sẽ đi cùng cô hiệu trưởng đưa các em đi tham dự lễ hội báo là nhà cô có công việc khẩn cấp, cô phải về ngay. Cô hiệu trưởng bối rối bèn gọi tôi đến và nói:

“Tôi biết cô có con đang học lớp Mẫu giáo. Tôi cho phép cô nghỉ làm bữa nay để cùng tôi đưa học sinh đi dự lễ hội ở trường P. Tôi cho cả con cô được đi theo nữa. Cô có đồng ý không?”

Làm việc ở khu học chánh này đã nhiều năm, tôi được nghe rất nhiều lời khen về Lễ hội Giáng Sinh ở trường P. nên cũng có đôi chút tò mò. Hơn nữa, tự nhiên được sếp cho phép cả hai mẹ con theo các học sinh đi chơi, tại sao tôi lại phải từ chối nhỉ?

Sau khi cảm ơn cô Hiệu trưởng, tôi dắt tay Uyên leo lên xe buýt, nối đuôi theo đoàn học sinh nhỏ với những gương mặt sáng ngời hạnh phúc. Uyên cũng vui lắm vì bất ngờ được cô hiệu trưởng cho phép nghỉ học để đi chơi với các bạn, cháu nhanh nhảu chọn chỗ ngồi gần một bạn học cùng lớp và bắt đầu líu lo trò chuyện.

Chính các cô giáo của từng lớp, cô hiệu trưởng cùng với tôi đã chọn ra danh sách các học sinh đi dự lễ hội hôm nay nên tôi biết rất rõ em bé đang nói chuyện với Uyên. Em tên là Ngân, sống trong gia đình gồm ba mẹ và hai chị em. Gia đình em rất nghèo. Mẹ em bị bệnh về thần kinh, đang được chữa trị dài hạn trong 1 nhà thương tâm thần. Ba em thất nghiệp, lại không có chữ nghĩa và bằng cấp nên chỉ đi làm những công việc như ai mướn gì làm đó: cắt cỏ, làm vườn, tỉa cây, phụ hồ...

Gia đình Ngân đang ở trọ nhà một người bà con xa. Em gái của Ngân mới lên ba tuổi và đang được giao cho "foster parents" chăm sóc. Dù nghèo nhưng Ngân là một học sinh rất giỏi và có trách nhiệm, luôn tự động làm bài vở đầy đủ. Em rất chịu khó đọc sách, nghe lời người lớn.

Khi được hỏi món quà em mơ ước là gì, Ngân trả lời em chỉ muốn mẹ được hết bệnh, ba có việc làm để ba mẹ em có thể đón bé út về và cả gia đình được ở chung dưới 1 mái nhà.

Tôi rất bối rối vì rõ ràng điều ước này rất khó khăn. Tôi phải giải thích đại cho Ngân hiểu vì thời gian gấp rút quá ông già Noel chưa thể làm điều này được và yêu cầu Ngân cho 1 lựa chọn khác.

Em hơi thất vọng, nhưng rồi cho tôi biết em luôn mơ ước có 1 chiếc xe đạp nhỏ để đạp đi học và chiều chiều có thể đạp xe ra thư viện mượn sách về đọc. Tôi ghi món quà đó vào danh sách rồi gửi đi cho em.

Trên xe, Uyên và Ngân tíu tít nói hết chuyện này đến chuyện khác cho đến khi xe từ từ lăn bánh vào sân trường P. Ở đó, các anh chị trung học đã sắp hàng chờ sẵn để đón tiếp các em và đội lên đầu mỗi em một vương miện bằng giấy lấp lánh đủ màu rất đẹp. Các em học sinh nhỏ của chúng tôi ngơ ngẩn ngắm nhìn ngôi trường đồ sộ. Chúng tôi được hướng dẫn vào sân vận động của trường, nơi đã được trang hoàng thật lộng lẫy.

Như trong một giấc mơ, các em bé cứ ngỡ như mình chính là những hoàng tử, công chúa trong cung điện huy hoàng. Chung quanh vang lừng những lời ca, tiếng nhạc. Các học sinh trường P. đã chuẩn bị thật công phu, từ khâu trang trí đến những màn trình diễn văn nghệ thật đặc sắc… Các em nhỏ của chúng tôi cứ toét miệng cười mãi không ngưng. Chưa bao giờ tôi thấy các em được vui đến vậy. Kế đến, các em được dẫn vào một bàn tiệc thật thịnh soạn và được chiêu đãi các món ăn đặc biệt như mashed potatoes, turkey, ham, cheese, dinner rolls, trái cây, và rất nhiều bánh kẹo. Uyên của tôi cũng ăn uống tận tình và cười giỡn không dứt với các bạn.

Và sau cùng, giờ phút các em chờ đợi nhất đã đến.

Từng em một được kêu tên lên nhận quà của mình. Nhiều em được quà thì xé ra ngay và rú lên mừng rỡ vì có được món quà mình hằng mơ ước. Em nào chưa được kêu tên thì căng thẳng, hồi hộp…

Tự nhiên tôi nhìn Uyên và bất chợt nhớ ra rằng, cháu sẽ không thể có được một món quà nào vì tên cháu không hề có trong danh sách gửi đi. Cháu không nằm trong số học sinh gia đình khó khăn được chọn trước, mà được đi hôm nay chỉ vì theo tôi mà thôi.

Nhưng con nít đứa nào lại không thích quà. Uyên mới có 5 tuổi thôi. Chắc là cháu sẽ thấy buồn và lẻ loi lắm khi các bạn chung quanh đều có quà mà cháu không có. Cháu chỉ nghĩ là tại vì mình không ngoan nên không được ông già Noel tặng quà! Tôi bối rối ngoắc Uyên đến gần và nói: “Uyên, mẹ đau bụng quá, con đi phòng vệ sinh với mẹ nha.” Tôi định bụng kéo cháu ra ngoài rồi sẽ giải thích cho cháu hiểu.

Nhưng Uyên nào chịu hiểu ý mẹ, cháu thoái thác: “mẹ lớn rồi mà, mẹ đi 1 mình đi.”

Mắt cháu vẫn dán vào đống quà đang vơi dần trong túi của ông già Noel với đầy hy vọng, sợ rằng khi mình đi khỏi thì sẽ mất phần.

Tôi nhìn quanh và bắt gặp ánh mắt khó xử của cô hiệu trưởng. Chắc chắn là cô hiểu chuyện gì đang xảy ra, điều mà cả hai chúng tôi đều quên bẵng đi không ngờ tới. Cô thì thầm: “Tôi quên không nghĩ đến chuyện này. Thật là ân hận quá! Tội nghiệp con bé.”

Tôi vờ nói: “Không sao đâu. It’s Ok!”

Nhưng tôi hiểu là sẽ không OK chút nào khi món quà cuối cùng đã được phát ra mà vẫn không có tên con gái tôi. Tôi sợ phải nhìn gương mặt thất vọng của cháu. Tôi sợ phải thấy những giọt nước mắt của cháu, sợ câu hỏi: “Sao ông già Noel không cho con quà? Có phải vì con hư không mẹ? Tôi sợ mình đã làm tổn thương cháu...

Tôi sợ…Tôi sợ… Và tôi chợt cầu nguyện, xin Chúa giúp con… mà cũng chưa nghĩ ra được Chúa sẽ giúp điều gì.

Nhưng... không biết có phải Chúa đã nhận lời cầu nguyện của tôi không mà Chúa đã gửi một thiên thần đến cho tôi.

Một thiên thần thật đẹp, thật tinh khiết và thánh thiện vô cùng. Thiên thần đó chính là Ngân!

Với gương mặt tươi cười rạng rỡ, Ngân đang ngồi trên 1 chiếc xe đạp nhỏ mới toanh rất đẹp màu hồng, bên cạnh em là một chiếc xe đạp tương tự màu tím, em vẫy tay cho Uyên: “Uyên, lại đây.”

Đưa cho Uyên chiếc xe màu tím, Ngân nói thật tự nhiên: “Cho bạn nè Uyên, mình biết bạn thích màu tím mà, phải không?”

Tôi ngỡ ngàng vì tôi biết Ngân đã mơ có một chiếc xe đạp từ lâu lắm rồi, sao em có thể cho đi cả một chiếc xe của mình một cách dễ dàng như thế?

Tôi hỏi lại: “Con có chắc không Ngân? Tất cả hai chiếc xe này đều là của con hết.”

Ngân cười lớn: “Dạ, con chắc mà. Làm sao con có thể chạy một lần hai chiếc xe đạp. Con đâu cần tới hai chiếc. Con cho Uyên một cái vì con thấy Uyên không có quà. Con không muốn Uyên buồn. Con có tới hai chiếc xe trong khi Uyên không có gì hết. Vậy đâu được!”

Trong khi mặt Uyên sáng lên vui mừng thì nước mắt tôi đã dâng tràn vì xúc động. Cô hiệu trưởng cũng vậy.

Uyên ngước mắt nhìn tôi như dò hỏi. Tôi gật nhẹ đầu. Uyên liền cám ơn Ngân rồi cả hai đều leo lên xe đạp chay vòng quanh, cùng vui cười nắc nẻ.
Sau khi gặp người cán sự xã hội của trường P. tôi mới biết, không biết có phải phép lạ hay không, đã có đến hai học sinh nhận mua quà cho Ngân và mua hai cái xe đạp cho em.

Ngân bé bỏng chính là thiên thần nhỏ mà Chúa đã ban đến cho chúng tôi trong mùa Giáng sinh này và mang lại cho tôi rất nhiều suy nghĩ.

Dù chiếc xe đạp chính là tài sản lớn nhất mà cuộc đời Ngân chưa hề có, nhưng khi em nghĩ là em có dư, em sẵn sàng cho đi không chút ngại ngần. Người lớn chúng ta có thể nào cho đi không đắn đo như em không? Cho dù chúng ta có dư 100 đồng, 1000 đồng, chúng ta có thể nào dễ dàng cho đi phân nửa những gì ta có không? Điều này khó quá phải không các bạn? Trẻ em chính là những thiên thần trên mặt đất. Khi người ta lớn lên, những thiên thần trong ta đã dần biến mất và ta không thể nhận biết thế nào mới là đủ. Ta thường nhìn lên và ghen tị với những kẻ hơn mình, để rồi tự dằn vặt mình, làm khổ cho chính bản thân và những người chung quanh.

Liệu có cách nào tìm gặp lại những thiên thần trong con người chúng ta đây, để ta có thể tìm lại sự bằng an trong tâm hồn và tìm được nỗi vui trong sự chia sẻ?

Về phần Uyên của tôi, vào Noel năm đó, sau khi mở quà Noel từ gia đình ra, cháu chọn một số quần áo đẹp nhất để tặng Ngân: “Mẹ, con sẽ tặng Ngân những thứ này, chắc là Ngân mặc sẽ đẹp lắm.”

Tôi vốn dĩ cũng rất tiết kiệm, với quan niệm là con nít mau lớn lắm nên tôi ít khi mua quần áo cho con gái mà thường xin lại đồ cũ từ các chị em họ của cháu cho cháu mặc. Chỉ vào dịp sinh nhật hay Noel là cháu được nhận nhiều quần áo mới từ các người thân mà thôi.

Vậy mà khi có quần áo mới, Uyên cũng cho đi không đắn đo suy nghĩ. Tôi cảm thấy thật vui trong lòng vì thấy cháu biết thương yêu và chia sẻ.

Cảm ơn Ngân, cảm ơn Uyên, các thiên thần nhỏ của tôi! Hai cháu đã làm cho tôi biết và tin rằng, chúng ta không cần phải giàu có mới có thể cho đi. Chính sự thánh thiện của các thiên thần nhỏ này đã khiến chúng ta tìm được thiên đường ngay trên mặt đất. Các bạn có tin ở điều đó không?

Reply
#92
(2021-12-23, 09:45 PM)Ech Wrote: Có Một Thiên Thần


Cảm ơn Ngân, cảm ơn Uyên, các thiên thần nhỏ của tôi! Hai cháu đã làm cho tôi biết và tin rằng, chúng ta không cần phải giàu có mới có thể cho đi. Chính sự thánh thiện của các thiên thần nhỏ này đã khiến chúng ta tìm được thiên đường ngay trên mặt đất. Các bạn có tin ở điều đó không?

Chúa có nói muốn vào nước trời phải trở nên như con trẻ nhưng khó quá Chúa ơi. Làm người lớn vốn đã không dễ dàng rồi.
Reply
#93
(2021-12-23, 10:21 PM)phai Wrote: Chúa có nói muốn vào nước trời phải trở nên như con trẻ nhưng khó quá Chúa ơi. Làm người lớn vốn đã không dễ dàng rồi.

Làm người dễ mà, làm người tốt mới khó Becuoi

Reply
#94
Đổi quà (“An Exchange of Gifts”)
Diane Rayner
Hải Ngữ chuyển dịch

🍁Niềm tin là tin những gì không thấy và rồi niềm tin sẽ cho thấy những gì đã tin
(Thánh Augustinô)

Tôi lớn lên với một niềm tin rằng những chuyện kỳ diệu và tuyệt vời thường xảy ra trong ngày lễ Giáng Sinh, khi những nhà thông thái từ phương Đông đến, khi gia súc thì thầm với nhau trong chuồng vào lúc nửa đêm, và khi ánh sáng từ ngôi sao lạ trên bầu trời cao báo hiệu Con Thiên Chúa đã sinh xuống trần. Giáng Sinh trong tôi lúc nào cũng là một dịp reo mừng, vui hưởng hạnh phúc, và chưa bao giờ tôi hạnh phúc cho bằng lễ Giáng Sinh năm đó, năm mà đứa con trai của tôi, Mẫn, vừa tròn tám tuổi.

