VietBest
Tin Lành Hy Vọng - Printable Version

+- VietBest (https://vietbestforum.com)
+-- Forum: Tôn Giáo (https://vietbestforum.com/forum-18.html)
+--- Forum: Tin Lành (https://vietbestforum.com/forum-22.html)
+--- Thread: Tin Lành Hy Vọng (/thread-15532.html)

Pages: 1 2 3 4


Tin Lành Hy Vọng - Unlimited - 2020-01-11

Mến Chào toàn thể anh chị em ,

https://www.tinlanhhyvong.com/

Lời Chúa còn lại đời đời , Và đó là đạo tin lành đã giảng cho anh em [ I Phierơ 1 . 25 ]

Tulip4


RE: Tin Lành Hy Vọng - Unlimited - 2020-01-11

Truyền Giảng Giáng Sinh 2019 Tại Các Hội Thánh
22/12/20197907

HTTLVN.ORG – “Chúa Tình Yêu Giáng Sinh” là chủ đề của lễ kỷ niệm Chúa Giê-xu giáng sinh năm 2019. Đây không chỉ là dịp để tôi con Chúa nhắc nhở nhau về tình yêu cứu chuộc mà mình đã nhận lãnh, mà còn là cơ hội để chia sẻ tình yêu ấy đến cho những người chưa biết Ngài. Nhân cơ hội này, Hội Thánh khắp nơi đều tổ chức những chương trình chia sẻ niềm tin. BBT xin đăng tải một số thông tin và hình ảnh từ các Hội Thánh do Thông Tín viên, Cộng Tác viên gửi về.

Tôi con Chúa có thể gửi thông tin – hình ảnh chương trình truyền giảng Giáng sinh của Hội Thánh mình cho BBT tại địa chỉ bientap@httlvn.org

Truyền giảng Giáng sinh tại Kiên Giang:

Chương trình truyền giảng tại HTTL Minh Lương: MS Nguyễn Hữu Dũng giảng Tin Lành, có 12 người lớn và 55 thiếu nhi tin Chúa.

Tại HTTL An Biên, MSNC Lê Văn Hiếu giảng Tin Lành, có 36 thiếu nhi tin Chúa.

HTTL Mong Thọ cũng tổ chức chương trình truyền giảng tại ĐN Phước Tân, MSNC Nguyễn Tấn Thọ giảng Tin Lành, có 7 người lớn và 13 thiếu nhi tin Chúa.

[Image: 3-21.jpg]


RE: Tin Lành Hy Vọng - Unlimited - 2020-01-11

HT Tắc Vân, Cà Mau: 150 Người Tin Chúa Trong Đêm Truyền Giảng 27/12

Ngày 27/12/2019, Hội Thánh Tắc Vân tổ chức chương trình Thánh nhạc Giáng sinh và truyền giảng Tin Lành cho hơn 400 thân hữu người lớn tham dự. Cảm tạ Chúa qua sự rao giảng sứ điệp Giáng sinh và lời kêu gọi của Mục sư Hội trưởng Thái Phước Trường, Chúa cho có khoảng 150 thân hữu đã bằng lòng tin nhận Chúa.

[Image: 15.jpg]

[Image: 17.jpg]


RE: Tin Lành Hy Vọng - Unlimited - 2020-01-11

Bình Thuận: Truyền Giảng Kid Games Tại Sông Dinh và Suối Kiết  

Tại Suối Kiết: Tối ngày 27/12/2019, Mục vụ thể thao tỉnh Bình Thuận đã tổ chức chương trình Kids games dành cho thiếu nhi của Hội Thánh Suối Kiết. Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa và đặc biệt các em được nghe về câu chuyện Chúa Tình Yêu Giáng Sinh. Chương trình thu hút 250 em tham dự, kết quả Chúa cho có122 em tin nhận Ngài.

[Image: 01-18.jpg]

[Image: 02-15.jpg]


RE: Tin Lành Hy Vọng - Unlimited - 2020-01-11

Tại Sông Dinh: Chiều Chúa nhật 29/12, Mục vụ Thể thao tỉnh cũng tổ chức chương trình truyền giảng cho thiếu nhi tại Chi Hội Sông Dinh. Kết quả Chúa cho có 35 em tin nhận Ngài.

[Image: 04-16.jpg]

[Image: 05-16.jpg]


TTV. MSNC Phan Nhiễm


RE: Tin Lành Hy Vọng - Unlimited - 2020-01-12

http://www.tinlanhhouston.org/

[Image: 1a.JPG]

[Image: MSQN.JPG]


RE: Tin Lành Hy Vọng - Unlimited - 2020-01-12

Hưởng Thụ Hay Làm Việc? –

Truyền Đạo 2:1-11

“Đoạn ta xem xét các công việc tay mình đã làm, và sự lao khổ mình đã chịu để làm nó; kìa, mọi điều đó là sự hư không và theo luồng gió thổi, chẳng có ích lợi gì hết dưới mặt trời” (câu 11).

