VietBest

Full Version: Những Suy Niệm Siêu Hình Học
You're currently viewing a stripped down version of our content. View the full version with proper formatting.
Những Suy Niệm Siêu Hình Học

Vũ Đức Sao Biển

******

來如流水兮逝如風 
不知何處來兮何所終
Lai như lưu thủy hề, thệ như phong
Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung

Từ khi con người xuất hiện trên trái đất, đã có những suy niệm về số phận con người. Lịch sử triết học, văn chương qua nhiều thời đại đã trăn trở đi tìm lời giải cho những vấn nạn: con người là ai, con người từ đầu đến và con người sẽ về đâu. Một tác phẩm văn chương, triết học nhằm cắt nghĩa một trong các vấn nạn ấy được gọi là tác phẩm có giá trị nhân bản, nhân văn.

Ba mươi mấy năm đọc tác phẩm Kim Dung, càng lúc tôi càng nhận ra sự trăn trở của ông trong quá trình tìm cách cắt nghĩa số phận con người. Thời còn đi học, tôi đọc Kim Dung như một cách giải trí, một cách lãng quên cuộc sống thực tại để đi tìm một cuộc sống viễn mộng lí tưởng. Đến tuổi chững chạc, tôi đọc Kim Dung như một cách học tập: học cách viết văn, học phương pháp tiểu thuyết, học những kiến thức Trung Quốc học, học làm người. Thuở đó, tính tôi rất nóng nảy, tâm hồn đầy sự hoài nghi, trí óc đầy niềm căm giận. Gần như, tôi nghi ngờ tất cả mội giá trị trên đời, tôi sẵn sàng căm hận những ngày tháng cũ đau thương và những ngày đang sống đầy trắc trở. Ai gây cho tôi một sự đau khổ, nói với tôi một lời thiếu thiện cảm, thể hiện trước tôi một hành động xúc phạm; tôi đã nghĩ đến chuyện mắt đổi mắt, răng đổi răng. May mắn thay, đọc Kim Dung và các loại sách kinh điển của Nho, Phật, Lão; tôi biết đến sự kìm giữ trái tim và khối óc của mình, tôi biết đến sự tha thứ, vì rằng tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho mình, tôi biết quên những đau thương của chính mình để có thế làm một điều có lợi cho người khác hoặc không làm một điều có thể tổn thương cho người khác. Còn bây giờ, hoàng hôn của thế kỉ 20, mùa thu bắt đầu về trên đời, tôi đọc Kim Dung như một cách chiêm nghiệm, suy tưởng.

Lai như lưu thủy hề...
(Chợt đến như dòng nước chảy)

Phải đợi đến tuổi 50, câu hát Tiểu Siêu thường hát cho Vô Kỵ nghe rút từ kinh điển Bái Hỏa giáo mới cho tôi nhận ra được là câu hát góp phần cắt nghĩa nguồn gốc con người! Darwin nói con người đã đi qua một quá trình tiến hóa, phát triển từ khỉ vượn thành người. Thánh Kinh Thiên Chúa giáo nói con người là do Thượng đế sinh ra. Nhà Nho điềm nhiên phát biểu mà như không hề phát biểu điều gì: "Chuyện ngoài trời đất, bực thánh nhân biết đấy nhưng không nghĩ đến" (Lục hợp chi ngoại, thánh nhân tồn nhi bất nghị). Lão - Trang hiền triết một cách khôn khéo: "Trong cái không đẻ ra cái có" (Vô trung sinh hữu). Chỉ có Tiểu Siêu hát: "Chợt đến như dòng nước chảy" (Lai như lưu thủy)

Lai như lưu thủy hề... không trực tiếp trả lời cho hai câu hỏi con người là ai và con người là từ đâu đến. Đúng hơn, nó trực tiếp trả lời cách thế có mặt của con người trước cuộc sống: "Chợt đến như dòng nước chảy". Dòng nước luôn luôn có một khởi nguyên ban sơ, thí dụ như một cơn mưa, một núi băng tan, một hồ chứa, một đập tràn. "Chợt đến như dòng nước chảy" không cắt nghĩa cái khởi nguyên ban sơ đó; nó chỉ nói đến cách thế có mặt; "chợt đến" không cắt nghĩa khởi nguyên, cũng không phủ nhận khởi nguyên. Nguồn gốc và đời sống con người đơn giản chỉ là sự chợt đến; có nguồn có cội đấy nhưng nguồn cội là gì, ở đâu thì đó là chuyện để mỗi con người tự chiêm nghiệm. Bản thân "chợt đến" đã có một quá trình chuẩn bị, không hề tình cờ, không hề tự nhiên mà có.