Đó cũng là năm mà mẹ con tôi dọn vào căn nhà xe (trailer) ở vùng đồi núi ngoại ô Redmond, tiểu bang Washington. Vào những ngày gần lễ Giáng Sinh, chúng tôi không mấy háo hức lắm; mặc dù không phải vì cơn mưa giông kéo dài mấy ngày gây sình lầy đường sá và làm sàn nhà chúng tôi ướt đẫm bùn. Từ đầu tháng 12, Mẫn trông vui tươi hẳn ra, và có vẻ bận rộn nhất nhà. Nó là con út của tôi, một thằng bé vui tính, mẫn tiệp và thân thiện với mái tóc vàng hoe. Mẫn có tật khi nghe ai nói cứ nghiêng nghiêng cái đầu về một bên trông như con chó nhỏ. Đúng ra là vì Mẫn bị điếc bên tai trái nên phải nghiêng đầu để nghe cho rõ nhưng chẳng bao giờ thấy nó mở miệng than phiền về khiếm khuyết bẩm sinh đó cả.

Tôi để ý đến nó cả mấy tuần nay. Tôi biết chắc là Mẫn đang giấu tôi một điều gì đó. Tôi nhận thấy nó siêng năng dọn giường chiếu, đổ rác, hăng hái phụ dọn bàn ăn với các anh chị. Nó âm thầm để dành tiền ăn quà, cất giữ cẩn thận. Tôi không hiểu nó đang toan tính chuyện gì nhưng tôi biết rõ một điều là chuyện nó đang toan tính chắc chắn phải liên quan đến Kha.

Kha là bạn của Mẫn và chúng nó rất thân nhau từ đầu mùa xuân. Chúng thân nhau đến nỗi nếu gọi tên một đứa, cả hai đều lên tiếng. Thế giới của chúng nằm gọn trong cánh đồng cỏ có con suối nhỏ róc rách chảy ngang, nơi mà chúng mải mê bắt ếch nhái, nơi mà chúng cứ tưởng tượng là một ngày nào đó sẽ tìm thấy một mẩu tên đã rỉ sét hoặc đào được một kho tàng của bọn cướp đã chôn dấu lâu năm. Cũng là nơi chúng thường rong chơi suốt buổi trưa, ngồi tựa gốc cây vung tay ném những hạt đậu cho bầy sóc nâu nhỏ.

Cuộc sống của mẹ con tôi trong thời gian đó vất vả, và chúng tôi cố gắng bước đi từng ngày. Lương lãnh ra từ hãng gói thịt chỉ đủ tạm cho mẹ con chúng tôi có những bữa cơm thanh đạm. Nhưng so ra vẫn tương đối sung túc hơn gia đình của Kha. Gia đình Kha rất nghèo, và bà mẹ thật chật vật mới nuôi đủ từng ấy miệng ăn, chưa kể quần áo, sách vở cho con cái. Bù lại gia đình vẫn giữ được nề nếp cổ truyền. Riêng mẹ Kha rất tự hào về nếp sống thanh bạch, đôi khi pha chút tự ái qua những luật lệ bà đặt ra cho con cái.

Tôi cố kiếm cho được một cây thông nhỏ dựng ở góc nhà, trang hoàng đèn đóm khiến căn nhà trông ấm cúng hẳn ra. Mẫn và Kha đôi khi phụ giúp tôi làm món bánh ngọt hoặc đan những rổ nho nhỏ để treo lên cây thông. Nhưng chỉ thoáng một chốc là chúng lại chay bay ra khỏi nhà, chui qua dãy hàng rào truyền điện, ngăn chia căn nhà tồi tàn của chúng tôi và nhà của Kha, và băng mình vào cánh đồng cỏ non xanh rì.

Vài đêm trước lễ Giáng Sinh, tôi đang bận rộn với những món bánh ngọt pha quế, Mẫn nói với tôi bằng một giọng vui tươi pha chút hãnh diện:

- Mẹ xem này, con mới mua cho Kha món quà Giáng Sinh. Mẹ muốn biết là cái gì không?

Ồ! Hoá ra nó để dành tiền là để mua quà cho Kha, tôi nghĩ thầm. Mẫn tiếp tục:

- Đây là món quà mà Kha mong ước từ lâu rồi.

Chùi vội tay vào cái khăn, Mẫn trịnh trọng lôi trong túi ra một hộp nhỏ. Tôi mở hé nắp hộp và thấy một cái la bàn bỏ túi, cái la bàn mà Mẫn đã nhịn ăn vặt trong nhiều tuần, để dành tiền mới đủ mua cho Kha. Chúng nó rất cần một cái la bàn như vậy để định phương hướng khi đi sâu vào khu rừng nhỏ phía sau nhà.

- Món quà thật dễ thương, con ạ!

Vừa nói xong, tôi cảm thấy một cái gì không ổn vì tôi biết mẹ Kha rất nghĩ ngợi về sự nghèo túng của gia đình họ. Trong nhà đã không dám nói đến vấn đề quà cáp cho con cái vào dịp lễ thì làm sao Kha có thể trao đổi quà với Mẫn khi nó nhận được cái la bàn. Tôi tin chắc rằng mẹ Kha sẽ không cho phép nó nhận món quà Giáng Sinh từ Mẫn, vì Kha sẽ không có gì để đổi lại. Tôi nhẹ nhàng giải thích cho Mẫn về vấn đề đó và thằng bé tỏ ra rất hiểu biết.

- Con biết, mẹ ạ! Nhưng con đã có cách. Nếu Kha không biết ai tặng quà thì mẹ nó sẽ cho nó giữ cái la bàn.

Tôi không biết phải trả lời sao với con tôi. Tôi thật sự không biết phải nói thế nào với nó.

Một ngày trước lễ Giáng Sinh, bầu trời âm u, lạnh lẽo và mưa tầm tã. Trong căn nhà nhỏ hẹp, mẹ con tôi ngồi chống cằm buồn buồn nhìn bầu trời u ám ngoài kia và không tránh được tiếng thở dài ảo não. Nhưng bốn mẹ con tôi cũng sửa soạn lại phòng khách, dựng lại cây thông có bóng đèn điện nhấp nháy cho ngay ngắn, và chuẩn bị bữa cơm chiều để chờ đón thân nhân hoặc bè bạn có thể ghé thăm.

Đêm xuống. Mưa vẫn rơi. Đứng ở bồn rửa bát, qua lớp cửa kiếng mờ hơi sương, tôi nhìn mông vào bóng đêm và lòng cảm thấy buồn bã lạ thường. Sao lại có thể mưa vào đêm áp lễ Giáng Sinh được? Mấy nhà thông thái phương Đông có thể rong ruổi trên lưng ngựa đến viếng Chúa Hài Đồng vào đêm mưa gió như thế này không? Tôi nghĩ là không! Theo tôi, những chuyện kỳ diệu và tuyệt vời chỉ xảy ra vào những đêm quang đãng, những đêm trong sáng để có thể thấy ngôi sao lạ trên bầu trời.

Khi xoay người lại nhìn nồi thịt heo hầm và khay bánh nướng trong lò, tôi thấy Mẫn mở cửa biến mình vào màn đêm. Thằng bé chỉ khoác vội chiếc áo mưa, bên trong phong phanh một bộ đồ ngủ và nó nắm chặt hộp quà trong tay. Mẫn băng qua cánh đồng cỏ sũng nước, trườn mình qua dãy hàng rào điện và tiến dần về phía nhà Kha. Căn nhà Kha kia rồi, Mẫn nhủ thầm. Nó nhón chân đi thật nhẹ đến trước cửa, nín thở mở cánh cửa lưới, đặt nhẹ hộp quà ngay ngưỡng cửa, rồi nhấn mạnh chuông.

Và nhanh như một con sóc, Mẫn quay người, chạy phăng xuống những bậc thềm, cúi đầu, cắm cổ chạy biến
vào màn đêm để không ai thấy nó. Bằng bất cứ giá nào Mẫn phải chạy khỏi khu đồng cỏ nhà Kha để không một ai biết nó lảng vảng trước nhà thằng bạn. Trong đầu óc của nó chỉ còn tiếng thúc dục chạy, chạy nhanh lên… Mẫn mải miết chạy băng qua cánh đồng và thình lình nó đâm người vào dãy hàng rào điện.

Cường độ dòng điện đủ mạnh đẩy Mẫn bật ngược về phía sau, ghim cắm thân hình nó xuống mặt đất. Mẫn nằm chết cứng trên thảm cỏ ướt. Cả người Mẫn run lẩy bẩy và nó đang ôm lấy ngực, cong người để cố hớp lấy chút dưỡng khí. Nằm chết rũ một lúc khá lâu, Mẫn mới gắng gượng ngồi dậy, khuôn mặt nó vẫn còn tái mét vì sợ hãi, cố chống tay đứng lên và chậm chạp lê bước chân yếu ớt đi về nhà.

- Mẫn! - chúng tôi la lên và đâm bổ về phía cửa. “Sao vậy con?” Môi thằng bé run tái vì lạnh, đôi mắt thất thần nhìn chúng tôi mãi lúc sau mới thốt lên lời:

- Con quên mất hàng rào điện. Nó giật con mạnh quá!

Tôi ôm vội lấy thằng út người đầy những bùn. Tội nghiệp con tôi! Người nó vẫn còn run rẩy và tôi thấy rõ một vệt đỏ cháy phỏng chạy từ miệng ra đến tận mang tai. Tôi lấy ngay thuốc mỡ xoa lên vết thương rồi pha cho Mẫn một ly ca-cao nóng. Uống xong ly sữa ca-cao, Mẫn lấy lại vẻ vui tươi thường ngày. Khi ủ Mẫn vào giường ngủ, thằng bé nhìn tôi và nói:

- Mẹ ơi! Kha không thấy con đâu! Con tin chắc là nó chẳng thấy con!

Buổi tối hôm áp lễ Giáng Sinh đó, tôi buồn phiền đi vào giấc ngủ và chán nản tự hỏi tại sao một tai nạn quái ác như thế lại có thể xảy ra cho một thằng bé hết lòng vì bạn, tìm cách san sẻ niềm vui Giáng Sinh đến cho người khác kém may mắn hơn nó, làm theo đúng như lời Chúa đã dạy - làm phúc không cho tay trái biết.

Cả đêm tôi nằm trằn trọc với nhiều ý nghĩ. Trong tôi đã nhuốm lên một chút tuyệt vọng về ý nghĩa truyền thống của ngày lễ Giáng Sinh: lễ an hoà, lễ tình thương. Những ý nghĩa tươi đẹp đó đang chết trong hồn tôi và tôi cũng mất hẳn niềm tin về một ngày lễ kỳ diệu, tuyệt vời nhất của đời người.

Nhưng tôi đã lầm.

Buổi sáng hôm sau, mưa tạnh hẳn và ánh nắng chiếu rọi chan hoà trên muôn vật. Vết cháy phỏng trên khuôn mặt Mẫn vẫn còn rõ nét nhưng tôi biết chắc là không còn nguy hiểm nữa. Chúng tôi mở quà và không ngờ Kha đang đứng trước cửa nhà, gõ cửa. Nó nhanh nhẩu khoe với Mẫn cái la bàn và kể lại câu chuyện bí ẩn tối hôm qua khi nó nghe tiếng ai bấm chuông và chạy ra mở cửa. Rõ ràng là Kha không thể nào ngờ Mẫn là người tặng quà vào tối hôm trước và trong khi Kha liến thoắng kể chuyện, Mẫn chỉ mỉm cười.

Và tôi để ý thấy khi hai thằng bé khoe quà với nhau - gật đầu, ra hiệu, chuyện trò, Mẫn không còn nghiêng đầu về một bên nữa. Lúc Kha nói chuyện, hình như Mẫn đang nghe bằng tai trái, bên tai bị điếc. Vài tuần sau, cô y tá ở trường báo cho tôi một chuyện mà tôi đã biết trước là Mẫn đã nghe rõ bằng cả hai tai.

Làm thế nào mà Mẫn nghe được bên tai trái vẫn là điều bí ẩn. Các bác sĩ cho rằng, khi Mẫn bị điện giật, cường độ của dòng điện đã khai thông hệ thống thính giác bị tắc nghẽn. Có thể lắm chứ! Nhưng cho dù giải thích thế nào đi nữa, tôi chỉ biết cảm tạ Thiên Chúa đã trao đổi
quà và tặng cho con tôi một món quà Giáng Sinh vô giá vào đêm hôm đó.

Các bạn thấy không, những chuyện kỳ diệu và tuyệt vời vẫn tiếp tục xảy ra vào đêm Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Và người ta cũng không cần một đêm trong sáng để bước theo ngôi sao lạ trên bầu trời.

🍀“An Exchange of Gifts”
🍀Hải Ngữ chuyển dịch

Reply
#95
CÂU CHUYỆN ĐÊM GIÁNG SINH

Buổi chiều ngày 24 tháng 12 năm 2004, Wendy, cô sinh viên năm thứ hai đại học Dược khoa đang đứng đợi chuyến xe lửa dưới subway của thành phố New York để trở về nhà.

Tất cả các anh chị em của cô đều hẹn là sẽ về nhà trước 7 giờ tối để đoàn tụ trong buổi cơm chiều thân mật cùng cha mẹ theo truyền thống của gia đình họ

Bỗng Wendy để ý đến một cặp nam nữ đứng cách cô vài bước, họ đang ra dấu bằng tay để “nói chuyện” với nhau. Wendy hiểu được thuật ngữ ra dấu bằng tay, vì trong những năm đầu đại học cô đã tình nguyện làm việc trong trường tiểu học dành cho người khuyết tật, nên cô đã học được cách ra dấu tay để trò truyện với những người câm điếc.