Câu hỏi suy ngẫm: Khi không tìm thấy ý nghĩa cuộc đời trong sự khôn ngoan của con người, Vua Sa-lô-môn xoay qua tìm kiếm những điều gì? Ông nhận định gì về những điều này? Bạn đang tìm kiếm ý nghĩa đời mình nơi điều gì?

Khi Vua Sa-lô-môn thất bại trong việc tìm kiếm ý nghĩa đời sống qua sự khôn ngoan của con người (1:11-18), ông bèn “thử điều vui sướng và nếm sự khoái lạc” (câu 1). Ông không lao vào tìm kiếm lạc thú như một con thiêu thân để rồi hủy hoại đời sống mình, nhưng ngay khi hưởng lạc ông vẫn để “sự khôn ngoan vẫn còn dẫn dắt lòng ta” và “cầm lấy sự điên dại” với mục đích “xem thử điều gì là tốt hơn cho con loài người làm ở dưới trời trọn đời mình sống” (câu 3). Thế nhưng điều mà Vua Sa-lô-môn nhận được qua lạc thú cũng chỉ là sự hư không và trống rỗng, những giây phút vui sướng chóng qua, và điều còn lại với ông chỉ là “Cười là điên; vui sướng mà làm chi?” (câu 2).

Vua Sa-lô-môn không cổ xúy cho chủ nghĩa khổ hạnh nhưng ông muốn nói rằng khi một người tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời qua lạc thú, người đó sẽ trở nên ích kỷ, làm mọi điều mình thích, và sự ích kỷ sẽ phá hoại niềm vui thật, làm đổ vỡ các mối quan hệ. Hơn thế nữa, mức độ vui thú sẽ suy giảm trừ khi cường độ lạc thú được tăng lên, và khi đó con người sẽ trở nên nô lệ cho chính lạc thú. Thật ra, sự hưởng lạc chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của con người và bỏ qua toàn bộ phần còn lại.

Từ bỏ lạc thú, Vua Sa-lô-môn đến với sự nghiệp và sự giàu có (câu 4-11). Ông đã thành công vượt bực trong nỗ lực của mình và “trở nên cao trọng hơn hết thảy những người ở trước ta tại Giê-ru-sa-lem” (câu 9). Vì là một người khôn ngoan nên ông không để mình trở nên nô lệ cho công việc, nhưng biết hưởng thụ và vui thỏa về thành công của mình. Vua Sa-lô-môn “chẳng từ điều gì mắt mình ước ao, cũng chẳng cấm điều gì lòng mình ưa thích; vì lòng ta vui vẻ vì mọi công lao của ta; và đó là phần ta đã được trong mọi công lao ta” (câu 10). Tuy nhiên, khi nhìn lại cuộc đời mình, những thành tựu do chính mình đạt được, Vua Sa-lô-môn gọi đó là “sự lao khổ mình đã chịu,” và cuối cùng thì “mọi điều đó là sự hư không và theo luồng gió thổi, chẳng có ích lợi gì hết dưới mặt trời” (câu 11).

Trong câu 4-11, chúng ta thấy cụm từ “cho mình” được lặp lại nhiều lần. Một cuộc đời loại bỏ hay quên lãng Đức Chúa Trời, một cuộc đời chỉ làm mọi sự “vì mình”, một người chỉ sống “cho mình” sẽ không bao giờ tìm thấy ý nghĩa, và niềm vui thật trong đời sống.

Bạn có kinh nghiệm gì khi tìm kiếm lạc thú cho mình qua sự nghiệp và giàu có không?

Cảm tạ ơn Chúa vì Ngài đã tạo dựng nên chính con. Tạ ơn Chúa vì con thuộc về Ngài. Xin giúp con luôn sống vì sự vinh hiển của Ngài.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 72-73.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org


RE: Tin Lành Hy Vọng - Unlimited - 2020-01-12

Khôn Ngoan Có Ích Gì Chăng? –

Truyền Đạo 1:12-18

​​​​“Ta cũng chuyên lòng học biết sự khôn ngoan, và biết sự ngu dại điên cuồng; ta nhìn biết điều đó cũng là theo luồng gió thổi” (câu 17).

Câu hỏi suy ngẫm: Trước giả đã tìm kiếm ý nghĩa đời sống ở đâu? Theo ông, tại sao điều đó cũng vô nghĩa? Sự dạy dỗ này có phủ nhận nỗ lực của con người trong việc học hỏi nâng cao kiến thức không? Tại sao?

