VietBest

Full Version: Im Lặng Còn Vang
You're currently viewing a stripped down version of our content. View the full version with proper formatting.
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16
Cám ơn Phong, ông Tiểu Tử này viết rất nhiều truyện ngắn hay.
(2022-02-05, 10:03 AM)Ech Wrote: [ -> ]Cám ơn Phong, ông Tiểu Tử này viết rất nhiều truyện ngắn hay.

Nhờ có internet, chúng ta có dịp biết nhiều tác giả thơ văn hay quá.

LTP tui không biết ông Tiểu Tử viết nhiều như vậy.

Thanks-sign-smiley-emoticon
Thế là đủ rồi.
Lê Ka

Anh là người bạn trai đầu đời của tôi, chúng tôi quen nhau khi tôi vừa tròn nửa ngày tuổi. Mẹ kể hôm sanh tôi ra được vài tiếng thì bác Hương tay cầm gà mên cơm thịt thăn kho tiêu, tay kia dắt anh lúc đó được năm tuổi khệ nệ ôm bó hoa hồng đỏ thắm đến bịnh viện thăm. Bác bảo mới sanh xong phải ăn tiêu kho thịt cho ấm bụng, gọi như thế vì tiêu nhiều hơn thịt ăn vô không những ấm bụng mà là phỏng bụng. Còn bó hồng đỏ thắm anh đang vác thì dĩ nhiên tặng "cô Bắc kỳ nho nhỏ" vừa mới chào đời rồi. Thấy anh trợn tròn đôi mắt hột me nhìn tôi không chớp cô y tá cười bảo:

- Cháu để hoa lên bàn đi lại đây cô cho bế em bé nào.

Vừa nói cô vừa gí em bé vào tay anh, dĩ nhiên là cô vẫn bế chỉ cho anh đụng tí cho có lệ thôi. Anh rụt tay lại hét to lên:

- Không bế, em bé bẩn, em bé bẩn.

Vì tôi sinh hơi thiếu tháng nên nhỏ xíu da nhăn nheo đen đúa như con chuột cống, chỉ hai kilo rưỡi. Cô y tá càng sấn tới thì anh càng thụt lùi và hét toáng lên, trời ơi phải chi có trái chanh là tôi đã thảy vào miệng cho anh tắt đài rồi. Phút đầu gặp em tạo cho anh ấn tượng rất tệ nên từ đấy mỗi lần anh ngang bướng không nghe lời bác Hương lấy tôi ra dọa:

- Con không nghe lời mẹ không nuôi nữa, đem cho cô Ngọc để ở chung với bé Thỏ.

Chỉ thế thôi là anh hồn phi phách tán ngoan ngoãn đâu vào đấy, nhưng cũng chỉ được vài ngày khi hình bóng bé Thỏ mờ dần theo năm tháng thì chứng nào vẫn tật nấy. Hai nhà chung vách, hai bà mẹ lại là bạn học cùng lớp nên thân nhau như chị em nhưng tôi và anh thì ngược lại như hai kẻ thù không đội trời chung. Anh chơi với tất cả các trẻ nhỏ trong xóm, trừ tôi. Mỗi lần thấy anh chơi vui tôi mon men lại gần xin nhập bọn anh đều bảo:

- Con gái biết gì mà đòi chơi.

- Chị Gà cũng là con gái, sao được chơi?

- Chị Gà lớn rồi chơi được.

- Vài bữa Thỏ cũng lớn.

- Vậy chờ khi nào lớn rồi cho chơi.

Những lúc anh chơi thả diều tôi chỉ được chạy theo và ngỏng cổ nhìn theo con diều chao đảo bay lượn, vài lần tôi xin cầm cuộn dây anh bảo:

- Thỏ nhẹ tênh con diều kéo lên trời ở chung với chú Cuội thì ráng chịu đừng khóc nha. Ráng ăn nhiều cho mau lớn, nặng bằng con chó Nicky thì anh cho cầm.

Thế là bữa cơm nào tôi cũng cố ngốn một bụng rồi hỏi:

- Mẹ ơi con nặng bằng con chó Nicky chưa?

Khổ nỗi con chó Nicky lúc đó đã to lớn gần ba chục kilo, tôi thì mới gần năm tuổi ăn gì để nặng bằng nó đây? Rồi những trưa hè anh nằm đong đưa trên võng coi truyện tranh, tôi mon men lại gần liếc liếc anh lấy tay che lại:

- Biết chữ không mà đòi đọc sách?

- Thỏ chỉ coi hình.