Vốn tính ham học hỏi, Wendy đã khá thông thạo thuật ngữ này. Nhìn vào cách ra dấu của hai người khuyết tật ở trạm subway, Wendy đã "nghe lóm" được câu chuyện của hai người. Thì ra, cô gái câm hỏi thăm đường đến một nơi nào đó, nhưng chàng thanh niên câm thì "trả lời" là anh không biết nơi chốn đó.

Wendy rất thông thạo đường xá trong khu vực nầy nên cô mạnh dạn đứng ra chỉ dẫn cho cô gái. Dĩ nhiên cả ba đều dùng cách ra dấu bằng tay để "nói" trong câu chuyện của họ. Khi xe lửa đến trạm thì Wendy và hai người bạn mới quen đã kịp thời trao đổi emails cho nhau.

Những ngày sau đó, ba người tiếp tục trò chuyện dùng phương tiện nhắn tin của mobile phone rồi dần dà họ trở thành bạn thần giao cách cảm với nhau. Chàng trai kia tên là Jack và cô gái tên là Debbie. Jack cho biết anh đang làm việc cho một hãng xuất nhập khẩu và ở cách nhà Wendy không xa lắm.

Từ những tin nhắn, emails thăm hỏi xã giao lúc đầu, cả hai trở thành bạn thân lúc nào không hay. Đôi khi Jack đến trường đón và mời cô đi ăn. Cả hai thích khung cảnh êm đềm trong Central Park nên thường yên lặng đi bên nhau trong những giờ phút nghĩ ngơi. Tuy phải ra dấu để trò chuyện nhưng Wendy không cảm thấy bất tiện mà cô lại có dịp trau dồi "thủ thuật" để nghệ thuật ra dấu của cô càng lúc càng tinh xảo hơn.

Đến mùa thu năm đó thì hai người đã thân thiết như một cặp tình nhân. Wendy đã quên hẳn Jack là một người khuyết tật, cho nên lần đầu tiên khi Jack ra dấu "I Love You" thì Wendy đã nhẹ nhàng ngả đầu vào vai anh.

Sau những giờ học, thỉnh thoảng Wendy cũng vào chatroom đấu láo với bạn bè, mỗi khi Wendy đặt câu hỏi "Bạn có thể fall in love với một người câm điếc hay không?" thì hình như không có bạn bè nào của cô có được câu trả lời dứt khoát. Điều này đã khiến cho Wendy bị dày vò không ít.

Vào dịp lễ Thanksgiving năm đó, Jack tặng cho Wendy một bó hoa hồng kèm theo câu ra dấu: "Wendy có chịu làm girl friend của mình không?" Wendy vừa vui mừng vừa kinh ngạc nhưng sau đó là những sự mâu thuẫn khổ sở trong nội tâm. Wendy biết rõ là cô sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của những người thân.

Quả nhiên cha mẹ cô khi biết rõ sự việc đã dùng đủ mọi phương thức để mong lôi kéo đứa con gái "lầm đường lạc lối" trở về. Thôi thì hết chú bác, cô dì, lại đến các anh chị em, bạn học, được cha mẹ có vận động tới để làm thuyết khách.

Đứng trước áp lực này, Wendy chỉ có thể phân trần với gia đình về nhân cách cao cả của Jack, cô còn cho mọi người biết là thái độ lạc quan, đầu óc thực tế, tích cực của anh đã khiến cô cảm thấy gần gũi hơn những bạn trai mà cô đã từng quen biết trước đây.

Gia đình sau khi nghe cô giải bày đã không còn quá khắt khe phê bình, mọi người dự định là sẽ gặp mặt Jack trước rồi mới có thể đánh giá cuộc tình của hai người. Cả nhà đồng ý là sẽ gặp mặt Jack vào trưa ngày 25 tháng 12 sau khi mọi người đã hưởng một “đêm yên bình” cho tâm tư lắng đọng.

Wendy đã có quyết định trong đầu, nếu như cha mẹ, anh chị của cô có những cử chỉ, hành động khinh miệt Jack thì cô và Jack sẽ đi đến nhà thờ để nhờ sự gia ơn và chúc lành của Thiên chúa.

Trên đường dẫn Jack đến nhà, tâm trạng hồi hộp của của Wendy đã không thoát khỏi cặp mắt quan sát của Jack, anh mỉm cười ra dấu cho cô:
- Wendy yên tâm, bảo đảm với em là cha mẹ em sẽ hài lòng. Anh cho họ biết là anh sẽ thương yêu em, chăm sóc em suốt đời.

Đó là lần đầu tiên trong đời cô sinh viên trường thuốc rơi rớt những giọt lệ cảm động.
Vừa vào đến nhà, Wendy nắm tay Jack đi đến trước mặt cha mẹ, cô nói:
- Thưa ba má, đây là Jack, bạn trai mà con thường nhắc đến.

Câu nói của cô vừa thốt ra thì tất cả những hộp kẹo bánh, hoa tươi trên tay Jack tức thời lộp độp rơi xuống đất, anh nhào tới ôm lấy cô vào vòng tay khỏe mạnh của anh.

Một điều mà Wendy không thể ngờ được là cô bổng nghe một giọng nói thảng thốt phát ra từ cửa miệng của Jack:
- Trời đất, em biết nói à?
Đó cũng chính là câu mà Wendy muốn hỏi Jack.

Mọi người ngoại cuộc đều ngẩn ngơ ngạc nhiên trong khi hai người trong cuộc thì ôm nhau cười, nói, la, hét, nhảy nhót như điên dại. Thì ra Jack cứ ngỡ Wendy là một cô gái câm thế mà anh vẫn sinh lòng quyến luyến mà còn muốn tiếp tục đi đến hôn nhân. Wendy cũng tự hào có quyết định sáng suốt vì đã chọn được người tình trong mộng tuyệt vời nhất thế gian.

Thượng Đế của chúng ta đang ngự ở trên cao, hình như ngài cũng đang che miệng cười cho trò đùa mà ngài đã đạo diễn suốt một năm qua.