Vua Sa-lô-môn được Đức Chúa Trời đẹp lòng khi ông tìm kiếm sự khôn ngoan, và Ngài đã ban cho ông sự khôn ngoan “đến đỗi trước ngươi chẳng có ai bằng, và sau ngươi cũng sẽ chẳng có ai ngang” (I Các Vua 3:12b). Nhưng chính con người khôn ngoan xuất chúng này đã nhận ra sự khôn ngoan của con người cũng là hư không, bởi ba lý do sau đây: Thứ nhất, sự khôn ngoan của con người không thể thay đổi cuộc đời của mình vì có một Đấng hoạch định tất cả, “Đức Chúa Trời đã giao cho loài người để lo làm” (câu 13). Thứ hai, có nhiều điều không thể thay đổi được và không thể giải thích được, “Vật chi đã cong vẹo không thể ngay lại được, và vật gì thiếu không thể đếm được” (câu 15). Thứ ba, tri thức có thể giúp cho người ta hiểu ra vấn đề và thực trạng bế tắc của mình, nhưng không thể đưa ra giải pháp, khi đó, khôn ngoan càng nhiều thì “sự phiền não cũng nhiều”, hiểu biết càng nhiều thì “ắt thêm sự đau đớn” (câu 18).

Vua Sa-lô-môn không hề phủ nhận giá trị của sự khôn ngoan. Chính ông là người chuyên tâm học hỏi (câu 17), và dùng sự khôn ngoan hiểu biết đó để cai trị quốc gia giúp cho đất nước trở nên cường thịnh (câu 12). Tuy nhiên, sự khôn ngoan của con người có giới hạn, vì không giúp con người nhận biết những vấn đề thuộc linh. Mục sư David Jeremiah viết trong quyển sách Tìm Kiếm Thiên Đàng Trên Đất rằng: “Tất cả các lợi ích của giáo dục và trí tuệ đạt được có thể nói với chúng ta về cuộc sống dưới mặt trời. Phần còn lại của câu chuyện chỉ được tìm thấy trong Lời mặc khải của Đức Chúa Trời”. Sự khôn ngoan cũng không thể giải cứu con người khỏi ách nô lệ cho tội lỗi và tình trạng hư mất đời đời. Nhà biện giáo học Josh McDowell nói rằng: “Nếu giáo dục là chìa khóa của sự sống, thì các trường đại học của bất cứ quốc gia nào cũng phải là những trung tâm đạo đức, hành xử đúng đắn và cao cả nhất để đem đến sự thỏa lòng. Nhưng chúng ta đều biết rằng điều đó hoàn toàn không đúng.”

Tìm kiếm sự khôn ngoan hay chuyên tâm học hỏi không có gì sai trật, nhưng dùng những điều này để thay thế Đức Chúa Trời thì lại hoàn toàn sai trật. Loại bỏ Đức Chúa Trời ra khỏi cuộc đời sẽ khiến mọi thứ trở nên hư không, kể cả sự khôn ngoan. Cơ Đốc nhân luôn nhớ rằng “Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan; Sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng” (Châm Ngôn 9:10).

Bạn cần làm gì để tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống?

Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài đã mở mắt con, khiến con hiểu sự cứu rỗi Ngài ban cho con là mầu nhiệm biết bao. Xin cho con luôn gần Ngài và luôn nhận biết sự bày tỏ của Ngài cho đời sống con ngày một nhiều hơn.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 70-71.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org


RE: Tin Lành Hy Vọng - Unlimited - 2020-01-13

Sự Phục Hồi

Gióp 42:10-11

“Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được” (I Cô-rinh-tô 10:13).

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa phục hồi đời sống ông Gióp trên những phương diện nào? Làm thế nào để chúng ta có thể sẵn sàng chấp nhận những thử thách, hết lòng tin cậy Chúa và xin Chúa giúp để vượt qua?

Sau khi cầu nguyện cho ba người bạn để họ được Chúa tha thứ, ông Gióp đã được Chúa phục hồi đời sống trên nhiều phương diện. Thứ nhất, Chúa phục hồi cuộc sống phước hạnh trước kia của ông. Ngài đem ông “ra khỏi cảnh khốn”. Thứ hai, Chúa phục hồi tài sản của ông và ban cho ông nhiều gấp đôi so với trước khi ông chịu hoạn nạn. Thứ ba, Chúa phục hồi mối tương giao giữa ông với những người xung quanh. Chúa đã thay đổi cách nhìn của mọi người đối với ông. Từ những người thân thương trong gia đình đến những người xa hơn như những người trước kia quên ông, họ đã đến thăm, dùng bữa, chia buồn và an ủi ông. Mỗi người bày tỏ tình yêu đối với ông qua hành động cụ thể như “cho Gióp một nén bạc và một cái vòng vàng”. Đúng thời điểm của Chúa, Ngài đã phục hồi đời sống của ông Gióp. Chúa là Đấng Toàn Năng, dù con người có gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh, tất cả đều nằm trong ý chỉ của Chúa. Sự giàu có mà con người có được cũng là do Chúa ban. Ngay cả con người có nhận được sự yêu mến, giúp đỡ của người khác, cũng do Chúa cảm động họ. Ông Gióp đã chấp nhận phước lẫn họa từ Đức Chúa Trời trên đời sống ông, và ông luôn giữ vững niềm tin nơi Chúa (Gióp 2:10). Chúa luôn theo dõi ông, phục hồi ông, đem ông ra khỏi hoạn nạn đúng thời điểm của Ngài. Ông Gióp đã được Chúa phục hồi thật trọn vẹn.