Thệ như phong
(Và tàn như gió qua mau)

Con người sống ở trên đời bao nhiêu năm? Không ai trả lời được câu hỏi đó. Phương Đông thường đưa ra khái niệm "trăm năm": "Trăm năm nào có gì đâu, chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì". Bản thân chữ "trăm năm" đó hoàn toàn mang tính chất tượng trưng, để chỉ số nhiều. Anh may mắn sinh ra trong một gia đình giàu sang, lớn lên khỏe mạnh, nhiều hạnh phúc... có thể sống được 98 tuổi. Cô gái nghèo kia bỏ ruộng đồng đi bán bia ôm, đem tấm thân trinh trằng cho đám đàn ông thành phố bỡn cợt, đêm trở về căn phòng trọ bị cướp của, hãm hiếp rồi bị giết, chỉ hưởng dương được 23 tuổi. Tôi một đời ưu tư sầu khổ, năm mươi năm chưa thực sự có được một ngày là hạnh phúc, những nếp gấp trên vừng trán càng lúc càng đậm, giọt lệ vĩnh viễn ở cuối mi mắt trái không bao giờ tan được trong cuộc đời làm sao sống được 60 tuổi?

Nhưng dù có sống được bao lâu, 23 hay 60, 98 hay 100 tuổi thì thời gian ấy có là gì so với thời gian miên viễn là trường tồn hằng nhiên? Tất cả chỉ là một cái chớp mắt của tạo hóa. Tôi không ngờ từ một thằng bé nghèo sinh ra trong bom đạn chiến tranh giữa núi rừng Quảng Nam đã trở thành một anh trung niên đang lắng nghe mùa thu về, trí tuệ luôn luôn bị cưỡng bách, không một đêm nào ngủ được quá bảy tiếng, thân xác đau rã rời bởi chứng thoát vị đĩa đệm cột sống và đầu óc luôn bị choáng váng với chứng thiểu năng tuần hoàn não. Ai nói sống trên đời là hạnh phúc? Tôi sống trên năm mươi năm, mong được hưởng một ngày gọi là hạnh phúc để nếm xem mùi vị hạnh phúc là thế nào nhưng vẫn chưa có hân hạnh được nếm thử. Thì thôi, thà mua một đôi giày chật mang dính vào chân suốt ngày, buổi chiều cởi được nó ra lắng nghe hai bàn chân không còn cảm giác đau đớn để cứ gọi đó là hạnh phúc. Vâng, hạnh phúc là sự cởi bỏ được đôi giày quá chật ra khỏi hai bàn chân của bạn.

Thệ như phong

Cuộc sống con người ngắn ngủi lắm, tàn mau như gió. Nào có ai thấy được gió, chỉ thấy lá cây rung động, cỏ dợn thành sóng, ta mới biết có gió thổi qua. Gió thổi qua là có thật đấy, ta biết nhưng không thể biết được nó đến khi nào và đi khi nào. Rồi tàn như gió qua mau - danh sĩ hay kẻ ngu đần, mỹ nhân hay ác quỷ, cao quý hay đê hèn, hiền thục hay điêu ngoa - tất cả đều tàn như gió qua mau. Đây không phải đường về của chủ nghĩa hư vô. Ở cuối đời sống, chúng ta là cái chết, là sự suy tàn lụn bại tất yếu của cuộc sống. Sống một ngày là gần gũi với cái chết một ngày, bên nhau một ngày là gần gũi với ly biệt một ngày - quy luật ấy nhân loại đều đã ý thức rõ rệt. Có hiểu chăng, hỡi bạn đời của tôi ?