- Sách là để dạy người ta đọc chứ không phải để người mù chữ coi hình rồi đoán mò.

- Mai mốt năm tuổi Thỏ đi học rồi sẽ biết đọc.

- Vậy chờ khi đọc được rồi coi nha.

Những lần bị vậy tôi khóc rống thảm thiết chạy vô nhà mách mẹ rồi lao thẳng qua nhà anh mách bác Hương. Thế là anh bị triệu hồi về phạt quỳ gối góc phòng vì bắt nạt em nhỏ. Những lúc đó tôi sung sướng lắm nhưng cũng không đến nỗi cười ngặt nghẽo chảy nước mắt như mẹ và bác Hương. Lần nào tôi cũng nghe hai bà mẹ lẩm bẩm:

- Hai đứa này xung khắc như nước với lửa, như gái lấy chung một chồng.

Nhưng con người xấu xa, ích kỷ thế mà chỉ quỳ gối mười lăm phút thì dễ dãi cho hắn quá. Tôi phải tự  nghĩ ra cách trừng phạt riêng chứ không trông mong gì hai bà mẹ này được.

Mẹ tôi hay nói nắng tháng tư chó già lè lưỡi nhưng hôm nay đã qua tháng bảy rồi mà sao con chó của ông Tư nước đá cứ lè lưỡi đi qua đi lại trước dãy nhà chúng tôi. Trưa nóng nực mọi người ngủ trưa một mình tôi ngồi chơi banh đũa trước thềm. Bỗng anh từ trong nhà mặc mỗi chiếc quần xà lỏn chạy vụt ra gốc khế. Bị giật mình phản xạ tự nhiên tôi chọi trái banh đang cầm trên tay thật xa, vô tình trúng con chó đang tha thẩn đi tìm vần thơ. Bị chọi đau điếng con chó quay phắt lại thấy anh chạy vụt qua phóng tới tạp ngay một phát. Có thế chứ quân tử có thù phải trả ngay. Một tiếng la thất thanh và cái giò heo của anh máu tuôn như suối. Ai cũng bảo nóng quá con chó phát điên nhưng chỉ mình tôi biết con chó không điên. Ha ha ha kỳ đó bác sĩ tặng anh cả chục mũi khâu và khuyến mãi thuốc chích ngừa chó dại. Ông Tư nước đá ray rứt lắm trưa nào cũng pha một bình nước chanh, nước xí muội, nước hột é vào ủy lạo bịnh nhân. Mỗi lần nhận quà bác Hương cũng réo tôi qua và chia cho một ly.

Thù vừa trả xong gia đình tôi chia tay xóm nhỏ về Vũng Tàu. Ngày chia tay nhìn anh chống nạng nhảy lưng tưng theo xe đưa tiễn ra tận đầu ngõ tôi rơm rớm nước mắt định thú tội thì anh đến xoa đầu bảo:

- Năm tuổi rồi ráng học cho giỏi để đọc truyện nha.

Nhắc lại mối thù xưa, ghét không thèm thú tội.

Ra đến Vũng Tàu được vài năm, học vừa hết bậc tiểu học bố tôi lại được chuyển về Sài Gòn. Ổn định xong xuôi cuộc sống mới mẹ con tôi về xóm cũ định tìm thăm bác Hương và hàng xóm, hai căn nhà thân thương với gốc khế chua vẫn còn đó nhưng gia đình anh cũng dọn sau chúng tôi vài năm không ai biết tin tức.

         ************

Sáng nay nhìn sấp hồ sơ bịnh lý dầy như quyển niên giám trên bàn tôi mở ra đọc sơ trước khi đi thăm bịnh. Hầu hết là các quân nhân được chuyển về từ chiến trường, tôi vội vã đi nhanh lên các phòng để thăm ngay. Bịnh nhân nằm chật kín người băng chân, kẻ băng tay. Tôi khám các vết thương hỏi han và an ủi từng người ai cũng rất mệt nên chỉ trả lời nhát gừng gật và lắc, tôi vừa dứt lời quay đi là họ đã ngáy khò khò. Bịnh nhân cuối phòng và cũng là cuối cùng của hôm nay hơi đặc biệt. Anh ta bị băng gần như toàn thân, chỉ trừ đôi mắt để nhìn, lỗ mũi để thở và cái miệng để nói:

- Chào ông tôi là bác sĩ Nguyễn như Ngọc, tôi sẽ khám và theo dõi tình hình bịnh lý khu A này.

- Tôi chưa có cháu nội ngoại gì hết sao gọi tôi là ông?

- Dạ xin lỗi chào bác.