Ngày nay, nhiều Cơ Đốc nhân cũng đang gặp hoạn nạn khó khăn. Chúa đã ban ông Gióp sự phục hồi thể nào thì chắc chắn Chúa cũng sẽ ban cho chúng ta sự phục hồi thể ấy. Trong sự hoạn nạn, cầu xin Chúa cho chúng ta kiên nhẫn đến cùng, để qua đó chúng ta sẽ được trưởng thành, trọn vẹn hơn trong Chúa (Gia-cơ 1:3-4). Chúng ta cũng phải vững tin Đức Chúa Trời luôn thành tín. Chúa biết sức chịu đựng của mỗi người chúng ta trước những khó khăn, cám dỗ, thử thách, và Chúa sẽ mở đường để chúng ta ra khỏi những thử thách đó (I Cô-rinh-tô 10:13). Tất cả những điều chúng ta có như tiền bạc, danh vọng, địa vị, sức khỏe và ngay cả con cái cũng đều do Chúa ban cho. Vì yêu chúng ta, Chúa đã phó thân Ngài cho chúng ta, huống chi là những của cải vật chất tạm bợ trên đất này. Hãy vững tin nơi Chúa luôn.

Bạn có tin vào sự giải thoát và phục hồi của Chúa trong mọi sự thử thách không?

Kính lạy Đức Giê-hô-va, con xin Chúa tha tội cho con vì nhiều lúc gặp hoạn nạn, con đã buồn phiền và trách Chúa. Xin Chúa cho con bền lòng trong hoạn nạn, và vững tin sẽ nhận được sự phục hồi từ Chúa.



Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 74-75.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.


RE: Tin Lành Hy Vọng - Unlimited - 2020-01-13

Chăm Về Lợi Người Khác

Ru-tơ 3:1-5

“Na-ô-mi, bà gia Ru-tơ, nói cùng nàng rằng: Hỡi con gái ta, mẹ phải lo cho con một chỗ an thân, làm cho con được phước hạnh” (câu 1).

Câu hỏi suy ngẫm: Bà Na-ô-mi dặn dò con dâu làm gì? Tại sao bà dặn dò kế hoạch chu đáo như vậy? Cô Ru-tơ thưa với mẹ ra sao? Điều này cho thấy gì về tính cách của hai mẹ con? Bạn áp dụng gì cho gia đình mình?

Dẫu cuộc sống lúc bấy giờ của bà Na-ô-mi vẫn còn rất khó khăn, nhưng dù sao thì bà cũng có được nàng dâu thảo Ru-tơ lo lắng và chăm sóc cho bà mỗi ngày. Thế nhưng, bà Na-ô-mi không vì mình đã được cô Ru-tơ phụng dưỡng mà quên đi lợi ích của cô con dâu. Bà Na-ô-mi biết mình tuổi cũng đã già, nếu như bà mất đi thì cô Ru-tơ sẽ chỉ còn có một mình ở nơi xứ lạ quê người này. Chính bởi lòng quan tâm đến những nhu cầu thiết thực của con dâu mình, bà Na-ô-mi muốn lo cho cô Ru-tơ được tái hôn để có chỗ an thân và cũng như được hạnh phúc. Người mà bà Na-ô-mi nghĩ đến, không ai khác hơn chính là ông Bô-ô, một người bà con quyền quý, đức độ, và cũng là người có thể giúp gia đình bà chuộc lại sản nghiệp.

Bà Na-ô-mi đã chỉ dạy cho con dâu mình phải làm những gì theo luật lệ của người Y-sơ-ra-ên, để xin ông Bô-ô chấp thuận chuộc lại tài sản của gia đình bà và chấp nhận cưới cô. Và thật cảm động khi cô Ru-tơ hứa vâng lời và làm theo mọi điều mẹ chồng căn dặn. Trong phân đoạn này, chúng ta thấy bà Na-ô-mi không còn cay đắng hay trách móc Chúa về những chuyện trong quá khứ nữa. Điều bà quan tâm giờ đây là hạnh phúc và chỗ an thân cho cô Ru-tơ. Bà không muốn cô vì cuộc sống đơn chiếc khó khăn của hai mẹ con mà phải vất vả suốt ngày nữa. Có thể nói, đây cũng là tính cách của bà Na-ô-mi, người mẹ chồng luôn biết quan tâm đến lợi ích người khác mà cô Ru-tơ hằng quý mến.