Nguồn: Sưu tầm

Reply
#96
Bát Bún Riêu

Từ Auclair, theo đường Liên Tỉnh 53, ngược lên mạn Bắc là Salon Springs thì rẽ phải theo Hương Lộ “P” nhỏ hẹp ngoằn ngoèo lăn mình giữa những khu rừng phong ngút ngàn trùng điệp, tiếp tục thêm vào dăm vòng qua những lưng đồi thoai thoải dốc là tới thung lũng Nivagamond, Louisiana, trạm đặc khu của người da đỏ.
Trời vào Thu, rừng phong đã thay chiếc áo choàng màu hồng lựu. Hơn nửa giờ lái xe, không một bóng người ngoài tiếng gió thở dài, tiếng lá khô sào sạc, tiếng rừng cây trăn trở, không còn một âm thanh nào khác. Tôi cảm tưởng như lạc vào 1 hành tinh xa lạ không sinh vật. Đồi lại đồi liền liền tiếp nối nhau sau cùng tới Nivagamond. Nơi đây có Viện Dưỡng Lão Lakeview mà theo lịch trình thì mỗi năm tôi phải đến một lần để thanh tra y vụ.
Lần đầu tiên đến đây nên tôi không khỏi ngỡ ngàng tưởng dù hẻo lánh đến đâu ít ra cũng có xóm làng, một giáo đường nho nhỏ hay vài ngôi nhà be bé xinh xinh nhưng tuyệt đối không. Ngoài rừng phong đỏ lá chỉ có hồ nước trong veo xanh ngắt màu trời. Trung Tâm An Dưỡng Lakeview như tên gọi ẩn mình dưới tàng cây rợp bóng trên khu đất rộng.
Quay lưng vô rừng thông nhìn ra mặt hồ phẳng lặng như gương, tôi ngẫm nghĩ, nơi đây có thể là điểm nghỉ ngơi lý tưởng cho những người quanh năm lao lực hoặc những ai muốn tìm sự quên lãng, còn chọn làm viện dưỡng lão thì hơi tàn nhẫn.
Tuổi già vốn đã cô đơn mà nơi đây lại hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài. Trừ y tá, y công và vài chuyên viên dịch vụ thì chẳng còn ai, người nào cũng bận bù đầu, rảnh rỗi đâu mà tán gẫu với những người già. Nhất là sau buổi cơm chiều khi hoàng hôn buông xuống, ai nấy đều đã về nhà thì bóng đêm chắc phải thật dài.
Vừa đẩy cửa bước vào tôi đã giật mình vì gặp một hàng 6 chiếc xe lăn đang dàn chào. Trên mỗi xe là 1 lão ông hoặc lão bà độ bảy, tám mươi, mái tóc bạc phơ, mắt hom hem sau làn mục kính. Có người trông còn sáng suốt, người thì như xác không hồn. Họ chăm chú nhìn tôi từ đầu đến chân như quan sát một quái nhân đến từ hành tinh khác. Có lẽ vì tôi là người Á Châu duy nhất tới đây chăng? Cô y tá hướng dẫn như đoán được cảm nghĩ của tôi bèn nhoẻn miệng cười:
- Ông ngạc nhiên lắm sao?
Tôi ngập ngừng:
- Bộ họ biết hôm nay tôi đến đây nên hiếu kỳ muốn trông thấy mặt tôi.
Cô y tá khẽ lắc đầu:
- Mỗi ngày đều như vậy, sáng nào họ cũng ngồi đó để mong chờ.
- Chờ thân nhân tới đón?
- Dạ thưa không.
- Vậy hay là chờ bạn bè đến thăm?
Cô y tá phì cười pha trò:
- Ông nghĩ già ngần ấy tuổi mà còn hẹn bạn gái sao?
- Không, ý tôi là bạn thông thường đấy.
- Nếu những người bạn ấy chưa nằm xuống thì cũng đang ngồi xe lăn như họ tại một viện dưỡng lão nào đó thôi, rồi ngậm ngùi họ mong chờ những hình bóng không bao giờ đến, xa xôi trong ký ức.
Rồi cô khẽ thở dài:
- Tôi làm việc ở đây hơn 10 năm, đã chứng kiến nhiều hoạt cảnh, tháng nào cũng có người mới tới và cũng có người vĩnh viễn ra đi.
- Chắc ít nhiều, lòng cô cũng có phần nào xao xuyến, phải không cô?
- Thật tình mà nói lúc đầu thì có đấy, nhưng mà bây giờ tôi đã quen rồi.
- Tôi nghĩ là cô rất mẫn cảm?
- Chỉ là do tập luyện thôi chứ bằng không thì sẽ ngã quỵ đó ông!
Chúng tôi vào thang máy lên tầng trên, một cụ già chống gậy tập tễnh vô theo. Cô y tá nhìn ông ta và hỏi:
- Ông đi lên hay là đi xuống?
Cụ đáp như cái máy, giọng nói khò khè yếu ớt khó nghe:
- Đi.. đi xuống, rồi đi.. đi lên, rồi đi.. đi xuống, đi lên.
Tôi nhận thấy ông ta chẳng nhìn ai cả, ánh mắt không hồn đang hướng về phương trời vô định. Dường như quá quen thuộc với những hiện tượng này, cô y tá thản nhiên nói:
- Vậy thì xin ông bước ra chờ chuyến sau sẽ có người đi với, chúng tôi đang bận.
Cô bèn nắm tay dẫn ông cụ ra ngoài rồi lạnh lùng khép cửa. Tôi thắc mắc:
- Nếu ông ấy lại tiếp tục bấm nút thang máy thì sao cô?
- Chúng tôi đã lượng trước được điều ấy cho nên tất cả nút cắt điện trong viện đều gắn rất cao người già không thể với tới.
- À thì ra vậy!
Công tác xong trời cũng về chiều, tôi từ giã, cô y tá tiễn tôi ra cửa. Đoàn xe lăn vẫn còn dàn chào.
Chợt trông thấy trong góc tối 1 ông lão độ trên dưới 80 đang cô đơn ngồi bất động trên xe lăn như pho tượng cũ. Điểm khác biệt khiến tôi chú ý là ông ta không phải người da trắng và cũng không hòa nhập vào toán dàn chào. Da ông màu đồng nâu có nhiều vết nhăn đậm nét thời gian hằn trên mặt. Mái tóc bạc phơ rủ lòa xòa trên trán, vóc người bé nhỏ, mắt hom hem trân trối nhìn tôi như muốn nói điều gì. Tôi đoán chừng ông là thổ dân da đỏ. Hiếu kỳ tôi hỏi cô y tá:
- Và vị dưỡng lão này cũng là người Indian hở cô? Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của chính phủ liên bang chứ?
Cô ta ngạc nhiên:
- Ủa sao ông lại hỏi vậy?
Tôi chỉ ông lão ngồi xe lăn:
- Vậy không phải Indian là gì?
Cô y tá phì cười:
- Ông ta là người Á Đông đó ông ạ.
Tôi giật mình:
- Người Á Đông?
- Dạ phải, dường như là Việt Nam đó.
Thêm một lần kinh ngạc, tôi không ngờ nơi vùng đất hẻo lánh đìu hiu lạnh lẽo này cũng có người Việt cư trú. Tôi bèn hỏi dồn:
- Sao cô biết ông ta là người Việt.
- Dạ thưa ông hồ sơ có ghi đó ông ạ.
- Vậy thì ông ấy vào đây lâu chưa cô?
- Hơn 10 năm.
Rồi cô khẽ lắc đầu:
- Tội nghiệp, ông ta rất hiền lành dễ thương ai cũng quý mến cả. Nhưng chẳng nói được tiếng Anh cho nên suốt ngày cứ thui thủi một mình không có bạn.
- Vậy thân nhân ông ấy có thường xuyên tới thăm ông ấy không?
- Một lần cách đây lâu lắm, hẳn có uẩn khúc gì đây.
Không cam tâm làm ngơ trước người đồng hương đang gặp cảnh bẽ bàng nơi đất khách, tôi tự giới thiệu tôi cũng là người Việt Nam. Cô ta trố mắt:
- Ồ thế mà tôi cứ đinh ninh ông là người Trung Hoa.
Tôi cười:
- Trong mắt người Tây Phương, thì bất cứ ai da vàng cũng là người Tàu.
Cô ta pha trò:
- Cũng đâu phải lạ, nhiều anh Tàu nhan nhản khắp nơi. Ngay trong xóm da đỏ hẻo lánh tít mù trên miền Bắc cũng có. Lần nào qua đó tôi cũng ghé mua cơm chiên, chả giò vừa ngon vừa rẻ nhưng phải cái là…
Tôi nhoẻn miệng cười:
- Mỡ dầu và bột ngọt hơi nhiều phải không cô?
Cô ta cười xòa
- Phải nói là nhiều quá mới đúng. Khổ công tập thể dục cả tháng, ăn một bữa cơm Tàu là đâu vào đấy, có khi còn thặng dư là khác.
Tôi quay lại vấn đề:
- Tôi muốn tiếp xúc với ông lão người Việt để mà chào hỏi làm quen, có thể ông ấy cũng đang cần nói chuyện vì lâu lắm chưa có dịp.
Cô y tá mừng rỡ:
- Hay lắm, đó cũng là điều tôi mong muốn. Vùng này hẻo lánh quá nên không tìm ra người thông dịch, nhân tiện nhờ ông hỏi xem ông ấy có nhu cầu hay đề nghị gì hầu chúng tôi đáp ứng không?
- Vâng, tôi sẽ cố gắng làm điều đó cô.
Thấy tôi đi tới ông lão ngước lên, nhíu đôi mắt hom hem nhìn chầm chập, vừa ngạc nhiên vừa thoáng chút ngại ngùng. Tôi gật đầu chào:
- Dạ thưa chào cụ ạ.
Nét mặt rạng niềm vui, giọng nói run run vì xúc động:
- Dạ chào, chào thầy, thầy người Việt à?
Giọng ông hơi nặng và chân thật. Tôi thân mật nắm tay ông.
- Thưa cụ cháu cũng là người Việt như cụ đấy ạ.
Ông lại nghẹn ngào:
- Cảm ơn Thiên Chúa, cảm ơn Đức Mẹ Từ Bi đã cho tôi gặp được ông.
Tôi kéo ghế ngồi bên cạnh và bắt đầu trò chuyện.
- Thưa cụ, vì sao cụ cho là cuộc gặp gỡ hôm nay là do Thiên Chúa và Đức Mẹ sắp đặt.
- Tại đêm nào tôi cũng cầu nguyện ơn trên cho tôi gặp được người đồng hương.
- Có chuyện gì khẩn cấp không thưa cụ?
- Để được nói chuyện bằng tiếng Việt mình thôi.
Cụ thở dài:
- Lâu lắm rồi tôi chưa được nói hay là nghe tiếng mẹ đẻ.
Nhức trong tim, tôi bùi ngùi thương cảm, một ước mơ thật đơn giản mà sao quá xa vời. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Ông kể:
“Tên tôi là Tỉnh, Nguyễn Văn Tỉnh, trước kia ở Bình Tuy, làm nghề biển, có thuyền đánh cá. Tuy không giàu, nhưng cuộc sống cũng sung túc. Tôi có vợ, 3 con trai, đứa lớn nhất còn sống thì giờ này cũng đã gần 50. Năm 75, Cuôc chiến tranh sôi động, cả nước kéo nhau chạy nạn, sẵn phương tiện trong tay tôi chở vợ con vượt thoát, nhưng chẳng may là sau 3 ngày lênh đênh trên mặt biển thì gặp bão lớn tàu chìm. Tôi và đứa con út lên 6 được may mắn đã gặp tàu Mỹ nó vớt, còn vợ và 2 đứa con lớn thì mất tích thầy ạ. Sau đó thì tôi được bảo trợ về Louisiana, nơi đây có đông người đồng hương nên cũng đỡ buồn. Tôi bắt đầu tái tạo sự nghiệp, hùn hạp với bạn bè mua tàu đánh cá làm việc ngày đêm, trước là để vơi buồn, sau là tạo dựng tương lai cho thằng Út, giọt máu cuối cùng còn sót lại của tôi. Tôi ước mong thằng bé sẽ theo cha mà học nghề biển nhưng nó thì không muốn. Nó chỉ thích làm bác sĩ, kỹ sư ngồi nhà mát thôi chứ không chịu dãi nắng dầm mưa như bố, thế nên thầy biết không, vừa xong trung học là nó quyết chọn trường xa để mà tiếp tục theo đại học”.
Ông ngừng lại một chút để dằn cơn xúc động rồi ngậm ngùi kể tiếp:
“Tôi chỉ có mình nó, không thể sống xa con, nên quyết định là bán hết tài sản để mà dọn theo, bạn bè ai cũng ngăn cản thầy ạ, nhưng tôi quyết giữ lập trường, mang hết tiền dành dụm đến cái tiểu bang này mua 1 căn nhà nhỏ ở ngoại ô, còn chút ít thì gửi vào trong quỹ tiết kiệm lấy lời sống qua ngày. Hai cha con đùm bọc nhau, cuộc sống tuy chẳng sung túc nhưng chẳng nhẹ nhàng. Tuổi ngày một già thì sức khỏe càng yếu, năm ấy trời mưa đá, tôi bị ngã gẫy chân thầy ạ. Bác sĩ cho biết xương già thì không có lành được và phải vĩnh viễn ngồi trên xe lăn. Thằng Út ra trường có việc làm ở Nữu Ước.
Tự biết là khó có thể theo con và không muốn làm trở ngại bước tiến thân của nó nên tôi xin vào viện dưỡng lão. Tôi lên tiếng trước thầy ạ cho nó khỏi bị khó xử. Nó giúp tôi làm thủ tục và hứa là khi nào làm ăn yên ổn nó sẽ đón tôi về. Các viện dưỡng lão tương đối khá đều hết chỗ, may thay trong lúc đang bối rối thì có anh bạn học người da đỏ quen Út mách cho tôi nơi này. Thấy con tôi buồn tôi bèn an ủi nó: nơi nào cũng là quê người, cũng giống nhau thôi, thỉnh thoảng con về thăm bố là bố vui rồi. Thế là cả ngôi nhà lẫn tiền dành dụm phải trao hết cho viện dưỡng lão, dĩ nhiên là tôi được nhận.”
Ánh mắt xa xôi nhìn về phía chân trời đang có đàn chim chiều đang soải cánh ông chép miệng:
- Chà nhanh quá, mới đó đã 10 năm rồi.
- Thưa cụ, thời gian qua chắc là anh Út vẫn thường xuyên về thăm cụ chứ?
- Ừ, một năm thì nó cũng trở lại, nó khoe tôi hình cô gái Mỹ và nó nói, dâu tương lai của bố đó. Rồi thầy biết không, từ đó biệt tăm luôn.
- Cụ hoàn toàn không biết tin tức gì về anh ấy sao?
- Không, mà thật tình tôi cũng không muốn biết nữa.
- Tại sao, anh ấy là con trai duy nhất của cụ mà? Cháu sẽ giúp cụ tìm anh ấy nhé?
Ông lão rơm rớm nước mắt:
- Tôi sợ lắm, thầy ơi, thà biền biệt như thế mà tôi vẫn tin tưởng là nó đang sống tốt với vợ con ở một nơi nào đó trên quả đất còn hơn là biết tin buồn. Quả tình tôi không kham nổi.
Tôi nghẹn lời nói không được, lát sau qua cơn xúc động, tôi bèn hỏi:
- Giờ đây cụ có còn ước nguyện gì thì cụ cho cháu biết, cháu sẽ hết lòng giúp với tất cả khả năng của mình thưa cụ.
Ông lão thở dài:
- Già rồi còn được mấy năm trước mặt hở thầy?
Ánh mắt chợt linh động, ông nhìn tôi và chép miệng:
- À, mà tôi thèm một bát bún riêu quá.
Hai tuần sau vào ngày Chủ Nhật, tôi nhờ chị bạn thân nấu giùm 2 bát bún riêu cua, bún nước để riêng, có đầy đủ chanh, rau, nước mắm, ớt hiểm tươi còn đặc biệt có thêm lọ mắm ruốc thật ngon. Tôi cho tất cả vào túi xách đem vào viện dưỡng lão Lakeview. Mất hơn 4 giờ, sau cùng tôi đã tới. Như lần trước, ông vẫn ngồi trên xe lăn gần cửa sổ cuối phòng.
Bất ngờ trông thấy tôi ông mừng rỡ kêu lên:
- Ồ kìa thầy, thầy lại về đây công tác hở thầy?
Tôi chạy tới nắm tay ông:
- Dạ thưa lần này thì cháu chỉ đến đây thăm cụ và cháu có một món quà đặc biệt mang biếu cụ đây.
Lộ vẻ cảm động ông cụ nhoẻn cười đôi mắt nhăn nheo:
- Bày vẽ làm chi hở thầy, đến thăm tôi là quý rồi thầy ơi.
Tôi xin phép ban quản lý đưa cụ ra vườn vì thức ăn nặng mùi mắm ruốc nên tôi phải mang theo 1 lọ cồn nhỏ để đun nóng ngoài trời. Cụ chăm chú nhìn tôi bỏ bún ra tô, trộn rau ghém, nêm mắm ruốc, chan nước dùng nghi ngút bốc hơi, rắc chút tiêu thơm trên lớp gạch cua nổi vàng trên mặt. Nặn hai lát chanh tươi và sau cùng là ba trái ớt hiểm đỏ thơm nồng cay xé lưỡi. Không nén được thèm thuồng, chốc chốc cụ lại nuốt nước bọt. Tôi đặt tô bún riêu trước mặt và mời cụ cầm đũa. Cụ run giọng:
- Cám ơn thầy, không ngờ hôm nay tôi còn được ăn bát riêu cua. Mời thầy cùng ăn cho vui ạ.
- Cám ơn cụ, cháu đã ăn xong ở nhà, xin cụ dùng tự nhiên, bún riêu còn nhiều, hết tô này cháu sẽ hâm tô khác.
Cụ trịnh trọng húp từng muỗng xúp, gắp từng đũa bún, cắn từng miếng ớt cay ngon lành như chưa từng được ăn ngon, chốc chốc cụ dừng tay để lau mồ hôi và luôn miệng khen tấm tắc:
- Trời ơi, bún riêu ngon quá mà mắm ruốc thơm quá thầy ơi.
Tôi cảm động đặt tay lên vai cụ:
- Thưa nếu cụ bằng lòng nhận cháu làm con, cháu sẽ thay anh Út và thường xuyên thăm viếng cụ nhé.
Cụ sững sờ nhìn tôi thật lâu như không tin ở tai mình rồi hai dòng nước mắt từ từ lăn dài trên đôi má hóp:
- Trời ơi, sao tôi có được diễm phúc như vậy sao trời!
Tôi yêu cầu ban quản lý ghi tên tôi vào danh sách thân nhân, và dặn dò khi có chuyện cần thì cứ gọi.
Năm sau, còn một ngày nữa là Tết, tôi đã chuẩn bị xong quà cáp có cả trà thơm, mứt ngọt dự định sáng hôm sau Mồng Một đầu năm sẽ mang lên mừng tuổi cụ. Đang ngon giấc, chợt có chuông điện thoại, tôi nhấc ống nghe, bên kia đầu dây tiếng cô y tá trực của viện dưỡng lão:
- Dạ thưa hỏi, có phải ông là ông Trần không?
- Dạ vâng ạ, là chính tôi đây .
- Dạ thưa ông, cụ Tỉnh đau nặng.
- Tình trạng thế nào có nguy không cô?
- À, đang nằm phòng hồi sinh bệnh viện ở thành phố đó thưa ông.
- Cám ơn cô rất nhiều, ngày mai tôi sẽ đến cụ.
- À ông nên đi sớm hơn đi là vì sợ không còn dịp nữa.
Tôi rụng rời, ngoài trời tuyết rơi càng lúc càng nhiều, trời trở lạnh, gió giật từng cơn, hoa tuyết bay nghiêng như ngàn vạn mũi tên bắn vào kính nghe rào rào như vãi cát. Không gian mờ mịt, rừng phong trắng xóa một màu, tuyết phủ lớp dầy trên mặt đất. Tôi rà thắng cho xe chạy chậm để khỏi rơi xuống hố. Sau cùng cũng tới được bệnh viện Hayward.
Cô y tá nhìn tôi ái ngại:
- Thưa ông, suốt đêm qua ông ấy cứ gọi tên một người nào đó. Không biết có phải là ông không ạ.
- Cô còn nhớ là ông gọi tên gì không?
- Chỉ một tiếng duy nhất, dường như là Work hay Út gì đó.
Tôi đã hiểu là thằng Út.
Tôi hé cửa lách vào trân trối nhìn ông rồi ngồi xuống bên giường, người ông khô đét, hai mắt nhắm nghiền, hơi thở yếu ớt. Tôi nhẹ nhàng đặt tay lên vầng trán nhăn nheo. Ông chợt cử động rồi thều thào.. Út.. Út.
Nước mắt chực trào ra, giờ phút nầy tôi phải làm một điều gì để ông được mỉm cười khi vĩnh biệt. Tôi bóp nhẹ bàn tay gầy guộc và nghẹn ngào:
- Thưa cha, con đã về đây thưa cha.
Mi mắt ông động đậy, cố nhướng nhìn lên. Rồi kiệt sức nên từ từ khép lại nhưng môi còn mấp máy:
- Út.. Út, Út con.
- Phải thưa cha, con là Út đây cha. Con là đứa con bất hiếu đã quay về bên cha để xin cha tha thứ cho con.
Tôi cảm được các ngón tay khô gầy đang bắt đầu cử động trong lòng tay tôi, cố nắm giữ đứa con yêu đừng có xa rời. Nước mắt tôi vô tình rơi xuống làn môi khô nứt nẻ đang hé một nụ cười.
Gia tài ông để lại là một bọc vải nhỏ trong ấy có một tượng chúa Giê-Su bị đóng đinh trên cây thập giá và tấm hình đen trắng đã trổ vàng chụp gia đình 5 người đoàn tụ, đứa nhỏ nhất còn bế trên tay, tôi đoán nó tên là Út.
Tuổi xuân giờ đã đi đâu
Còn đây tóc bạc phai màu thời gian
Những năm sau, mỗi lần có dịp lên mạn Bắc, tôi đều ghé nghĩa trang thăm ông. Hôm nay, trời vào Thu! Nghĩa trang chiều hoang vắng quá! Lá vàng từng chiếc rơi trên mộ. Tôi lặng người nghe khóe mắt rưng rưng...
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai...
---------------
Tác giả Ẩn Danh
(Sưu tầm)

Reply
#97
(2021-12-26, 07:30 PM)Ech Wrote: CÂU CHUYỆN ĐÊM GIÁNG SINH


Vừa vào đến nhà, Wendy nắm tay Jack đi đến trước mặt cha mẹ, cô nói:
- Thưa ba má, đây là Jack, bạn trai mà con thường nhắc đến.