- Tôi không có em nên cũng không có cháu gọi bằng bác.

- Dạ chào chú.

- Ba cô có em trai hay là cô có em trai?

Tôi bắt đầu hết kiên nhẫn:

- Dạ chào anh thương binh.

- Ờ vậy đi, chào cô bác sĩ.

Ngày thứ hai anh như tỉnh táo hơn cứ nhìn tôi chăm chăm và khi tôi chào anh đáp lại bằng nụ cười bí hiểm.

- Này anh thương binh, anh cứ nhìn tôi kiểu đó thì làm sao tôi khám cho anh được?

- Này cô bác sĩ, cô không cho tôi nhìn thì cô lấy băng bịt kín con mắt tôi lại đi. Chứ có mắt mà không cho nhìn thì........thì. À mà nhà cô ở đâu, cha mẹ cô tên gì, cô có anh chị em gì không vậy?

- Yêu cầu anh thương binh không nói nhảm nữa để bác sĩ khám.

- Cô khám bằng lỗ tai à?

Mỗi ngày một trò khỉ khác nhau, tôi thật vất vả với anh nhưng hôm nào đi ngang phòng thấy chiếc giường trống cũng hơi hốt hoảng chạy ngay về văn phòng xem anh được chuyển đi đâu. Một tháng dưỡng bịnh trôi qua mau, ngày anh xuất viện ngồi trong văn phòng nhìn qua song cửa sổ thấy bước chân anh như chùng lại như không muốn bước, tôi tự trách mình sao chữa người ta mau lành bịnh thế!!!!!!!!!!!!

Không có người chọc ghẹo công việc hôm nay trôi chảy thuận lợi tôi làm luôn việc của y tá, y công làm như cái máy không hồn. Lững thững đẩy xe ra khỏi cổng bịnh viện lòng thầm nghĩ chắc về nhà tắm rửa rồi lên giường ngủ một giấc chứ hình như cái đầu gần bể tung ra rồi.

- Cô bác sĩ.

- Anh thương binh.

- Tôi khoẻ rồi không còn là anh thương binh, gọi anh Thương thôi là được rồi.

- Anh khoẻ rồi tôi không còn chữa bịnh cho anh nữa, đừng gọi tôi là bác sĩ. Gọi Bác thôi là được rồi.

- Anh Thương không có xe, Bác cho anh quá giang nhé.

- Chúng ta không cùng đường.

- Tới quán kem đầu đường thì anh xuống, làm ơn đi mà chỉ quá giang hôm nay thôi mai anh ra đơn vị mới rồi.

Trời ơi chưa kịp mừng hội ngộ đã sầu chia tay, tôi không nói gì cứ lầm lũi dắt xe, anh đi theo bên cạnh. Quán kem cuối đường bình thường cũng khá xa sao hôm nay như trong sải tay nhoắt cái đã đến.

Trở về đơn vị mới anh viết thư cám ơn sự kiên nhẫn và chăm sóc đặc biệt của tôi gửi về bịnh viện nhờ chuyển lại. Tôi cũng khách sáo trả lời "Không có chi, đó là bổn phận người y sĩ. Chúc anh luôn bình an vì tôi thật sự không muốn gặp lại anh lần nữa trong khuôn viên bịnh viện này". Rồi không hiểu sao ở góc trái phong thư tôi viết địa chỉ nhà thay vì địa chỉ bịnh viện.

Hai năm trời thư từ qua lại, anh kể về đời quân ngũ, tình đồng đội, kể về những đêm vịn vai nhau băng rừng lội suối. Còn tôi hồi âm anh những vui buồn nghề cứu người, những thay đổi của thành phố. Có lần anh hỏi tôi những kỷ niệm thời thơ ấu. Kỳ đó tôi viết dài kỷ lục những năm trang giấy, kể chuyện con chó nhà ông Tư nước đá và niềm vui khi xa rời xóm cũ, xa rời con người xấu xa, nhỏ nhen ích kỷ. Thư trả lời chỉ là khuôn mặt cười và ba chữ hi hi hi.

Lần về phép đầu tiên anh không báo trước, mặc bộ quân phục đứng trước cổng nhà tôi lắc nhẹ cánh cửa rào. Mẹ tôi nheo mắt nhìn rồi reo lên:

- Thằng Heo con.

