VietBest

Full Version: Mối tình Đêm Trước Khởi Nghĩa
You're currently viewing a stripped down version of our content. View the full version with proper formatting.
Bài này tôi đã soạn hơn 10 năm trước tưởng niệm anh hùng Nguyễn Thái Học và cuộc khởi nghĩa Yên Báy.
...

Sinh nhật năm 11 tuổi, món quà đáng nhớ nhất mà tôi nhận được đó là quyển sách cũ đã theo gia đình từ bao đời, bìa màu vàng đã ngả sang nâu được bọc bằng laminate cũng đã chuyển màu cũ kỹ, và những trang sách thì mỏng dính mang đầy hương máu vị đậm của chiến tranh loạn lạc, "Nguyễn Thái Học" của Nhượng Tống, nhà xuất bản Tân Việt với cái con dấu màu đỏ. Quyển sách nói về tiểu sử của Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng. Ở chương cuối ông viết, "Chị Giang", với 2 bài thơ tuyệt mệnh của cô Giang để lại ...

Bức thư thứ nhất.

“ Ngày 17 tháng 6, 1930

Thưa Thầy, Mẹ,

Con chết là vì hoàn cảnh đã bó buộc con: không báo thù được cho nhà, rửa được nhục cho nước! Sau khi đã đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở đền Hùng, giờ con tìm về chỗ quê cha, đất tổ, mượn phát súng này mà kết liễu đời con!

Đứa con dâu thất hiếu kính lạy.”

Bức thư thứ hai.

“Anh đã là người yêu nước!

Không làm tròn được nghĩa vụ cứu nước, Anh giữ lấy tấm linh hồn cao cả để về mà chiêu binh, rèn lính ở dưới suối vàng!

Phải chịu đựng nhục nhã, mới có ngày mong được vẻ vang! Các bạn đồng chí phải sống lại sau Anh, để đánh đổ cường quyền, mà cứu lấy đồng bào đau khổ!

Thân không giúp ích cho đời!
Thù không trả được cho người tình chung!
Dẫu rằng đương độ trẻ trung,
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh.
Con đường tiến bộ mông mênh,
Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao!
Bây giờ hết kiếp thơ đào
Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây!
Dẫu rằng chút phận thơ ngây,
Sổ đồng chí đã có ngày ghi tên!
Chết đi dạ những buồn phiền,
Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình!
Quốc kỳ phất phới trên thành,
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ.
Cực lòng nhỡ bước sa cơ!
Chết sầu, chết thảm, có thừa xót xa!
Thế ru? Đời thế ru mà?
Đời mà ai biết? Người mà ai hay?”

** Mối tình của một đôi nam nữ anh hùng đã sống chết vì dân tộc đồng bào. Mấy năm trước nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế đã viết một truyện ký ngắn với tựa đề "Mối tình đêm trước khởi nghĩa" được đăng trên trang nhà của quốc hội CSVN.

Tuy bọn CSVN gian manh, ăn cắp từng ý tưởng, từng lời nói của tinh thần bất khuất VNQDĐ để che đậy cho những xấu xa, đê tiện của đảng CS. VNQDĐ là kẻ thù số một của đảng CS, và hành động bỉ ổi, hèn hạ của đảng CS trong bao nhiêu năm qua đã kg thể làm lu mờ tinh thần và sĩ khí bất diệt của các đảng viên VNQDĐ.

***********************************

Mối tình đêm trước khởi nghĩa
Truyện ký của Nguyễn Tham Thiện Kế
16-8-2008

[Image: nguyn-thi-hc-v-c-giang.webp]

Tinh thần Yên Báy vẫn sống mãi trong lòng dân tộc, người trong nước bây giờ đang muốn khai quật những bí ẩn lịch sử để soi sáng sự thật. Truyên ký của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế đi tìm thân nhân của đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng viết về thân thế đảng trưởng Nguyễn Thái Học.

Mối tình đêm trước khởi nghĩa (Phần một)

Ngôi nhà lựng mùi thuốc bắc. Người em trai út của Nguyễn Thái Học, cụ Nguyễn Thái Nỷ giờ đã ngoại 80, nhưng ánh mắt còn tinh anh, hồn hậu. Câu chuyện rời rã thi thoảng bị cắt ngang bởi những người cón rón bước vào để cụ Nỷ xem mạch, kê đơn.