Trong văn hóa Việt, mẹ chồng cũng được xem như mẹ ruột thứ hai, nên con dâu có nhiệm vụ phải hiếu thảo, quan tâm chăm sóc cho mẹ chồng. Nhưng đôi khi vì giáo dục gia đình hai bên khác nhau, hoặc tuổi tác, tính cách khác nhau nên giữa mẹ chồng và nàng dâu thường có những hiểu lầm dẫn đến mâu thuẫn. Nhưng trong gia đình Cơ Đốc, không nên vì thế mà mối quan hệ này lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng. Có thể nói, cách cư xử của bà Na-ô-mi dành cho cô Ru-tơ là cách cư xử đáng noi theo cho mẹ chồng và nàng dâu ở mọi thời đại, đồng thời đó cũng là một thách thức lớn cho bất kỳ người mẹ chồng nào. Lời Chúa dạy, “Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:4). Khi mẹ chồng và con dâu sống theo Lời Chúa dạy, yêu thương, quan tâm và chăm sóc lẫn nhau, thì chắc chắc gia đình sẽ vui vẻ, phước hạnh.

Gia đình bạn có sống theo gương của gia đình bà Na-ô-mi chưa?

Lạy Chúa, con cảm kích tấm gương chăm về lợi người khác của bà Na-ô-mi và cô Ru-tơ. Xin giúp con đủ tình yêu, sự quan tâm như Lời Chúa dạy để cải thiện mối quan hệ trong gia đình con.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ô-sê 2.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.


RE: Tin Lành Hy Vọng - Unlimited - 2020-01-14

“Thịnh Vượng Mọi Bề” – Bản Tin Mục Vụ Số 75

13/01/2020311

HTTLVN.ORG – Nói đến thịnh vượng, hầu hết mọi người đều muốn nói đến sự giàu có về vật chất; nhưng thực tế sự thịnh vượng còn phụ thuộc nhiều điều và theo nhiều quan điểm khác nhau.

Kinh Thánh cho chúng ta biết, nếu giàu có ở đời nầy mà không giàu có nơi Đức Chúa Trời, thì khi linh hồn bị đòi lại thì sao? (Lu-ca 12:16-21). Hoặc nếu chỉ thịnh vượng phần xác mà không thịnh vượng phần hồn là một sự thiếu sót lớn lao (III Giăng 2). Đức Chúa Trời là nguồn của sự giàu có, phong phú, sống động, ân điển, tình yêu… Nếu gạt bỏ Đức Chúa Trời chúng ta càng đi vào ngõ cụt.

Bởi cớ ấy, đầu năm 2020, cũng vào dịp Tết Nguyên đán, Bản Tin Mục Vụ số 75 ra mắt quý độc giả với chủ đề “Thịnh Vượng Mọi Bề” nương trên nền tảng Kinh Thánh III Giăng 2,

“Hỡi kẻ rất yêu dấu, tôi cầu nguyện cho anh được thạnh vượng trong mọi sự, và được khỏe mạnh phần xác anh cũng như đã được thạnh vượng về phần linh hồn anh vậy.”  

Với những bài viết dưỡng linh, nghiên cứu về chủ đề này, quý độc giả sẽ khám phá ý nghĩa đích thực của sự “thịnh vượng” theo Thánh Kinh, khác với điều mà phong trào Phúc Âm Thịnh Vượng rao giảng.

Học biết về sự thịnh vượng, bình an của Kinh Thánh, Ban Biên Tập muốn gửi gắm thông điệp đến toàn thể con dân Chúa về việc “theo đuổi một cuộc sống thịnh vượng là đặt mình vào trong kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời để phục hồi Shalom của sáng thế và hiện thực hoá niềm hi vọng của Shalom lai thế ngay trong hiện tại”.

Chúng ta sẽ hiểu “sự thịnh vượng không chỉ ở phương diện vật chất mà còn tâm linh và tinh thần, không chỉ ở phương diện cá nhân mà còn ở sự quan tâm đến cộng đồng, đến tạo vật mà Chúa đã sáng tạo nên, không chỉ ở thời điểm tương lai mơ hồ mà ngay trong hiện tại dù với bất kỳ hoàn cảnh nào”.

Thông điệp “Thịnh Vượng Mọi Bề” cũng được thể hiện qua những bài thơ, qua truyện ngắn, qua nhật ký của một bạn trẻ, hay qua lá thư của người mẹ viết cho con có đoạn “Sự hạnh phúc thật không đến từ tiền tài danh vọng, mà hạnh phúc thật chính là dư dật trong ân điển, nhận biết Chúa làm chủ mọi lĩnh vực của đời sống con ạ”.

Ước ao Bản Tin Mục Vụ số 75 “Thịnh Vượng Mọi Bề” sẽ là một món quà Xuân đầy ý nghĩa mà quý vị dành tặng cho gia đình, người thân và bạn bè nhân dịp Tết Nguyên đán 2020. Cũng ước ao rằng qua những nội dung của các bài viết, chúng ta có thể đồng thanh bày tỏ rằng:

Đời có Chúa mỗi ngày luôn tươi mới,
Thân thể, tâm linh an tịnh trong Ngài.
Cứ vững tin vào lời Chúa chẳng sai
Được vui thỏa, bình an và thịnh vượng.