Mẹ lính quýnh mở cửa kéo anh vào nhà, ấn ngồi xuống chiếc ghế hỏi han đủ điều. Chuyện từ ngày chúng tôi dọn đi khỏi xóm nhỏ, hỏi thăm hai bác Hương ...vv. Tôi như từ trên trời rớt cái bịch xuống trần gian, thì ra anh ta là Heo con vẫn thường bắt nạt mình ngày xưa. Vậy mà tôi nào biết, hai năm qua bỏ biết bao thời gian đọc đi đọc lại những lá thư anh viết hằng đêm. Rồi còn hồi âm và bây giờ còn phải pha trà, gọt trái cây mời anh ta nữa chứ. Sau khi xơi một bụng no nê anh đứng lên cáo từ lúc đó bố mẹ tôi mới hỏi:

- Mà sao con biết cô chú ở đây mà tìm đến thăm?

Anh cười không trả lời tay vân vê chiếc ba lô nặng trĩu, còn tôi bước vội ra mở cổng ý là "xin mời đi ngay"  vì trong tích tắc những đối xử của anh với tôi thuở bé đang trở về. Mà ức nhất cái vụ so sánh tôi với con chó Nicky và gạt cho tôi kể ra vụ con chó tạp cái giò heo.

Vui mừng vì không tìm mà gặp hàng xóm cũ và cảm động  việc anh ghé thăm mình trước cả khi về nhà thăm cha mẹ nên bố tôi dắt chiếc xe Honda ra nhất định chở anh về. Khi chiếc xe nhảy chồm lên định vọt mẹ tôi la lớn:

- Heo con, có phải con tên NVH, KBC.... không?

Thì ra mỗi lần nhận thư mẹ đều liếc nhìn đến thuộc lòng tên người gửi.

Những ngày sau đó hai bà mẹ cứ như hai con chim sơn ca ríu ra ríu rít, chạy qua chạy lại bàn tính tới khuya lắc khuya lơ vẫn chưa hết ý. Còn tôi mỗi lần anh qua lòng vui rộn ràng nhưng cứ nghĩ đến chuyện xưa thì vẫn muốn "trả thù". Trước ngày anh hết phép trở về đơn vị mẹ tôi thông báo thứ bảy nhà bác Hương sẽ qua làm lễ dạm ngõ và đám hỏi cho hai đứa rồi chờ đợt phép năm tới sẽ cưới với trăm ngàn ca tụng. Nào là thanh mai trúc mã, nào là xa cách nhau mấy chục năm mà ông trời vẫn cho gặp lại ....vv.

Đám hỏi xong anh trở về đơn vị, tôi thì được lời gần chục hộp bánh tây gia đình anh đem qua giấu trên gác xép mỗi tối lấy ra nhâm nhi trong lúc đọc và viết thư. Hai bà mẹ vẫn bận rộn với những bàn tính, hẹn hò nhau mỗi ngày với hai tờ giấy bé tí ghi ngày sanh tháng đẻ hai đứa chúng tôi tung tăng tìm thầy bói coi ngày lành tháng tốt để làm đám cưới. Không phải coi một thầy mà là cả chục, cả tá luôn. Mấy tờ báo như Chính Luận, Sóng Thần, Phụ Nữ, Công Luận bỗng nhiên có thêm độc giả vì mẹ tôi mua để tìm đọc mục quảng cáo các thầy Chiêm tinh gia. Có hôm hai bà mẹ còn thuê xe đi lên tận Củ Chi để xem nữa chứ. Càng ngày mẹ tôi càng trở nên khó tính hay thở dài và gắt gỏng mỗi khi bố tôi hỏi đến chuyện cưới xin và đến một ngày mẹ bảo tôi:

- Không cưới xin gì nữa, quên Heo con đi.

Hai bố con bàng hoàng không tin những lời vừa nghe được, bố gặng hỏi cả đêm sau cùng mẹ bảo:

- Coi cả chục thầy, ai cũng nói số Heo con hai vợ. Còn bé Thỏ nhà mình có một con gái nhưng một mình nuôi con. Nên mẹ và bác Hương không muốn hai đứa lấy nhau. Bác Hương chỉ có một con trai, mà con chỉ sinh con gái thì lấy ai nối dõi tông đường. Còn về phần con một mình nuôi con để Heo con lấy vợ khác thì thiệt thòi quá, lấy nó làm gì cho khổ thân.

- Bà nói tôi nghe ông thầy nào nói ba lăng nhăng nhảm nhí thế, tôi đến tận nhà đập vỡ tráp hắn ra cho bỏ tật láo khoét.

- Tôi coi cả chục ông, ông nào cũng nói thế.

- Họ nói là bà tin hả, thế họ bảo bà bỏ tôi bà cũng bỏ hả.