Di ảnh Nguyễn Thái Học ám khói hương nhang, cụ Nguyễn Thái Nỷ trầm ánh mắt quay sang chỉ vào Nguyễn Thái Tuấn, nói:

– Anh cứ nhìn Nguyễn Thái Tuấn thì sẽ hình dung ra Nguyễn Thái Học anh tôi. Cháu Tuấn con anh Lâm nhưng lại giống bác Nguyễn Thái Học nhất nhà. Anh tôi tầm thước, đậm người cao khoảng 1 mét 65 hay 67 gì đấy, mặt vuông, trán rộng, tai to, dài, thành quách đầy đặn, râu quai nón. Nhưng đôi khi cải trang, anh chỉ để ria mép, tóc húi cua. Cười tươi và ẩn nét duyên ngầm, thẳng thắn, hồn nhiên, phóng khoáng và phong thái cốt cách toát lên sự tự tin lạ lùng…

“Khi anh bị bắt ở ấp Cổ Vịt, tên Armoux chánh mật thám Bắc Việt gọi anh là tướng ăn cướp, Nguyễn Thái Học đã nghiêm sắc mặt cảnh cáo:

– Ông Armoux, ông hãy lễ độ một chút.

Và tên mật thám điên tiết quật batoong vào mặt anh tôi, khi tay chân anh bị trói chặt. Miệng giập nát, hai chiếc răng cửa gãy gục, Nguyễn Thái Học mỉm cười đẩy ra hai chiếc răng cùng bọt máu.

– Bộ mặt văn minh của nước Pháp chúng mày là vậy đấy.

Bọn Pháp giải Nguyễn Thái Học về giam ở Hỏa Lò, Hà Nội. Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu được tên dự thẩm Coppin đưa đến xem mặt tù nhân. Nguyễn Thái Học nằm ngửa trên sàn xi măng, hai chân xỏ trong cùm, hai cổ tay xích chéo lại.

Tên dự thẩm nịnh hót:

– Thưa Đại nhân, xin giới thiệu đây là kẻ làm cho cháu ruột ngài bị giết…

Không chú ý đến câu nói của Coppin, Hoàng Trọng Phu thắc mắc với Nguyễn Thái Học rằng:

– Lúc thầy bị bắt, trong tay hãy còn súng và lựu đạn, sao thầy lại không dùng vũ khí đó mà thoát thân?…

– Tôi không muốn hại mấy người phu tuần bắt tôi. Bởi họ chỉ là tay sai thừa hành chỉ thị của quan thầy Pháp. Còn nếu như tôi gặp bọn tham quan ô lại đục khoét lương dân, thì chắc chắn súng đạn của tôi sẽ không từ…

Sau, Nguyễn Thái Học bị xử chém ở Yên Bái, người dân Cổ Vịt đã quyên góp xây một ngôi đền thờ nhỏ tại nơi ông bị bắt. Những nông phu xấu hổ và hối hận vì trong xã mình có những kẻ làm điều vô phúc. Dù đã muộn, nhưng đó cũng là điều răn cho những kẻ ác tâm tự thức. Gia đình chúng tôi đã nhận được lời xin lỗi của người dân Cổ Vịt. Ngôi đền đó bị mục rã cách đây mấy chục năm, nay dấu tích vẫn còn hoang hoải…

Nguyễn Thái Học có người vợ đầu ở quê nhà do cha mẹ đôi bên đính ước từ thời thơ ấu, cô Nguyễn Thị Cửu. Chị Cửu về làm dâu nhà chồng lâu năm, nhưng hai anh chị không chung sống như vợ chồng. Khi dấn thân vào cách mạng, Nguyễn Thái Học về quỳ lạy cha mẹ già tạ tội bất hiếu và xin phép cho Nguyễn Thị Cửu được hồi gia tái giá. Và, anh Thái Học nhà tôi còn một lần lạy tạ mẹ già nữa, ấy là ngày 2 tháng 3 năm 1930, Hội đồng đề hình Bắc Việt cho phép gia quyến vào Hỏa Lò thăm. Anh tôi cúi lạy mẹ trong gông xiềng: “Đắc trung thất hiếu, xin mẹ tha thứ cho con”.