Câu nói của cô vừa thốt ra thì tất cả những hộp kẹo bánh, hoa tươi trên tay Jack tức thời lộp độp rơi xuống đất, anh nhào tới ôm lấy cô vào vòng tay khỏe mạnh của anh.

Một điều mà Wendy không thể ngờ được là cô bổng nghe một giọng nói thảng thốt phát ra từ cửa miệng của Jack:
- Trời đất, em biết nói à?
Đó cũng chính là câu mà Wendy muốn hỏi Jack.

Mọi người ngoại cuộc đều ngẩn ngơ ngạc nhiên trong khi hai người trong cuộc thì ôm nhau cười, nói, la, hét, nhảy nhót như điên dại. Thì ra Jack cứ ngỡ Wendy là một cô gái câm thế mà anh vẫn sinh lòng quyến luyến mà còn muốn tiếp tục đi đến hôn nhân. Wendy cũng tự hào có quyết định sáng suốt vì đã chọn được người tình trong mộng tuyệt vời nhất thế gian.

Thượng Đế của chúng ta đang ngự ở trên cao, hình như ngài cũng đang che miệng cười cho trò đùa mà ngài đã đạo diễn suốt một năm qua.

Nguồn: Sưu tầm

Rollin Rollin Rollin

Ok-sign-smiley-emoticon
Reply
#98
COUNTDOWN CÙNG MAI
(By ThaiNC)

Lái xe loanh quanh khoảng nửa tiếng, tôi bất ngờ thấy phía trước ánh đèn lấp lánh và dòng chữ “Cà Phê Mai – OPEN”
Ôi vậy là quán còn mở cửa. Hên quá!
Phải, hôm nay ngày cuối năm. Tôi từ NewYork nhận một việc mới về San Jose này đúng 3 tuần trước New Year. Đêm cuối năm nằm một mình trong phòng trọ, nhớ nhà, nhớ mẹ...và thèm một ly cà phê. Ly cà phê Việt Nam nóng pha theo lối “Cái nồi ngồi trên cái cốc” mà người bạn chung sở đã đưa tôi đến quán nào đó không thể nhớ tên. Thèm thì thèm nhưng chỉ còn chưa đến một tiếng nữa sẽ chuyển sang năm mới, đâu thể gọi anh dẫn đi! Tôi bèn lấy xe xuống phố một mình, lái lòng vòng không chủ đích biết đâu may mắn tìm lại được quán Cà Phê hôm đó.
“Cà Phê MAI” này không phải là quán hôm trước tôi đã tới, nhưng hề chi, miễn là có bán cà phê và...còn mở cửa.
Quán vắng hoe. Tôi đã để ý thấy từ bên ngoài parking không có một chiếc xe nào.
Khi tôi bước vào, người con gái sau quầy đứng lên chào. Cô khá đẹp và có lẽ cũng cỡ tuổi ba mươi như tôi. Thật lạ, cả một quán rộng lớn như vậy mà chỉ có một mình cô ngồi đó, không một người khách hay nhân viên nào. Có lẽ họ đã sắp sửa đóng cửa? Tôi ngần ngại hỏi. Cô trả lời không, vẫn còn mở cửa. Các nhân viên khác đã về nhà chuẩn bị năm mới cùng gia đình. Cô là chủ quán, nhà cô ở đây, nên vẫn tiếp tục mở để đón tiếp những khách hàng uống cà phê khuya như tôi.
Té ra cô là chủ quán. Mai là tên của cô.
Cô bưng tôi ly cà phê bốc khói thơm phưng phức và tự nhiên ngồi xuống đối diện. Bên ngoài trời lạnh lắm, nhưng tôi bỗng cảm thấy ấm áp lạ thường. Mai ngồi đối diện và tôi có đủ thời gian ngắm cô rõ hơn chút nữa. Cô không phải là tuyệt sắc giai nhân, nhưng là một người con gái đẹp, nụ cười đằm thắm. Cô hỏi han tôi rất nhiều chuyện, và hai chúng tôi nói tự nhiên như hai người bạn lâu ngày gặp gỡ. Ôi tôi thân lữ khách xa nhà trong đêm trừ tịch, bỗng nhiên gặp một người con gái dịu dàng như vầy không biết có nhân duyên đưa đẩy nào không! Cô hỏi tôi nhớ nhà phải không? Tôi đáp phải. Nhớ mẹ hiền nữa phải không? Phải, nhưng mẹ tôi mất mấy năm trước rồi. Cô nói “I know!”. Sao cô biết mẹ tôi đã mất? Nhưng chỉ nghĩ thoáng qua trong đầu không cần hỏi.
Cô bỗng dừng câu chuyện và nói “Họ đang countdown đó anh” Tôi lại ngạc nhiên sao cô biết! Chung quanh quán chỉ có tôi và cô trò chuyện, còn ngoài ra không có TV hay bất cứ gì khả dĩ để biết đã đúng 12 giờ và thiên hạ đang count down để chuyển sang năm mới? Nhưng chưa kịp hỏi, cô nói tiếp “Countdown với Mai nghe anh” ...và tôi cũng không cần suy nghĩ gì thêm, nâng ly hưởng ứng cùng Mai, đếm “Ten, nine, eight…two… ONE ” Cô nhìn tôi tươi cười: “Happy New Year anh. Cám ơn anh đã đến đây!”
Tôi chưa kịp nói lại gì, chợt cảm thấy một cơn buồn ngủ cực độ từ đâu kéo đến nặng nề trên mí mắt, không thể gượng lại được.
...
Ánh đèn pin và tiếng gõ lên cửa xe làm tôi thức tỉnh. Người cảnh sát ra hiệu cho tôi xuống xe, đòi coi giấy tờ, và hỏi tại sao ngủ trong xe tại đây? Tôi nói không biết. Tôi vào quán uống cà phê, gặp cô chủ quán ngồi nói chuyện và bỗng buồn ngủ đến không thể chống chọi được. Bỗng nhớ lại đêm nay count down sang năm mới nên nhìn lại đồng hồ tay: 1 giờ sáng. Vậy là đã sang năm mới, và tôi ngủ trong xe được hơn một tiếng.
Tôi nói với viên cảnh sát tôi tới đây uống cà phê. Ông hỏi tôi vậy thấy quán tên gì? Tôi đáp thấy bảng hiệu khá lớn ghi quán “Mai”. Ông rọi đèn pin vào căn nhà và hỏi bảng hiệu ở đâu? Tôi bắt đầu bình tĩnh và nhìn lại vào quán. Nào có bảng hiệu nào đâu? Chỉ là một căn nhà cũ cửa khóa kín, xác xơ như từ lâu không được chăm sóc. Thấy tôi đứng ngẩn ngơ, người cảnh sát nói với tôi: Đây quả thực là quán Cà phê Mai như tôi nói, nhưng là...3 năm về trước lận.
Ba năm trước, quán Mai khá nổi tiếng vì cà phê ngon và cô chủ tên Mai xinh đẹp. Nhưng một hôm người ta khám phá cô Mai đó bỗng biệt tích không một lời từ giã với bất cứ một người nào quen biết cô, kể cả nhân viên của quán. Cô tự ý bỏ đi hay bị ép uổng phải đi, là một điều hoàn toàn bí mật cho đến ngày nay bởi vì cô chỉ ... biến mất trên cõi đời này như chưa từng hiện hữu. Chỉ nghe đồn rằng trước kia trong quá khứ Mai có dính dáng đến một băng nhóm giang hồ nào đó, nhưng sau đã rời bỏ để hoàn lương trốn về đây mở quán cà phê sinh sống lương thiện. Tuy nhiên băng nhóm cũ đó không để cô dễ dàng từ bỏ, mà đã tìm đến. Cô có lẽ đã bị họ bắt đi và thanh toán. Người ta suy đoán vậy vì Mai biệt tích, nhưng tất cả những gì của cô từ giấy tờ tùy thân, tiền bạc, tư trang...đều còn lại đây không suy suyển mảy may. Ngày ấy, ông là một trong những nhân viên công lực địa phương có nhiệm vụ tìm kiếm cô mất mấy năm trời và đành chịu thất bại. Vì lý do đó, ông đối với căn nhà bỏ hoang này có một ấn tượng mạnh mẽ và luôn luôn để ý đến nó mỗi khi đi tuần ngang qua đây.
Và hôm nay ông đã gặp tôi ngồi ngủ say sưa trong xe đậu ngay trước quán giữa đêm New Year Eve lạnh lẽo này.
./.
ThaiNC

Reply
#99
(2021-12-31, 04:33 PM)Ech Wrote: COUNTDOWN CÙNG MAI
(By ThaiNC)