RE: Tin Lành Hy Vọng - Unlimited - 2020-01-15

Học Biết Yêu Thương

(Bài thơ phỏng theo I Cô-rinh-tô 13)

Cho con học biết một điều,
Quý hơn châu báu, bao nhiêu bạc vàng.
Cho dù có cả thế gian,
Con xin đổi lấy muôn vàn yêu thương.

Dù ai thông hiểu mọi đường,
Biết nhiều ngôn ngữ, am tường trí khôn
Nhưng con quý trọng gì hơn
Lòng nhân trắc ẩn, thâm sơn tình người.

Đời con sẽ thấy đẹp tươi,
Chẳng phải vì lời ca ngợi tán dương.
Nhưng con học biết yêu thương;
Yêu hay nhịn nhục trăm đường chẳng sai.

Nhân từ là bước thứ hai,
Đừng nên ganh tị với ai làm gì?
Khoe mình, kiêu ngạo, bỏ đi!
Đừng ham tư lợi, mất đi tình người.

Nóng giận còn tệ gấp mười,
Nghi ngờ sự dữ, không tươi lòng vàng.
Công bình, ơn phước Chúa ban,
Yêu thương, tha thứ; Cha càng quý hơn.

Dạy con tình nghĩa keo sơn,
Tin yêu, trông cậy; thắng hơn lỗi lầm.
Trải qua bao nỗi thăng trầm
Chẳng hề hư mất một lần chữ yêu!

Bây giờ còn có ba điều:
ĐỨC TIN, TRÔNG CẬY, TÌNH YÊU hàng đầu./.

LÊ MAI


RE: Tin Lành Hy Vọng - Unlimited - 2020-01-17

Nàng Dâu Thuận Phục

Ru-tơ 3:6-15

“Nàng bèn đi xuống sân đạp lúa, và làm theo mọi điều mẹ chồng mình đã dặn” (câu 6).

Câu hỏi suy ngẫm: Trước lời dặn của bà Na-ô-mi, cô Ru-tơ đã làm gì? Hành động ấy thể hiện cô Ru-tơ là người như thế nào? Bạn học được gì từ gương thuận phục của cô Ru-tơ?

Có thể nói, chính bởi lòng nhân từ và rộng rãi của ông Bô-ô dành cho cô Ru-tơ, mà bà Na-ô-mi tin rằng ông Bô-ô có thể đồng ý chuộc lại sản nghiệp của gia đình chồng của bà, đồng thời chấp nhận cưới cô Ru-tơ làm vợ. Căn cứ theo luật pháp của dân Y-sơ-ra-ên, người bà con gần nhất với chồng đã chết của cô Ru-tơ là người có quyền chuộc lại sản nghiệp và cưới cô làm vợ (Phục Truyền 25:5-10). Và trong trường hợp này, ông Bô-ô là một trong những tia hy vọng của bà Na-ô-mi và cô Ru-tơ. Trên phương diện khác, cô Ru-tơ có thể từ chối kế hoạch của bà Na-ô-mi, bởi cô hoàn toàn có thể mơ ước lấy một chàng trai khác nếu như cô muốn lấy một người chồng trẻ tuổi thay vì lấy ông Bô-ô lớn tuổi (câu 10). Nhưng cô đã quyết định thuận phục mẹ chồng.

Chúng ta vẫn còn nhớ ở chương 1, cô Ru-tơ đã từng không làm theo lời khuyên của mẹ chồng, trái lại cô một mực quyết theo mẹ chồng về quê chồng sinh sống. Nhưng trong chương này, khi đối diện với hạnh phúc tương lai của riêng mình, thì cô lại một lòng thuận phục theo sự sắp xếp của mẹ chồng. Sự tương phản trong cách ứng xử của cô Ru-tơ trước những tình huống khác nhau cho thấy cô Ru-tơ là người phụ nữ có chính kiến, cô biết rất rõ cô đang làm gì, chứ không phải nhu nhược, không có lập trường, chỉ biết làm theo lời mẹ chồng mà không suy xét. Sự lựa chọn thuận phục mẹ chồng trong lần này thể hiện cô Ru-tơ là người không phải chỉ chăm mưu cầu hạnh phúc cho mình mà bỏ mặc nguyện vọng được chuộc lại sản nghiệp bên chồng của bà Na-ô-mi. Chính mỹ đức biết quan tâm đến lợi ích của người khác nơi cả hai mẹ con cô Ru-tơ đã thắt chặt càng thêm tình nghĩa giữa cô và bà Na-ô-mi. Và đây cũng là yếu tố giúp cô Ru-tơ vui vẻ thuận phục mẹ chồng.