Sớm nhập đời, nhưng thổ âm Thổ Tang trong giọng Nguyễn Thái Học vẫn dùng lẫn N với L. Giọng anh y như giọng cháu Tuấn đây. Chất giọng đồng bằng giáp trung châu, gần sông, lên cũng không cao quá, xuống thì thấp là là. Quần áo có gì mặc nấy, giản tiện đến xuềnh xoành, hiếm thấy một chải chuốt nào từ giày dép, đến mái tóc. Ăn nhiều khi chỉ lấy no, món khoái khẩu nhất là phở bò. Học tập làm việc căng thẳng thì vớ điếu thuốc lào rít liền tù tỳ hai ba mồi. Mùa lạnh có hôm nhai trầu bỏm bẻm. Không bao giờ anh Học biết trong túi có bao nhiêu tiền. Có tiền thì dốc ra tiêu chung với anh em, hết tiền thì bảo người khác đưa cho, không e ngại giữ kẽ. Anh có thói quen nằm sấp ngủ, hai chân vắt lên mông. Giấc ngủ đối với anh như liều thuốc bổ dưỡng sinh, dù gặp việc khó đến đâu khi giấc ngủ đến, Nguyễn Thái Học có thể nằm vật ra ngủ liền mười lăm hai mươi phút chìm lịm, tiếng ngáy rền vang. Tỉnh giấc, tư duy bỗng sáng láng, giải quyết mọi việc hanh thông…

Rỗi rãi là anh ngồi phanh áo, choãi chân ở mọi chỗ có thể đọc sách. Đọc hàng giờ quên ăn. Sách cổ văn. Lịch sử An Nam. Sách báo tiếng Pháp. Lịch sử Cách mạng Pháp. Triết học. Nhưng anh cũng là người khách đa tình mê thơ và thích làm thơ.

Một lần anh tôi qua bến đò Cao Xá (Việt Trì) sang bên bãi Mộc Sơn Tây, nhưng gặp cô lái đò mắt nhung, tình tứ; Thế là anh trùng trình ở lại làm thơ tặng… rồi tự họa lại:

– Ai là cô lái đò nhung
Giúp anh tay lái qua sông với nào
Mai sau gặp bước thanh cao
Nghìn vàng anh nhớ sẽ trao cho nàng
- Hỡi ai là khách sang ngang
Giúp thì em giúp, lấy vàng làm chi
Mai sau dù có thế thì
Sông Đà, núi Tản còn ghi chút tình…


Nguyễn Thái Học sinh 1902 tại Thổ Tang, Tổng Lương Điền, Phủ Vĩnh Tường, Tỉnh Vĩnh Yên, nay là Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc… thuộc dòng họ Nguyễn Hữu. Do muốn vào học trường công Tiểu học Việt- Pháp nên khai rút đi 2 tuổi.

Học xong trường tiểu học Việt – Pháp ở Vĩnh Tường và Việt Trì, năm 1921 Nguyễn Thái Học là một trong 45 học sinh trúng tuyển vào trường Cao đẳng Sư phạm. Thời gian sau, anh thi tiếp vào trường Cao đẳng Thương mại. Môi trường sinh viên Nguyễn Thái Học đã giao tiếp với nhiều bạn bè cùng chí hướng, hấp thụ nhiều luồng tư tưởng, tự đào luyện để rồi tìm ra một con đường cách mạng riêng.

Không phải ngẫu nhiên anh tôi chọn học tiếp trường Cao đẳng Thương mại. Anh hiểu chỉ bằng con đường giao thương thì mới giúp đất nước nhanh chóng mạnh giàu. Thổ Tang vốn là một làng bán nông bán thương. Từ xưa người nông rời cày cuốc là nhấc lên vai đòn gánh buôn vã bán đổi nông sản do mình làm ra cho người nơi khác với giá cao nhất có thể. Bởi họ biết chính xác mỗi hạt thóc, cây rau họ làm ra đáng giá thế nào. Ngày xưa nhà đoan, hay thuế vụ thời bao cấp đến Thổ Tang vây bắt hàng cấm, thì mọi người dân có mặt ở đó, dù quen sơ đều cùng nhau vào giúp chủ nhà tẩu tán chứng cớ. Nhà chức trách rút đi, thì lần lượt ai cầm giấu giúp được món gì lại đem trả nguyên vẹn, dù món hàng ấy đáng giá cả cây vàng.