Lái xe loanh quanh khoảng nửa tiếng, tôi bất ngờ thấy phía trước ánh đèn lấp lánh và dòng chữ “Cà Phê Mai – OPEN”
Ôi vậy là quán còn mở cửa. Hên quá!
Phải, hôm nay ngày cuối năm. Tôi từ NewYork nhận một việc mới về San Jose này đúng 3 tuần trước New Year. Đêm cuối năm nằm một mình trong phòng trọ, nhớ nhà, nhớ mẹ...và thèm một ly cà phê. Ly cà phê Việt Nam nóng pha theo lối “Cái nồi ngồi trên cái cốc” mà người bạn chung sở đã đưa tôi đến quán nào đó không thể nhớ tên. Thèm thì thèm nhưng chỉ còn chưa đến một tiếng nữa sẽ chuyển sang năm mới, đâu thể gọi anh dẫn đi! Tôi bèn lấy xe xuống phố một mình, lái lòng vòng không chủ đích biết đâu may mắn tìm lại được quán Cà Phê hôm đó.
“Cà Phê MAI” này không phải là quán hôm trước tôi đã tới, nhưng hề chi, miễn là có bán cà phê và...còn mở cửa.
Quán vắng hoe. Tôi đã để ý thấy từ bên ngoài parking không có một chiếc xe nào.
Khi tôi bước vào, người con gái sau quầy đứng lên chào. Cô khá đẹp và có lẽ cũng cỡ tuổi ba mươi như tôi. Thật lạ, cả một quán rộng lớn như vậy mà chỉ có một mình cô ngồi đó, không một người khách hay nhân viên nào. Có lẽ họ đã sắp sửa đóng cửa? Tôi ngần ngại hỏi. Cô trả lời không, vẫn còn mở cửa. Các nhân viên khác đã về nhà chuẩn bị năm mới cùng gia đình. Cô là chủ quán, nhà cô ở đây, nên vẫn tiếp tục mở để đón tiếp những khách hàng uống cà phê khuya như tôi.
Té ra cô là chủ quán. Mai là tên của cô.
Cô bưng tôi ly cà phê bốc khói thơm phưng phức và tự nhiên ngồi xuống đối diện. Bên ngoài trời lạnh lắm, nhưng tôi bỗng cảm thấy ấm áp lạ thường. Mai ngồi đối diện và tôi có đủ thời gian ngắm cô rõ hơn chút nữa. Cô không phải là tuyệt sắc giai nhân, nhưng là một người con gái đẹp, nụ cười đằm thắm. Cô hỏi han tôi rất nhiều chuyện, và hai chúng tôi nói tự nhiên như hai người bạn lâu ngày gặp gỡ. Ôi tôi thân lữ khách xa nhà trong đêm trừ tịch, bỗng nhiên gặp một người con gái dịu dàng như vầy không biết có nhân duyên đưa đẩy nào không! Cô hỏi tôi nhớ nhà phải không? Tôi đáp phải. Nhớ mẹ hiền nữa phải không? Phải, nhưng mẹ tôi mất mấy năm trước rồi. Cô nói “I know!”. Sao cô biết mẹ tôi đã mất? Nhưng chỉ nghĩ thoáng qua trong đầu không cần hỏi.
Cô bỗng dừng câu chuyện và nói “Họ đang countdown đó anh” Tôi lại ngạc nhiên sao cô biết! Chung quanh quán chỉ có tôi và cô trò chuyện, còn ngoài ra không có TV hay bất cứ gì khả dĩ để biết đã đúng 12 giờ và thiên hạ đang count down để chuyển sang năm mới? Nhưng chưa kịp hỏi, cô nói tiếp “Countdown với Mai nghe anh” ...và tôi cũng không cần suy nghĩ gì thêm, nâng ly hưởng ứng cùng Mai, đếm “Ten, nine, eight…two… ONE ” Cô nhìn tôi tươi cười: “Happy New Year anh. Cám ơn anh đã đến đây!”
Tôi chưa kịp nói lại gì, chợt cảm thấy một cơn buồn ngủ cực độ từ đâu kéo đến nặng nề trên mí mắt, không thể gượng lại được.
...
Ánh đèn pin và tiếng gõ lên cửa xe làm tôi thức tỉnh. Người cảnh sát ra hiệu cho tôi xuống xe, đòi coi giấy tờ, và hỏi tại sao ngủ trong xe tại đây? Tôi nói không biết. Tôi vào quán uống cà phê, gặp cô chủ quán ngồi nói chuyện và bỗng buồn ngủ đến không thể chống chọi được. Bỗng nhớ lại đêm nay count down sang năm mới nên nhìn lại đồng hồ tay: 1 giờ sáng. Vậy là đã sang năm mới, và tôi ngủ trong xe được hơn một tiếng.
Tôi nói với viên cảnh sát tôi tới đây uống cà phê. Ông hỏi tôi vậy thấy quán tên gì? Tôi đáp thấy bảng hiệu khá lớn ghi quán “Mai”. Ông rọi đèn pin vào căn nhà và hỏi bảng hiệu ở đâu? Tôi bắt đầu bình tĩnh và nhìn lại vào quán. Nào có bảng hiệu nào đâu? Chỉ là một căn nhà cũ cửa khóa kín, xác xơ như từ lâu không được chăm sóc. Thấy tôi đứng ngẩn ngơ, người cảnh sát nói với tôi: Đây quả thực là quán Cà phê Mai như tôi nói, nhưng là...3 năm về trước lận.
Ba năm trước, quán Mai khá nổi tiếng vì cà phê ngon và cô chủ tên Mai xinh đẹp. Nhưng một hôm người ta khám phá cô Mai đó bỗng biệt tích không một lời từ giã với bất cứ một người nào quen biết cô, kể cả nhân viên của quán. Cô tự ý bỏ đi hay bị ép uổng phải đi, là một điều hoàn toàn bí mật cho đến ngày nay bởi vì cô chỉ ... biến mất trên cõi đời này như chưa từng hiện hữu. Chỉ nghe đồn rằng trước kia trong quá khứ Mai có dính dáng đến một băng nhóm giang hồ nào đó, nhưng sau đã rời bỏ để hoàn lương trốn về đây mở quán cà phê sinh sống lương thiện. Tuy nhiên băng nhóm cũ đó không để cô dễ dàng từ bỏ, mà đã tìm đến. Cô có lẽ đã bị họ bắt đi và thanh toán. Người ta suy đoán vậy vì Mai biệt tích, nhưng tất cả những gì của cô từ giấy tờ tùy thân, tiền bạc, tư trang...đều còn lại đây không suy suyển mảy may. Ngày ấy, ông là một trong những nhân viên công lực địa phương có nhiệm vụ tìm kiếm cô mất mấy năm trời và đành chịu thất bại. Vì lý do đó, ông đối với căn nhà bỏ hoang này có một ấn tượng mạnh mẽ và luôn luôn để ý đến nó mỗi khi đi tuần ngang qua đây.
Và hôm nay ông đã gặp tôi ngồi ngủ say sưa trong xe đậu ngay trước quán giữa đêm New Year Eve lạnh lẽo này.
./.
ThaiNC

Năm cùng tháng tận, Ếch cho độc giả thưởng thức câu truyện liêu trai.

LOL-4
Reply
LỜI NGUYỆN CẦU.
LA THỊ ÁNH HƯỜNG.

Thức giấc, chị thấy lòng mình nhẹ tênh. Ấy là những khi chị biết từ nay mình sẽ không còn phải chịu đựng cái cảm giác khó chịu về gã chồng của chị. Không còn phải kéo sụp cái nón che vết tím bầm trên mi mắt mỗi khi đi chợ, cũng chẳng lo sợ mông lung với những buổi tối gã về quá khuya, hay những cơn say mèn mà có khi gã lôi cả dòng họ chị ra để mà chửi. Hàng xóm ban đầu thương hại, sau đó thì nể phục tính chịu đựng của chị. Lấy chồng đã mấy năm nhưng tính chị còn trẻ con lắm! Chẳng vậy mà có lúc chị ngơ ngác hỏi chính mình; sao lại có thể lựa chọn một gã như thế để làm chồng nhỉ? Khi ấy chị có cảm giác như mình là một đứa trẻ mới lớn hơn là một phụ nữ đã bước sang tuổi ba mươi.

Hỏi thế là bởi vì chị biết rõ về gã như biết từng đường chỉ trong lòng bàn tay mình. Mà đâu chỉ có riêng chị, cả cái Xóm Đạo này ai mà chẳng biết gã. Cái gã quanh năm làm mướn mà hễ rảnh lại “cắm rễ” ở quán rượu nhà bà Ba ấy! Các bà mẹ có trẻ con lấy gã ra hù doạ mỗi khi chúng không chịu nghe lời. Người già trong xóm nói về gã với đầy vẻ kinh nghiệm: “Những đứa có tài thường bị cái tật đeo bám như thế!”. Đó là họ đang nói về cái nết siêng năng của gã. Cả xóm này, từ công việc lớn đến việc nhỏ, hễ có ai mướn là gã nhận làm tuốt. Có khi làm quần quật từ sáng sớm đến tối khuya. Người ta thương dúi cho gã thêm mấy đồng, thế là lại vào quán nhậu. Mới chưa đầy ba mươi mấy tuổi mà người gã lúc nào cũng bốc ra mùi rượu, mồ hôi của gã cũng hôi mùi rượu.

Ngày ấy, mỗi lần đi ngang quán có gã, chị phải bước nhanh hơn. Chị không sợ gã. Gã hiền khô có hại ai bao giờ đâu mà sợ! Nhưng chị sợ ánh mắt gã! Ánh mắt nhìn chị lạ lắm, như rất đỗi thân thương trìu mến, mặc dù gã với chị chưa nói chuyện với nhau câu nào.

Có đêm tỉnh giấc. Chị cầm lấy bàn tay mình, đụng phải những vết chai sần do năm tháng, chị thấy lo sợ. Tuổi trẻ của chị đã trôi qua từ bao giờ? Bất chợt chị nghĩ tới ánh mắt của gã mỗi lúc nhìn chị. Chị tưởng tượng tay mình đang nằm trong lòng bàn tay gã và cảm thấy xấu hổ.

Hôm sau chị đến nhà thờ xưng tội. Chị vốn là một con chiên ngoan đạo. Cha sứ ngồi lặng lẽ như một quan toà hiền lành, giọng chị nhẹ nhàng nhưng thành khẩn: “Thưa cha con có tội trong lời nói và trong tư tưởng…”

Gã đứng bên ngoài nhìn vào, vẫn với ánh nhìn như mọi lần. Chị quay ra bắt gặp vội lúng túng quay đi.

Đêm ấy trời mưa to. Từng hạt thi nhau quất xuống mái tôn gỉ sét, nước mưa xối ào ào vào nhà chị. Chị kéo ống quần cao khom lưng múc nước đổ ra ngoài. Lượng nước ập vô nhà ngày càng nhiều. Chị cứ chăm chỉ múc. Đến khi có một vật gì đó rất nặng đổ ập xuống lưng chị. Chị ngất đi.

Tỉnh dậy, chị ngỡ ngàng thấy gã đang loay hoay cất lại mái tôn nhà chị, có cả mùi cháo cá thơm nức bốc lên từ bếp.

Vượt qua rất nhiều sự ngăn cản của gia đình và khuyên răn của bè bạn. Chị vẫn quyết định lấy gã. Đám cưới của chị với gã diễn ra bằng một lễ cưới đơn sơ trong ngôi nhà thờ cổ kính. Vị cha già nhìn chị cười đôn hậu: “Ta tin tình yêu có thể cảm hoá được con người. Con không nên lo lắng vì đã có Chúa ở bên con”. Chị chắp tay trước ngực, cúi đầu khấn nguyện: “Lạy Đức Giêsu lòng lành vô cùng. Ngài luôn soi đường dẫn lối cho con bước, con tin ở Ngài …”

Mọi người bảo gã có vợ bảnh bao hẳn ra. Đám con nít trong xóm không còn sợ gã như trước. Thỉnh thoảng chúng còn nhận được cây kẹo ngọt tận đầu lưỡi hay cái kèn làm từ lá dừa của gã. Có hôm đi về tới nhà còn có đứa trẻ đu trên cổ gã. Gã lăn ra giường chơi với nó một lát rồi mới nhờ chị bồng đi trả, dường như gã cũng yêu trẻ con lắm! Chỉ mỗi tật uống rượu là không bỏ dứt được. Dễ gì hỏ được thói quen đã ăn sâu vào máu thịt gã như thế! Vậy mà chị vẫn cứ hy vọng.

Xem ra cái câu nói “có tật có tài” của người xưa để lại đã trở thành “bất hủ”. Những lúc say nhìn gã như một tên ăn mày không hơn. Ấy vậy mà khi tỉnh táo lại thương vợ đến không ngờ. Gã lại có tài nấu ăn rất ngon. Khi nào đi làm về sớm gã hăng hái vào bếp nấu ăn. Thường là những lần như thế gã ngồi nhìn chị ăn nhiều hơn. Lâu lâu lại hỏi: “Có vừa miệng không mình?”. Chị gật đầu rồi và vào miệng gắp thức ăn gã vừa bỏ vào chén. Mà công nhận gã khéo nấu thật! Cũng bằng ấy thứ rau, củ, mắm muối, nhưng khi chị nấu vẫn không thể bốc lên cái mùi thơm lừng, hấp dẫn như gã. Những bữa ăn như thế lần nào chị cũng nghĩ, phải chi gã bỏ được tật xấu mỗi khi uống rượu, chắc chắn gã sẽ trở thành ông chồng hoàn hảo nhất trên thế gian này.

Mà cái lần hành hạ chị cuối cùng ấy, có lẽ cả đời chị vẫn không quên được. không hẳn vì những cú đấm như trời giáng của gã. Chị có bao giờ chấp nhất người say đâu. Ấy là tại rượu nó làm như thế. Những lúc tỉnh dậy, gã nhìn thân thể tím bầm của chị mà xuýt xoa, có khi giận mình quá, gã đập mạnh đầu vô tường đến rướm máu ra. Rồi vừa xoa bóp cho chị vừa năn nỉ, rồi hứa hẹn. Chị gạt nước mắt bảo với lòng cho gã thêm một cơ hội nữa. Dù gì cũng đã ăn ở với nhau, gã cũng không phải là người xấu nếu từ bỏ tật uống rượu.

Chị thường xuyên đi nhà thờ hơn.

Cho đến cái đêm gã quay về trong cơn say khướt. Toàn thân nồng nặc mùi rượu, ấy vậy mà gã còn lè nhè đòi lấy tiền chị đi uống tiếp. Chị kiên quyết không đưa. Thế là gã lao tới chị, gầm lên như một con chó sói hung giữ:

- Hôm nay tao phải cho mày một bài học!

Vừa nói dứt câu gã đấm túi bụi vào ngực, vào bụng chị. Chị quá bất ngờ, lại chưa tỉnh hẳn ngủ nên không đỡ được đòn đánh nào của gã. Mãi đến khi có thứ nước màu đỏ chảy ra từ ống quần , chị mới đau đớn gào lên:

- Ôi con tôi!

Gã thôi không đánh nữa, nhìn chăm chăm vào ống quần chị. Gã hiểu ra, không thốt lên được lời nào, khụy xuống ôm lấy bờ vai đang run rẩy của chị.

Bằng tất cả sức lực cuối cùng, chị mạnh tay hất hắn ra, gào lên:

- Cút đi!

Gã càng xấn lại gần chị. Khuôn mặt hắn nhăn lại trông khổ sở, phải chi hắn có thể khóc biết đâu sẽ đỡ hơn. Trời ạ, hắn vừa làm gì thế kia? Đứa con mà hắn trông mong từng ngày giờ chỉ còn là những giọt máu khô bết lại. Chị vẫn gào lên:

- Cút đi!

Đấy, cái lần cuối cùng đã diễn ra như thế!

Sau đó gã có trở về, khi chị đang nằm trên giường bệnh. Nhìn gã chị lại nhớ tới đứa trẻ chưa kịp hình thành trong bụng đã bị gã hại chết, nỗi căm phẫn lại trào dâng thế là chị lại gào lên mà xua đuổi gã. Lần nào cũng thế, cứ đợi khi chị khàn hết cả giọng gã mới lủi thủi bước đi.

Chị ngồi nhìn đám mây lơ lửng trên nền trời, lòng thấy sao trống trải quá! Chắc tại chị rảnh rỗi hơn nên thấy vậy. Mọi ngày có gã, bằng giờ này chị đang loay hoay trong bếp chuẩn bị bữa cơm chiều. Có hôm xong sớm chị lại thơ thẩn ngoài vườn nhặt cỏ, chờ tiếng xe đạp của gã cọc cạch đầu ngõ, chị chạy ra mở cửa. Cũng có hôm gã về trễ, chị cứ đứng tần ngần lo lắng, rồi bực tức lại chửi rủa thầm trong bụng.