Bất tri hà xứ lai hề
(Chẳng biết từ đâu mà tới)

Bây giờ câu hát mới đi thẳng vào vấn nạn từ đâu tới. Ta biết ta có nguồn gốc nhưng nguồn gốc đó ở đâu thì đó là cái mà ta không thể biết được. Ta biết con chim thì nó bay, con cá thì nó lội, nhưng khởi nguyên của khả năng bay, của khả năng lội thì đó là cái mà ta không thể biết được. Ngay cả đến lý do tại sao không biết ta cũng đã không biết rồi. Ta chỉ biết rằng ta không biết và tại sao ta không biết thì đó là điều ta không biết vậy. Giữa cái biết và cái không biết có một biên giới tuyệt đối về mặt ý thức. Biết là ban ngày, không biết là ban đêm; biết là ý thức, không biết là chiều sâu trong vô thức. Phương Đông nói một cách triết lý:

Tri chi vi tri chi
Bất tri vi bất tri
Thị tri giả
(Biết cái gì thì làm cái đó
Không biết thì làm cái không biết
Ấy là biết vậy)

Ta biết cái ta không biết - khởi nguyên của loài người - đó là biết vậy chăng? Ngay khi cả ta biết rằng ta không hề biết gì cả cũng là biết vậy chăng? Triết học quả là rất nhân hậu và nhân bản, sẵn sàng tha thứ cho thái độ ngu muội của con người, vẫn cho đó là một thái độ hiểu biết.

Hà sở chung
(Và chẳng biết về nơi đâu)

Cái gì cũng có một chung cuộc. Nhưng chung cuộc của con người ở đâu thì con người không biết được. Đạo Thiên Chúa nói con người công chính được về với cõi vĩnh hằng, về với nước Chúa, với Thiên đàng, Đạo Phật nghĩ đến một quá trình luôn hồi, trong đó sự đầu thai là một quy luật sẽ diễn ra ở kiếp sau. Đạo Phật dẫn những con người đạo hạnh từ bi đi về miền Cực Lạc. Cực Lạc ở đâu? - Cõi Tây phương. Tây phương là Tây phương nào? - Không biết. Hà sở chung - nước chảy về đâu, gió tàn về đâu? Cuộc sống hữu hạn ngắn ngủi của con người như nước chảy, như gió thổi. Nước chảy về đâu là chung cuộc, gió thổi về đâu là chung cuộc - đó là điều ta không biết.

Lai như lưu thủy hề, thệ như phong
Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung.

Câu hát nói về số phận con người sao mà buồn lắm vậy. Trong số phận của con người, có số phận tình yêu. Tình yêu của con người sao mà buồn lắm vậy. Đạo Phật tôn trọng chữ duyên, mọi việc diễn ra hôm nay đều bắt nguồn từ cơ duyên đã được định trước của ngày hôm qua. Nhưng tìm đâu cho ra cơ duyên ấy thì đó là điều mà ta không thể biết được. Thế giới có đến sáu tỉ người, tại sao em chỉ yêu mình ta?

Đã bao lần qua núi đồi thanh xuân, cúi xuống, kính cẩn hôn ngọn Ngọc Nữ phong bát ngát tình yêu và hạnh phúc, uống dòng nứớc ngọt ngào từ nguyên khê đổ lại. Ta như không còn có mặt trên đời, ta tan biến vào người, người tan biến vào ta. Bản ngã (Moi) không còn nữa, chỉ còn Đại ngã (Grand Moi). Khi ta cao tới mây xanh, vươn tay ra là chạm tới hạnh phúc, Đại Ngã không còn nữa; ta đang vươn tới Siêu ngã (Sur-Moi). Nhưng siêu ngã chỉ là giây phút thoáng qua. Rồi ta trở lại cuộc đời trần tục, xót xa, đau đớn nhìn nước trôi, ngậm ngùi nghe gió tàn.

Lai như lưu thủy hề, thệ như phong
Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung.

Một thoáng hạnh phúc chợt đến rồi chợt tan biến khỏi đời sống con người. Và chỉ còn ta ở lại, đối diện với hư vô.