Người Thổ Tang khi đã biết lòng thì tín nghĩa luôn được xác quyết hàng đầu. Điều đó cũng khuôn định phần nào tính cách Nguyễn Thái Học. Để giữ Tín với Đảng và đồng chí của mình, dẫu đã lường trước kết quả, anh vẫn quyết hạ lệnh Tổng khởi nghĩa…

Chị Nguyễn Thị Giang, Phu nhân Nguyễn Thái Học, mặt hơi rỗ hoa, nhan sắc không trăm phần vẹn trăm, nhưng duyên dáng, lịch duyệt và cả sự đường bệ, đài các như người Hà Nội gốc phố cổ. Khuôn mặt tròn, mắt to, đen thẫm và sáng, mày liễu. Nhà không mấy dư dả, nên chị Giang thôi không học lên cao mà ở nhà giúp cha kèm trẻ học thêm. Vùng ấy người ta vẫn thường gọi chị tôi là cô giáo Giang là vì lẽ ấy.

Từ rất sớm, hai chị em Bắc và Giang đã tham gia hội kín của cụ Nguyễn Khắc Nhu. Khi thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng thì tổ chức của cụ Nguyễn Khắc Nhu sáp nhập với tổ chức của Nguyễn Thái Học, trong điều lệ quy định VNQDĐ không kết nạp phụ nữ vào Đảng, mà chỉ kết nạp vào Phụ nữ Đoàn, nhưng trường hợp Nguyễn Thị Bắc và Nguyễn Thị Giang là ngoại lệ, đặc biệt, vẫn được VNQDĐ công nhận là đảng viên chính thức.

Lần đầu anh Học gặp chị ở tư dinh cụ Nguyễn Khắc Nhu. Anh Học đến vấn an cụ Nhu đồng thời nghị bàn chuyện sáp nhập hai tổ chức cách mạng.

Lúc đó anh tôi đang ngồi quần kéo cao quá gối, hút thuốc lào và bóc khoai lang trên trường kỷ, còn Giang đang cầm ấm giỏ nước vối từ dưới nhà ngang đi lên.

Trai tài bỗng nghẹn khoai, sặc khói thuốc lào.

Gái sắc luống cuống làm rơi chiếc ấm giỏ nước vối sánh đặc, vỡ toang.

Tài cặp kè bên sắc. Cùng chí hướng. Cùng cảnh ngộ. Cùng mến phục nhau. Chỉ nhìn thấy cây đàn trên vách là tâm tình cả hai đã ngân cùng một điệu, hát cùng một câu…

Là cán bộ giao liên giữa Nguyễn Thái Học và các đồng chí của mình, chị Giang bằng trí thông minh, sắc sảo vượt qua mọi xoi mói rình rập của kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Sau vụ Nguyễn Văn Viễn ám sát tên Bazin, Nguyễn Thái Học bị thực dân Pháp truy nã gắt với hai cái án vắng mặt. Không thể yên thân một chỗ vài ngày, anh tôi thường xuyên phải hóa trang, khi nông dân vác cày bừa, áo tơi nón lá, khi vai người buôn thuốc lào, khi vai lái trâu bò, lúc khoác áo cà sa, đầu trọc, hôm nữa là ông lý ra tỉnh thăm con, ngày mai lại mặc váy đụp sì sụp nhổ mạ cấy lúa.

Chị Giang là nữ giao liên xuất sắc nhất, nên luôn được tin tưởng giao nhiệm vụ gắt khó nhất. Không những giỏi công tác liên lạc, chị tôi còn giỏi cả việc tuyên truyền gây dựng cơ sở, xây dựng nên Binh đoàn Yên Bái. Binh đoàn này đã làm nên danh tiếng Tổng khởi nghĩa năm 1930.