Khi cô Ru-tơ khẳng định đức tin của mình, “Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi” (Ru-tơ 1:16b), thì Đức Chúa Trời bắt đầu thực hiện kế hoạch của Ngài trên đời sống cô. Và sự thuận phục của cô với mẹ chồng khởi đầu nếp sống thuận phục Chúa, để rồi kế hoạch vĩ đại của Đức Chúa Trời được thành tựu trên cuộc đời của cô. Mỗi chúng ta ngày nay được học biết về Chúa và biết gương thuận phục của Chúa Giê-xu (Phi-líp 2:8). Vì vậy, hãy kính sợ Chúa mà sống thuận phục nhau, khởi đầu trong gia đình, vợ thuận phục chồng, chồng thuận phục Chúa, con cái thuận phục cha mẹ, cha mẹ kính sợ Chúa; dâu rể thuận phục cha mẹ hai bên trong Chúa… Chắc chắn gia đình sẽ luôn hạnh phúc và được Chúa dùng để góp phần trong kế hoạch của Ngài trên đất.

Bạn có đang sống thuận phục Chúa không?

Lạy Chúa, xin giúp con luôn sống thuận phục Chúa, thuận phục cha mẹ trong Chúa vì đó là điều Chúa muốn. Xin cho con có thể sống thuận phục đến cùng như gương Chúa Giê-xu.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ô-sê 3-4.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.


RE: Tin Lành Hy Vọng - Unlimited - 2020-01-19

Nếu Ngươi Trở Lại

Giê-rê-mi 15:15-19

“…Đức Giê-hô-va phán như vầy: Nếu ngươi trở lại, thì ta sẽ lại đem ngươi đứng trước mặt ta; nếu ngươi làm cho sự quý lìa khỏi sự hèn, thì ngươi sẽ như miệng ta, chúng nó sẽ trở về cùng ngươi; nhưng ngươi chẳng trở về cùng chúng nó” (câu 19).

Câu hỏi suy ngẫm: Tâm trạng của Tiên tri Giê-rê-mi được bày tỏ ra sao? Đức Giê-hô-va trả lời cho ông như thế nào? Bạn đang ở trong tâm trạng nào và câu trả lời của Đức Chúa Trời dành cho bạn là gì?

Tiên tri Giê-rê-mi cầu xin Đức Giê-hô-va nhìn thấy những điều ông đang đối diện để “…nhớ đến tôi, thăm viếng tôi, và trả thù những kẻ bắt bớ…” (câu 15). Ông rên siết về những nỗi đau đớn, nhuốc nhơ, giận hoảng mà mình đang đối diện vì cớ Danh Ngài, nhưng ông lại cảm nhận dường như Đức Chúa Trời im lặng, chẳng thăm viếng, chẳng nhớ đến, chẳng cất ông khỏi sự sỉ nhục, mà những người bắt bớ ông đã đối cùng ông. Và trong tâm trạng đó, ông đặt hàng loạt câu hỏi tại sao với Chúa: “Cớ sao sự đau đớn của tôi cứ còn hoài? Cớ sao vết thương của tôi không chữa được và nó không chịu khỏi? Ngài đối với tôi hẳn như cái khe giả dối, cái suối tắt mạch hay sao?” (câu 18). Tuy nhiên, thật như điều ông xưng nhận “Hỡi Đức Giê-hô-va! Ngài hiểu biết” (câu 15). Chính Chúa đã thấy và Ngài đang trả lời cho những thắc mắc của ông. Đức Giê-hô-va phán rằng nếu Tiên tri Giê-rê-mi trở lại thì Ngài sẽ cho ông “đứng trước mặt ta”, “sẽ như miệng ta”, “chúng nó sẽ trở về cùng ngươi” (câu 19).

Đây thực sự là ba điều ông đang quan tâm. Thứ nhất, dù đang nản lòng nhưng Tiên tri Giê-rê-mi vẫn bày tỏ khát khao được phục sự Chúa qua việc ông bày tỏ thái độ tận tụy với công việc Chúa giao phó (câu 16-17), Chúa hứa ông sẽ tiếp tục được phục vụ Ngài. Thứ hai, khi ông đau buồn vì cảm thấy mình thất bại trong lời nói, vì ông khuyên lơn mà dân Chúa không lắng nghe để ăn năn, ông cầu thay với Chúa mà Ngài không đáp lời, thì Đức Giê-hô-va phán rằng ông sẽ như môi miệng của Ngài, hay nói cách khác sẽ lại tiếp tục là người phát ngôn cho Ngài. Và điều thứ ba, khi những người nhà và gia đình của Tiên tri Giê-rê-mi bắt bớ ông, dân Chúa rủa sả ông vì những lời tiên tri ông rao ra không như điều họ muốn nghe, thì giờ đây Đức Giê-hô-va phán rằng chính họ sẽ trở lại với ông, họ sẽ theo ông. Những câu trả lời thật quá quý báu cho Tiên tri Giê-rê-mi, tiếp thêm sức mạnh để vực ông dậy và trở về tiếp tục công tác Chúa giao.