Cứ thế ngày này qua ngày kia.

Giờ thì không còn trông mong gì nữa. Một mình chị có khi nấu nồi cơm ăn cả ngày. Sướng quá đi mất! Vậy mà có hôm chị vẫn gióng cổ nhìn ra phía cánh cổng có hàng dâm bụt rậm rịt. Như một thói quen hay nỗi nhớ mong, chị cũng không phân biệt được. Chỉ thấy những bóng nắng chiều chập chờn trên mấy khóm hoa.

Rảnh quá nên chiều nào chị cũng đi nhà thờ. Một người quen cho chị biết gặp gã ở Xóm Gỗ, làm và ở lại luôn trong cơ sở mộc, nhìn tội nghiệp lắm! Xem chừng như đã biết lỗi rồi, hay bỏ qua cho gã lần nữa.

Chị nghe đến đó liền gạt phăng đi. Làm sao có thể tha thứ cho kẻ cả con mình cũng hại thế kia. Cả đến loài cọp beo mà chúng còn biết yêu thương con, huống hồ gì gã lại là con người!

Trên gian cung thánh, vị cha già nhìn chị với ánh nhìn bao dung: “Anh em hãy tha thứ cho nhau như chính Cha trên trời đã tha thứ cho anh em …”.

Câu nói của vị cha già đeo bám lấy chị về đến tận nhà. Chị ngồi trước bàn thờ nhìn chăm chăm vào tấm hình có bức tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh trên cây thánh giá. Khuôn mặt oằn oại lên từng đợt mỗi khi chúng lấy búa đóng mạnh xuống cây đinh. Nhưng còn không đau bằng người đàn bà đang vật vã dưới chân cây thánh giá kia – là mẹ Ngài. Bà đã chứng kiến cảnh họ hành hạ con bà một cách tàn nhẫn. Tưởng chừng như chẳng có nỗi đau nào lớn hơn thế. Lạ thay, trong sâu tận tâm hồn của hai con người cao cả đó, vẫn không hằn lên sự căm thù mà ngược lại, trước khi trút hơi thở cuối cùng từ giã cõi đời, Ngài còn kịp kêu lên: “Lạy cha trên trời, xin hãy tha thứ cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm!”.

Chị như choàng tỉnh sau những căm phẫn thù hằn gã chồng chị. Nỗi đau của chị thì có đáng gì, sao chị lại không thể tha thứ cho gã chứ!

Chị chắp hai tay trước ngực, nguyện cầu: “Con sẽ học theo gương Ngài mà tha thứ. Lạy Chúa, xin người đem đến sự bình an để cho anh ấy có thể trở về với con. Amen!”.

Gã đứng sau chị từ bao giờ, những giọt nước mắt thi nhau rớt từ khoé mắt đỏ au của gã. Chị như lịm đi trong yêu thương lẫn xót xa, gã gầy đi nhiều quá! Gã bước tới chầm chậm và ôm xiết chị trong vòng tay. Trong niềm hạnh phúc, gã tự hứa với chính mình từ nay sẽ không đụng tới rượu nữa, một giọt cũng không!

15/5/2005
🍀La thị Ánh Hường

Reply
CHUYỆN BÀ GIÀ MANG DÉP LÀO...
LÊ THÍ

Khoảng năm 1981, 1982 đời sống giáo viên cực kỳ khó khăn. Tôi quyết định đi xe đạp thồ để có tiền mua sữa cho con. Chiếc xe đạp để đi dạy hàng ngày được bổ sung thêm cái giỏ phía trước và cái yên nệm mút phía sau bạc -ba- ga cho khách ngồi… êm đít!

Mỗi sáng cứ 5 giờ là ra đứng ở đầu hẻm trước nhà để chờ khách. Khi trời bắt đầu sáng thì bỏ con hẻm nơi khá gần trường đang dạy, rất dễ gặp học trò, chạy xuống đường Lý Tự Trọng hoặc Trần Cao Vân cách nhà độ 3 km đứng đón khách. Có khách hay không thì 10 giờ 30 phải quay về nấu cơm ăn để chiều… lên lớp.

Một buổi sáng đang bon bon trên đường Trần Cao Vân trước chợ Lầu Đèn, chạy về nhà chuẩn bị đi dạy thì có một bà cụ dáng rất nhà quê đón xe. Vừa mừng vừa lo. Mừng vì được một cuốc xe có thêm tiền. Lo vì sợ khách đi xa không về ăn cơm kịp để 12h30 vào dạy tiết 1.

Tôi phanh xe và hỏi:

– Cụ đi mô.

Bà cụ nói

- Đây xuống bến xe Vĩnh Trung mi lấy mấy?

Thấy bà già nhà quê tôi chợt nhớ mẹ. Tuyến đường lại trùng với lộ trình về nhà của mình nên tôi nói:- Đúng giá là 1 đồng rưỡi. Còn chừ cụ cho mấy cũng được, cụ không có tiền thì con chở giúp cụ một đoạn, con đang trên đường về.

Bà cụ cười dơ hàm răng chỉ còn toàn… lợi và nói:- Thằng ni đi thồ mà nói nghe vui hỉ!

Nói xong bà cụ cúi xuống cầm đôi dép lào đã mòn lín. Hai cái gót đã thủng hai lỗ lớn bằng đồng bạc cào lưng.

Cụ bỏ đôi dép vào giỏ xe của tôi và nói:-Xuống bến xe mi nhớ nhắc tau lấy đôi dép ni chớ không phải mi đợi tau quên rồi lấy luôn nghe chưa!

Tôi cười và bảo:

- Cụ yên tâm. Con không mang dép bằng tay nên không lấy đôi dép ni mô!

Lên xe chuyện qua chuyện lại mới biết bà cụ ở Thanh Quýt ra thăm, mang cho con trai đang làm công nhân ở cảng một ang gạo vì nghe nói gạo mua tiêu chuẩn ăn không đủ, bữa nào cũng chỉ lưng bụng mà đi làm. Còn bà thì biết tôi là thầy giáo cấp 3 đi xe thồ thêm ngoài giờ để mua sữa cho con. Nghe hoàn cảnh của nhau, cả hai bà cháu đều im lặng.

Một chặp tôi nghe bà ngồi sau chép miệng rồi nói:

- Răng ai cũng khổ hết trơn ri hè!

Đến bến xe Vĩnh Trung, tôi quay lại dặn:

- Cụ ngồi im, đừng lo, để con tìm xe Vĩnh Điện cho cụ đi. Bến xe đông sợ cụ tìm không ra.

Tìm được xe đi Vĩnh Điện, tôi phanh xe đạp và nói với cụ:

- Cụ nhớ lấy đôi dép. Con chở hộ cụ một đoạn thôi không lấy tiền.

Bà trả lời:

- Thằng ni nói nghe được. Tau không trả tiền xe nhưng chờ tau một xí (tí).

Vừa nói cụ vừa lật lớp áo ngoài rồi mở cây ghim túi áo trong và lấy ra 3 đồng, đưa cho tôi.

Tôi giẫy nẩy:

- Con nói rồi. Con chở dùm không lấy tiền xe.

Cụ bảo:

- Biết rồi. Tau cũng không trả tiền xe. Tau cũng không cho mi. Mi có chưn có tay, có sức dài vai rộng mi làm mi ăn. Tiền ni tau gởi mi đem về mua sữa cho cháu tau. Mi không lấy tau la làng là mi móc túi của tau. Răng. Nhận đi con, cho bà vui.

Nói xong cụ nhét tiền vào túi áo của tôi rồi cắp nách đôi dép lào đã mòn gót leo lên xe.

Lần đó tôi đứng khóc một mình giữa bến xe Vĩnh Trung đông đúc cho đến khi chuyến xe đò rời bến… chạy khuất!

- Bà ơi. Bà đang ở cõi nào?

Nay con có thể viết những quyển sách nhận nhuận bút hàng chục triệu đồng. Đứa cháu nhỏ thời đó nay đã là tiến sĩ làm giảng viên của một trường đại học danh tiếng. Nhưng có lẽ, cho đến lúc chia tay cuộc đời này con vẫn còn nợ bà… một hộp sữa!

Sài Gòn, 26/5/2017
LÊ THÍ

Reply
Chào Ech. Tui có replied cho Ech trong thread kia, nhưng sợ là Ech không vô đó nữa nên tui phải bưng về đây để chúc Tết lại khi vẫn còn trong bầu không khí của Tết, đừng chọc quê là tui lắm mồm quá nhe ông cụ non.  Face-with-stuck-out-tongue-and-winking-eye_1f61c Grinning-face-with-smiling-eyes4


(2022-02-02, 05:55 PM)Ech Wrote: Chúc Lan một năm mới vui vẻ hơn, không cần đi đánh lộn nữa  Grinning-face-with-smiling-eyes4===> Thanks! I will! 💃🏻 Winking-thumbs-up-smiley-emoticon  


[Image: thoxuan.png]

(thấy có qua bên kia chúc tết tui rồi xóa, đó là điều tốt, giao ước của chúng ta vẫn còn giá trị đó nhe Lol )

1670184173 Skokie, USA..Chào buổi sáng bên Ech... Hello 
  Sorry, tại tui không biết Ech ở thành phố với tiểu bang nào nên chỉ chào vậy thôi. Cảm ơn Ech đã tặng cho tui cái banner rất đẹp có lồng bài thơ của tui thật nhiều Innocent Tulip4  Hèn chi tối hôm qua tui nằm chiêm bao thấy chim bay vô nhà thả xuống cho tui một cái hột giống, không biết là hạt giống gì...Hy vọng đó là hạt giống của bình yên và hạnh phúc....Tui xin lỗi Ech nhiều vì hôm qua tui có viết mấy hàng trong thread của Ech rồi tui xóa tại vì tui sợ ngày đầu năm tui sẽ làm cho Ech không được vui đó.
Mà mình giao ước gì với nhau vậy? Tui quên mất tiêu rồi, nếu giao ước đó không vui thì bỏ qua đi, đừng nhắc lại làm chi...Sẵn đây tui xin chúc đầu năm lại với Ech lại nha...
Chúc Ech năm mới:  
🌹Phát tài, phát lộc, phát công danh...
Năm mới hạnh phúc mãi đong đầy....
Sức khỏe càng ngày càng như Hổ...
Gia đình muôn thuở mãi tình chung.🌹
Bởi chúnɡ tɑ khônɡ thể thɑy đổi được thế ɡiới xunɡ quɑnh,
nên chúnɡ tɑ đành phải sửɑ đổi chính mình,
đối diện với tất cả bằnɡ lònɡ từ bi và tâm trí huệ.
                                                                                                            
Reply
hihihi, đúng là nhiều chuyện, tui đã thấy rồi, và tui đã chúc Tết rồi, chả lẽ tui lại chúc Tết thêm nữa sao?? Biggrin

Reply
(2022-02-03, 10:37 AM)Ech Wrote: hihihi, đúng là nhiều chuyện, tui đã thấy rồi, và tui đã chúc Tết rồi, chả lẽ tui lại chúc Tết thêm nữa sao??  Biggrin

Tại Ech vô đó mà im lặng quá nên tui mới nhiều chuyện vậy đó...It's your fault!  Face-with-stuck-out-tongue-and-winking-eye_1f61c Grinning-face-with-smiling-eyes4
Edit: Hìhì...Tui mới vô đó lại, thấy Ech có cho cái like để báo cho tui biết là Ech có vô đó đọc thấy rồi..Now it's was my fault! Soggy! Becuoi Becuoi😜
Bởi chúnɡ tɑ khônɡ thể thɑy đổi được thế ɡiới xunɡ quɑnh,
nên chúnɡ tɑ đành phải sửɑ đổi chính mình,
đối diện với tất cả bằnɡ lònɡ từ bi và tâm trí huệ.
                                                                                                            
Reply
Đóng góp với Ẽch cưng một truyện ngắn dễ thương.
———————-

Nhớ  ngày thơ ấu

Anh tôi nằm bịnh viện Saint Camille đã được mười bữa. Chiều hôm qua, ảnh gọi điện thoại về nhà, nói: “Thằng tây nằm chung phòng ra nhà thương rồi, ngày mai chủ nhựt, mầy vô đây anh em mình nói chuyện chơi”. Nghe giọng ảnh “có thần” nên tôi vui vẻ trả lời: “Dạ! Mai em vô. Vợ con em đi Mỹ, chớ không thì em cũng chở tụi nó vô thăm anh”. Tôi nghe ảnh cười khịt: “Một mình mầy cũng đủ cho tao vui rồi…”.

Phòng anh tôi là loại phòng hai giường ở lầu ba. Ông già người Pháp cỡ hơn tám mươi tuổi nằm chung phòng với anh tôi rất khó tánh. Ổng không thích có nhiều ánh sáng vào phòng nên volet cửa sổ lúc nào cũng chỉ hé lên một chút thôi. Thấy ổng quá già lại hay gắt gỏng nên mấy cô y tá cũng nhân nhượng, chỉ kéo volet lên cao trước giờ bác sĩ trưởng đi thăm bịnh nhân, rồi lại hạ thấp xuống, sau đó! Mỗi lần tôi vào thăm anh tôi, mặc dầu chúng tôi nói chuyện nho nhỏ với nhau, ổng cũng lăn qua trở lại thở dài. Có khi còn lấy gối bịt lỗ tai nữa!

Anh tôi nói: “Tao chưa bao giờ nghe nó… tằng hắng với tao một tiếng!” .

Ông Tây đó xuất viện, chắc anh tôi nghe… nhẹ lắm nên mới vội vã gọi tôi vào chơi, để nói chuyện mà không cần giữ gìn ý tứ gì hết!