Động lực công tác to lớn ấy có được ở Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang, ngoài lòng yêu nước nhiệt thành còn hòa quyện cả khí chất của một tình yêu lớn, trong ánh mắt yêu thương kỳ vọng của người này rọi hào quang lên người kia. Những tháng ngày phấp phỏng bão tố, anh chị tôi hóa trang làm khách lạ, ào qua nhà thăm thầy bầm, rồi lặng lặng đi êm trong đêm.

… Cuộc nghị bàn việc thu thập kinh phí cho hoạt động và mua vật liệu chế tạo mìn, lựu đạn chuẩn bị cho khởi nghĩa, sau sân Đền Thượng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh kết thúc muộn. Bõ già thủ từ người làng Trẹo dưới chân núi nhã ý mời mấy người khách rửa tay dùng bữa.

Bữa cơm tối ăn dưới ánh nến chập chờn những cánh côn trùng nhao qua nhao lại. Thịt gà chặt miếng to, muối nướng ớt, vắt chanh, xôi nắm quả bàng. Chị Giang mải chăm sóc mọi người, ăn nhỏ nhẻ, luôn miệng giục người này đến người kia phải ăn nhiều cho có sức. Hầu như chẳng ai thấy ngon miệng. Dự cảm những biến cố nay mai khiến cho mọi người trĩu vào nghĩ suy. Trăng non lênh loang chảy ánh sáng trên lá rừng rớt xuống sân đền lát gạch bát lấn bấn xác rêu. Trăng trải vệt dài như tấm lụa phủ lên bậc hiên tam cấp đá nhám…

Xong bữa mọi người mới thấy rệu rã. Lê Hữu Cảnh, Phó Đức Chính, Đặng Trần Nghiệp thì ngả lưng ngay trên tấm phản. Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang ý tứ ngồi dựa vào gốc cây ngắm trăng ngoài sân. Bẻ cành lá, chị luôn tay xua muỗi loạch choạch quanh người yêu.

Nhìn vầng trăng nõn, chị Giang mơ màng:

– Trước chúng ta và sau chúng ta có lứa đôi nào rủ nhau lên Đền Hùng thề non hẹn biển cả việc nước lẫn tình ái không nhỉ?

– Ai mà biết được. Nhưng hiển nhiên là các vua Hùng biết, và vầng trăng kia biết. Nhưng nếu đại cuộc chúng ta không thành, thì chắc chắn sẽ còn nhiều lứa đôi tiếp sau ta, làm cái việc chúng ta đang làm…

– Sao bỗng nhiên anh gở miệng thế. Đại cuộc của chúng ta hiển nhiên phải thành…

Nằm hồi lâu, không thấy họ trở vào, Phó Đức Chính, người mà sau này trước Hội đồng đề hình thực dân đã nói: “Đời con người ta sống làm có một việc, hỏng cả một việc, sống nữa làm gì”, ngó ra. Thấy cặp tình nhân giữ gìn ngồi cách xa nhau một khoảng trống tối thiểu. Anh liền lay thức hai người đồng chí ngồi dậy, chỉ tay ra ngoài.

– Có lẽ chúng ta phải yêu cầu Đảng bộ cho phép Học và Giang kết hôn càng sớm càng tốt.

Đặng Trần Nghiệp:

– Chuyện này cũng khó thuyết phục hai người thuận thảo. Hơn ai hết cả Học, cả Giang đều biết lúc này không có thời gian cho việc ấy. Nó quá hình thức với hai người. Cứ để chuyện ấy cho hai người tự lo, tự liệu. Trăng đến rằm trăng sẽ tròn mà…

Lê Hữu Cảnh thấy động cũng thức giấc xếp bằng trên phản, vọng ra.