Trong sự phục vụ Chúa, chúng ta cũng từng nản lòng, từng thắc mắc với Chúa khi thấy dường như mình chẳng kết quả trong công tác Chúa giao phó. Hãy nhớ lại hoàn cảnh của Tiên tri Giê-rê-mi. Chúa đã thêm sức cho ông thể nào, Ngài cũng sẽ ban sức cho chúng ta như vậy. Điều quan trọng là hãy cứ vững lòng với công tác Chúa giao.

Bạn có tin chắc vào lời hứa của Chúa để cứ bền lòng trong công việc Chúa giao không?

Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì những lời hứa Ngài dành cho con để giúp con được tiếp thêm sức mạnh mà tiếp tục hầu việc Ngài cách bền lòng, hăng say.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ô-sê 7.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.


RE: Tin Lành Hy Vọng - Unlimited - 2020-01-21

Phước Hạnh Qua Sự Hoạn Nạn

Gióp 42:12-17

“Đức Chúa Trời ban mọi ơn đã gọi anh em đến sự vinh hiển đời đời của Ngài trong Đấng Christ, thì sau khi anh em tạm chịu khổ, chính Ngài sẽ làm cho anh em trọn vẹn, vững vàng, và thêm sức cho” (I Phi-e-rơ 5:10).

Câu hỏi suy ngẫm: Qua sự hoạn nạn, Chúa ban cho ông Gióp những phước hạnh nào? Bạn nghĩ vì sao Chúa cho chúng ta gặp hoạn nạn? Bạn đang hướng cuộc đời mình để tìm những phước hạnh tạm trên đời hay hướng đến sự phước hạnh vĩnh cửu?

Qua sự hoạn nạn, ông Gióp được Chúa ban phước nhiều hơn so với trước khi ông chịu nạn. Thứ nhất, khi so sánh với số gia súc Chúa ban cho ông trước khi ông bị hoạn nạn (Gióp 1:3), thì nay ông có gấp đôi: “mười bốn ngàn chiên, sáu ngàn lạc đà, một ngàn đôi bò, và một ngàn lừa cái” (câu 12). Thứ hai, ông có thêm bảy con trai và ba con gái. Mười người con sau này thay thế cho mười người con đã về với Chúa. Như vậy, ông sẽ gặp hai mươi người con trong Nước Trời khi tất cả họ về với Chúa. Thứ ba, Chúa ban cho ba con gái của ông “lịch sự” hơn hết trong xứ. Tên các nàng có ý nghĩa thật đẹp: Giê-mi-ma có nghĩa là “bồ câu” chỉ về sự yên tĩnh; Kê-xia có nghĩa là “quế” chỉ về hương thơm; Kê-ren-Ha-búc có nghĩa là “hợp phấn diệp” chỉ về vẻ mỹ miều, xinh đẹp. Ông cũng cho các con gái được thừa hưởng sự giàu có của gia đình. Những điều này bày tỏ sự thỏa lòng, vui sướng Chúa ban cho ông. Thứ tư, Chúa cho ông “qua đời tuổi cao”, vui bên con cái, cháu, chắt, chít của mình đến đời thứ tư. Ông còn sống thêm 140 năm sau khi chịu hoạn nạn. Chúa đã cho ông Gióp phước hạnh tràn đầy qua các lãnh vực của đời sống.

         Cơ Đốc nhân ngày nay không chỉ hướng về những phước hạnh tạm trong đời này nhưng còn hướng đến những phước hạnh đời đời. Trên linh trình theo Chúa, ai trong chúng ta cũng phải gặp những khó khăn, thử thách. Nhưng sự thử thách chúng ta phải chịu chỉ là tạm và không quá sức chúng ta. Khi đã vượt qua rồi, chúng ta sẽ nhận ra chính hoạn nạn đó đã giúp chúng ta tăng trưởng đức tin và rèn tập đời sống để được trọn vẹn hơn. Sứ đồ Phi-e-rơ đã dạy: “Đức Chúa Trời ban mọi ơn đã gọi anh em đến sự vinh hiển đời đời của Ngài trong Đấng Christ, thì sau khi anh em tạm chịu khổ, chính Ngài sẽ làm cho anh em trọn vẹn, vững vàng, và thêm sức cho” (I Phi-e-rơ 5:10). Chúng ta hãy bền lòng, cầu xin Chúa thêm sức cho chúng ta để vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Điều quan trọng là chúng ta hãy cùng nhau hướng đến phước hạnh và vinh hiển đời đời, nơi không còn những thử thách, hoạn nạn như ở thế gian. Lời Chúa phán: “Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng, vô biên” (II Cô-rinh-tô 4:17).

         Bạn có sẵn sàng chịu hoạn nạn vì Chúa và hướng về sự vinh hiển đời đời không?

Kính lạy Đức Giê-hô-va, con xin Chúa thêm sức cho con để con vượt qua những hoạn nạn xảy đến trong đời sống con. Xin Chúa cho con có sự bền lòng trong hoạn nạn và hướng đến phước hạnh đời đời với Chúa trên thiên đàng.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ô-sê 8.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.