Hôm nay, volet cửa sổ được kéo lên hết nên để lộ trời cao lồng lộng và phòng đầy ánh sáng.. Thấy tôi, anh tôi vui vẻ nói: “Mừng quá! Hổm rày, cứ làm thinh, bực mình thấy mụ nội! Bữa nay, tụi mình nói chuyện tự do, cho nó đã!”.

Tôi nhìn anh tôi mà thấy thương: mới ngoài sáu mươi mà đã già xọm. Bao nhiêu năm tù đày... đã ăn mòn cơ thể của ảnh đến nỗi từ khi ảnh qua Pháp sum họp với vợ chồng tôi, ảnh cứ bịnh lên bịnh xuống hoài. Cũng may là ảnh không có vợ con nên không có những cái lo của người có gánh nặng gia đình. Và cũng may là ảnh chỉ có một mình tôi là em đã có cuộc sống ổn định nên ảnh không phải cưu mang một đứa em nào khác.

Hai anh em tôi nói chuyện vui vẻ một lúc, bỗng anh tôi nhìn trời qua khuôn kiếng cửa sổ rồi nói: “Trời đẹp quá, Cu!”.

Tôi còn đang ngẩn ngơ không biết ảnh nói với ai thì ảnh cười khịt khịt: “Mầy quên mầy hồi nhỏ tên là Cu hả? “.

Tôi bật cười: cả một trời dĩ vãng bỗng hiện về rất rõ, với những hình ảnh thuở nhỏ ở nhà quê, có bà mẹ một mình trồng rau trồng cải nuôi hai thằng con, đứa lớn tên Hai đứa nhỏ tên Cu… Tôi nhìn anh tôi mà nghe rưng rức ở trong lòng. Tôi “Dạ” như cái máy! Anh tôi nói: “Bác sĩ nói anh ra ngoài chút chút được”.

Tôi lại “Dạ” nhưng vẫn còn thấy tôi đang ở quê tôi, ở trong cái nhà tranh vách đất có giàn bầu vắt lên mái tranh che sàng nước nằm bên góc bếp… Tôi nói “Vậy hả anh” mà vẫn còn đứng trong vườn rau của mẹ với mấy cây mít cây ổi cây xoài, vẫn còn nhìn cái giếng có cây cần vọt để kéo nước và cái gàu đeo lủng lẳng ở đầu cây sào dài…Tôi chỉ giật mình dạ lớn khi nghe anh tôi gọi:

“Cu! Ê … Cu!”.

Ảnh nhìn tôi, mỉm cười: “Tao muốn mầy đưa tao đi một vòng”.

Tôi “Dạ” rồi vội vã bước ra cửa. Ảnh ngạc nhiên: “Đi đâu vậy?”. Tôi trả lời: “Em đi lấy cái xe lăn!”.

Ảnh bật cười: “Không cần xe lăn xe liếc gì hết. Mầy lại đây, tao chỉ cho”.

Ảnh tằng hắng mấy tiếng rồi nói tiếp: “Mầy đỡ tao dậy cạnh giường. Đọ… Mầy xây lưng lại thụt sát vô cạnh giường ở giữa hai chân tao nè. Đọ… Rồi mầy rùn người xuống cho tao ôm cổ mầy. Mẹ… Mầy ăn thứ gì mà mầy lớn con quá hổng biết! Rồi! Tao ôm chắc rồi! Bây giờ, mầy choàng hai tay ôm hai bắp vế của tao đây, vừa xóc nhẹ để lấy trớn vừa đứng lên. Đọ… Như vậy, người mình gọi là ‘cõng’. Ở xứ nầy, tao chưa thấy ai cõng ai hết. Có lẽ người ta không biết cõng, mầy à!”.

Tôi cõng anh tôi, nhẹ hều. Ảnh nói: “Hồi nhỏ, tao cõng mầy mòn lưng, mầy đâu có biết!”.

Một xúc động bỗng dâng tràn lên cổ, tôi vừa nuốt xuống vừa siết chặt hai chân anh tôi như muốn ôm lấy hết con người của ảnh để cám ơn, cái con người đang nằm trên lưng tôi đây, cái người anh đã hy sinh suốt cuộc đời không chịu lập gia đình chỉ vì muốn nuôi thằng em ăn học cho đến nơi đến chốn! Ảnh đã cõng tôi trong thời tuổi nhỏ, về sau, ảnh vẫn tiếp tục cõng tôi - dù dưới hình thức khác - cho đến ngày tôi thành nhân ra đời. Biết bao giờ tôi cõng lại anh tôi suốt hai mươi mấy năm trời như vậy?

Chúng tôi ra hành lang. Gặp một cô y tá, cô ta vội nói: “Để tôi lấy cho ông một chiếc xe lăn!”.

Tôi lắc đầu: “Khỏi cần! Cám ơn cô! Anh tôi muốn tôi cõng như vầy”.

Cô ta mỉm cười bỏ đi, vừa đi vừa nhìn lại, vẻ ngạc nhiên. Anh tôi nói: “Mầy thấy không? Ở xứ nầy, người ta không biết cõng là gì!”.

Thật vậy, đi dài dài theo hành lang, gặp ai cũng bị nhìn với một nụ cười như muốn nói “Làm gì ngộ vậy há!”. Tiếng của anh tôi vẫn đều đều nho nhỏ bên tai: “Hồi đó, năm mầy ba tuổi là năm mầy bịnh hoài nên mầy cứ nhề nhệ nhề nhệ đeo theo má đòi ẵm. Chiều nào má cũng nói “Hai! Mầy cõng thằng Cu đi hàng xóm cho má nấu cơm coi!”. Vậy là dầu tao đang tưới rau tao cũng quăng đó, cõng mầy đi vòng vòng. Hồi đó, lúc nào mầy cũng ở truồng, còn tao, dầu đã hơn mười tuổi, nhưng lúc nào cũng ở trần, chỉ khi nào đi học mới máng lên mình cái áo sơ-mi. Thành ra, khi cõng mầy tao thương ở cái chỗ là nghe con cu của mầy mềm mềm nằm gọn trên da lưng tao. Nhiều khi thương quá, tao xoay người lại hun mầy trơ trất làm mầy nhột mầy cười đưa mấy cái răng non nhỏ như hột gạo! Mầy coi! Vậy mà đã hơn năm mươi năm rồi chớ bộ!”.

Tôi im lặng nghe anh tôi kể mà trong đầu thấy như đang nhìn ngay trước mắt cảnh thằng anh cõng thằng em đi quanh quanh để người mẹ rảnh tay lo nấu bữa cơm chiều… Đẹp quá! Anh tôi lại nói: “Thiệt ra, tao đâu có cõng mầy đi đâu xa. Đi lòn lòn qua mấy liếp rau mấy bờ mía rồi qua lò bánh tráng của dì Sáu Lộc. Đứng xớ rớ một chút là dì Sáu hay chị Hai Huê con của dỉ cho một cái bánh tráng nướng thơm phức”. Ngừng một chút, anh tôi hỏi:

“Mầy còn nhớ chị Hai Huê không?”

Tôi đáp: “Dạ có. Hồi đó, chỉ ra sư phạm rồi dạy tụi em ở tiểu học”.

Anh tôi tằng hắng: “Ờ! Chỉ đó! Má khen chỉ lắm, nói: con nhỏ dễ thương, đi làm có lương mà chỉ sắm có hai cái áo dài, hỏi nó thì nó nói nó để dành tiền cất một cái quán cho má nó ra bán bì bún ít cực hơn là xay bột tráng bánh”.

Đến đây thì tôi nhớ rõ cái quán của dì Sáu Lộc: Quán nhỏ nằm cạnh cây gõ trước lò bánh tráng. Bì bún ngon có tiếng. Có điều là dì Sáu không bán rượu đế mà cũng không cho khách hàng mang rượu đế đến quán! Dân nhậu phàn nàn thì dì Sáu nói: “Tôi ghét thứ đó lắm! Cũng tại ba cái đế đó mà ông nhà tôi ba ngù té xuống bàu chết không ai hay!”.

Cái quán đó về sau giao cho vợ chồng cô cháu gái của dì Sáu trong nom và được cất rộng ra thành tiệm cà phê, người ta gọi là tiệm “Cây Gõ”…

Ở cuối hành lang bịnh viện là khuôn kiếng rộng. Nhìn xuống dưới thấy nắng đầy… Cây cỏ được cắt xén sạch sẽ đẹp mắt. Tia nước tưới vườn tự động quét qua quét lại coi mát rượi. Anh tôi im lặng nhìn một lúc rồi nói:

“Hồi đó, chiều nào đi học về, tao cũng phải đi tưới vườn rau. Mới có mười tuổi mà tao mạnh lắm! Cái gàu nước lớn như vậy mà tao xách chạy bon bon. Phải nói là nhờ có cây cần vọt tao mới kéo nổi cái gàu ra khỏi giếng, chớ nếu kéo bằng sợi dây dừa thì chắc tao chịu thua”.

Có lẽ sợ tôi quên nên anh tôi tả cây cần vọt. Tôi vẫn để ảnh nói vì tôi thấy ảnh đang sung sướng với những hình ảnh đẹp của quê hương, cái quê hương ngàn trùng xa cách…Tiếng của anh tôi vẫn đều đều bên tai: “Cần vọt là hai cây tre lớn bằng bắp chân đóng dính chắc vào nhau bằng những thanh ngang coi giống như một cái thang. Chân cái thang đó được chôn đứng cách giếng độ hai ba thước. Trên đầu có một cốt tròn xỏ qua hai thân tre. Bắc dính chắc trên cái cốt đó là một thân tre dài, đầu to là đầu nặng nằm đụng đất, đầu nhỏ chỉ lên trời coi giống như một đòn bẩy hay một cái đu nhún lên hạ xuống của trẻ con. Đó là cái cần. Trên đầu cần là một cây sào bằng tầm vông dài xuống gần miệng giếng, đầu dưới của sào có cái móc để móc cái gàu. Muốn lấy nước, người ta kéo cây sào thòng gàu xuống giếng đợi gàu đầy nước là kéo gàu lên, cây cần làm đòn bẩy giúp cho người kéo nước không phải ráng sức. Hay quá!” .

Tôi nói đẩy đưa, cố ý để cho anh tôi nghỉ:

“Dạ. Em còn nhớ cây cần vọt chớ! Hồi em lớn lên, em vẫn phụ anh tưới rau cho má, anh quên sao? Em còn nhớ hồi đó phần của em là lo tưới và châm sóc giàn bầu của má”.

Ảnh cười khịt khịt: “Ờ… giàn bầu. Trái dài lòng thòng, đi ngang phải cúi đầu để tránh...”.

Rồi giọng của ảnh như vui lên: “Bầu luộc là món mà tụi mình ăn hằng ngày, mầy nhớ không? Bữa cơm nào cũng có bầu luộc, mẻ cá kho và một tô nước luộc bầu. Nước luộc bầu không có con tôm con tép gì hết, chỉ có chút muối, chút tiêu và mấy cọng hành… vậy mà tụi mình chia nhau húp ngon lành, hén Cu!”.

Tôi bồi hồi nhớ lại cảnh anh em tôi húp nước luộc bầu, nhứt là cái cử chỉ của anh tôi khi ảnh đưa tô sành mẻ miệng, xây chỗ miệng tô còn lành, nói: “Húp ở đây nè, Cu!”. Cha ơi…! Sao mà nó đẹp!

Thấy gần trưa, tôi cõng anh tôi đi lần về phòng. Bỗng ảnh nói: “Ý! Má kêu kìa!”.

Rồi ảnh nghẻo đầu buông thõng hai tay! Tôi đang hốt hoảng chưa biết phải làm sao thì gặp ông bác sĩ trưởng trong thang máy bước ra. Tôi vội vã gọi: “Bác sĩ! Bác sĩ! Ông coi dùm coi! Anh tôi bị gì rồi!”.

Bác sĩ rờ đầu rờ cổ anh tôi rồi lôi tôi chạy lại phòng trực y tá. Bác sĩ hướng vào trong nói”Cứu cấp”. Mấy cô y tá phóng ra đỡ anh tôi qua giường sắt có bánh xe rồi đẩy nhanh về phòng, theo sau là xe dụng cụ thuốc men. Vào phòng, một cô y tá đẩy nhẹ tôi ra ngoài, nói: “Ông đừng vào. Cảm phiền đứng đợi ở đây.” Rồi đóng cửa lại. Tôi tỳ người vào tường, nhìn quanh bối rối: hành lang trống trơn bỗng như rộng mênh mông…

Một lúc lâu sau mấy cô y tá mở cửa đẩy giường đẩy xe ra, nói chuyện tỉnh bơ. Đi sau cùng là bác sĩ trưởng. Ổng vỗ vai tôi, nói:

“Không có gì hết! Chỉ bị xúc động mạnh thôi. Ông vào được rồi.”.

Tôi nói “Cám ơn” rồi thở dài nhè nhẹ như vừa trút một gánh nặng. Nhìn thấy tôi bước vào, anh tôi mỉm cười, mắt ảnh ngời sáng, nhưng ảnh vừa đưa tay ra dấu vừa nói: “Thôi! Mầy về đi! Để tao ngủ một chút”.

Nói xong, ảnh nhắm mắt mà trên môi vẫn còn nguyên nụ cười. Tôi biết: ảnh đang đi vào giấc ngủ với những hình ảnh đẹp!

Tôi bước ra, đóng nhẹ cửa lại. Hành lang dài tung hút. Chắc cũng đến giờ cho bịnh nhân ăn nên phảng phất có mùi đồ ăn. Tôi bỗng nghe thèm vị ngọt của nước luộc bầu mà anh em tôi chia nhau.

Tác giả.
(Tiểu Tử)
Reply