– Về khuya hơi núi lạnh lắm. Cô Giang với anh Học không cần giữ ý làm gì. Vào cả trong này, toàn đồng chí với nhau…

Chị Giang đưa tay ra ý yên lặng. Anh Học đã cất tiếng ngáy từ lúc nào. Ngồi dựa lưng gốc cây cổ thụ bên rìa vực, hai tay buông chống đất, chân duỗi dài, giấc ngủ đến với anh nhẹ nhàng dễ như nhặt chiếc lá rơi…

Nguyễn Thị Giang thổn thức dằn lòng không dám nói rõ với các đồng chí. Thực ra họ đã bí mật đính ước hồi đầu xuân cũng tại địa điểm linh thiêng này. Đền Thượng. Hôm nay chị lại được cùng anh lên đây, hẳn là việc không bình thường nữa…

Rằm tháng Giêng vừa rồi, người đàn ông râu quai nón và cô gái rỗ hoa, duyên dáng kia lên đền Thượng nhờ bõ thủ từ biện lễ chỉ một nhánh hoa cau và xấp lá trầu vàng. Người đàn ông mặc áo lương gấm, khăn xếp. Người phụ nữ khăn đóng, áo the quần lĩnh tía. Họ giống một đôi tình nhân mà lại có cái gì đó không giống. Người đàn ông thì hòa nhã, nghiêm nghị, chu đáo. Nhẹ nhàng, kính cẩn, đoan trang nhưng không liễu yếu đó là cô gái.

Hai người đứng dưới cây hoa đại khải hoa hình chuông rực rỡ màu đào, người đàn ông nhìn xoay vòng bốn phía hồi lâu rồi thốt lên.

– Nước non cẩm tú vô cùng. Toàn bộ vận khí của Côn Lôn chạy từ phương Bắc đều tụ lại phần này của nước Nam. Hai bên tả, hữu có Tam Đảo, Ba Vì chầu về. Đồi gò, như rồng chầu hổ phục châu tuần xung quanh ngai Vua Tổ. Việt Nam ta sắp đạt vận mới rồi…

– Có thể vận mới ứng vào đảng cách mạng của chúng ta chăng? – Cô gái mắt long lanh, níu tay người đàn ông.

– Cũng mong là như vậy. Thành bại là ông Trời tạo định. Sống làm người thì trước hết phải được làm người của một đất nước dân chủ, tự do… Người người phải có tư thế ngẩng cao đầu, đàng hoàng, bình đẳng trước luật pháp…

còn tiếp phần 2...
Có thời gian mình đi chùa nhiều ở đường Cô Giang, đó là chùa Linh Sơn, mà năm 63 lúc ông Thích Quảng Độ tự thiêu người ta đồn tượng Phật Thích Ca trong khuôn viên chùa nhỏ lệ nên còn gọi là "chùa Phật khóc" mà danh xưng này sau này ít ai biết đến.  Cũng ngay trong ngôi chùa này có một tin đồn trong giới "gian" hồ Phật tử, mình phải bỏ chữ "g" trong chữ giang hồ đi, bởi vì họ đồn rằng sở dĩ đường cô Giang và cô Bắc chạy song song nhau ở quận nhất là vì họ là 2 chị em, cô em có chồng là Nguyễn Thái Học, nhưng hai đường đều trổ ra đường Nguyễn Thái Học vì ông kia cũng yêu luôn cô Bắc. Nghe ghê chưa?  Đúng là dân gian(g) hồ chợ Cầu Muối. 

Becuoi

[Image: Ne9xufs.jpg]
PS: Lộn, Thích Quảng Đức. Chứ không phải Thích Quảng Độ.  Shy
(2023-01-14, 02:09 PM)005 Wrote: [ -> ]Có thời gian mình đi chùa nhiều ở đường Cô Giang, đó là chùa Linh Sơn, mà năm 63 lúc ông Thích Quảng Độ tự thiêu người ta đồn tượng Phật Thích Ca trong khuôn viên chùa nhỏ lệ nên còn gọi là "chùa Phật khóc" mà danh xưng này sau này ít ai biết đến.  Cũng ngay trong ngôi chùa này có một tin đồn trong giới "gian" hồ Phật tử, mình phải bỏ chữ "g" trong chữ giang hồ đi, bởi vì họ đồn rằng sở dĩ đường cô Giang và cô Bắc chạy song song nhau ở quận nhất là vì họ là 2 chị em, cô em có chồng là Nguyễn Thái Học, nhưng hai đường đều trổ ra đường Nguyễn Thái Học vì ông kia cũng yêu luôn cô Bắc. Nghe ghê chưa?  Đúng là dân gian(g) hồ chợ Cầu Muối. 

Becuoi

Dạ được khỉ Trường Sơn huấn luyện nên được vậy.  🤷🏻‍♀️Lol