Bố mẹ cãi nhau cả đêm, còn tôi lấy hai cục bông gòn nhét lỗ tai lên gác khóc và viết thư cho anh Heo con. Anh buồn lắm trả lời sẽ thuyết phục hai bên cha mẹ. Ban đầu hai bà mẹ nhất định cấm nhưng hai ông bố và chúng tôi thuyết phục mãi hai bà mẹ nói lẫy:

- Muốn làm gì thì làm.

Ngày đám cưới hai bố con anh ngồi trên hai chiếc xích lô qua rước dâu. Bên này bố dắt tôi ra trao cho chú rể rồi bốn người chễm chệ trên ba chiếc xích lô tiễn tôi về nhà chồng. Không có cổng hoa, không có lễ bái đường , không đãi tiệc bạn bè, họ hàng, chỉ có nước mắt và nước mắt. Tôi khóc vì biết hai bà mẹ đau lòng lắm khi hai đứa con cưng như báu vật sắp sửa bước vào con đường đầy chông gai như các ông thầy bói tiên đoán.

Về nhà chồng trong khu gia binh được vài tháng hai ông bố thì thầm lén lút mua tặng chúng tôi căn nhà trong xóm lao động gần đó. Căn nhà nhỏ nhưng đẹp nhất xóm vì có giàn hoa Tigôn trước cổng. Hai bà mẹ thấy chúng tôi hạnh phúc cũng vui lây và lời tiên đóan của thầy bói dần dần đi vào quên lãng. Lúc này anh được chuyển về làm thành phố nên hai, tư, sáu mẹ tôi nấu cơm bố mẹ anh và chúng tôi qua ăn. Ngược lại ba, năm, bảy thì mẹ chồng nấu bố mẹ và chúng tôi qua ăn lại. Chủ nhật thì rửa ruột ăn thanh tịnh vì tới phiên tôi nấu, bao nhiêu năm cũng chỉ là bắp cải luộc chấm trứng và giò chả cắt khoanh.

Lúc tôi mang bầu hai bà mẹ mừng rối rít, cứ rình xem tôi thèm chua hay thèm ngọt. Nhưng hình như em bé giống tôi tánh tham ăn hay sao ấy, chua ngọt gì cũng xơi tuốt. Rình mãi cũng mệt hai bà mẹ chuyển sang đếm ngày, mỗi ngày quẹt một cái trên tờ lịch tháng treo trên tường.

Ngày tôi sanh bé Kiến cũng là ngày mất nước, cuộc sống đảo lộn mọi người ngơ ngác hoảng lọan. Không còn những bữa cơm sáu người, nhà ai nấy ở thậm chí mẹ tôi qua thăm cháu cũng thậm thà thậm thụt trời vừa tắt nắng vội ra về kẻo công an khu vực hỏi giấy tạm trú. Buồn cười nhất là ngày lên phường trình diện để học tập cải tạo anh chỉ vác một ổ bánh mì dài ngoằng, một nải chuối và chục gói mì ăn liền hiệu "em bé mang guốc" y như đi cắm trại vì ai cũng nghĩ chỉ học năm ngày.

Năm ngày, năm tháng rồi năm năm, người đi cắm trại vẫn chưa về. Mỗi lần thăm nuôi chúng tôi im lặng ngồi nhìn nhau, anh cầm tay tôi lén viết đi viết lại chữ USA trong lòng bàn tay tôi bằng ngón tay chai cứng. Lúc này phong trào vượt biên lên cao thiên hạ lùng sục bác sĩ cho đi miễn phí để lo sức khỏe cho những người trên tàu nên tôi cũng được vài người rủ rê tham dự. Một ngày mùa hè không kịp từ giã hai bên nội ngoại tôi bế con đội nón lá lụp xụp che mặt, theo người dẫn đường lên tàu vượt biên.

Hành trình vượt biên cũng chông gai, trắc trở, đói khát, cướp bóc nhưng cuối cùng cả tàu cũng được đặt chân lên bờ biển Thái lan. Vì có con nhỏ nên phái đoàn nào cũng cho mẹ con tôi cơ hội định cư nhưng tôi nhất quyết từ chối chờ phái đoàn Mỹ theo đúng lời anh dặn.Vì sợ đi nước khác anh biết đâu mà tìm? Từ đấy ai hỏi thăm mẹ anh cũng bảo:

- Theo trai rồi.

Bố mẹ tôi xấu hổ và buồn người bạn thân như ruột thịt bán nhà về lại Vũng Tàu tìm đường vượt biên. Thế là lần nữa hai bên bặt tin nhau. Sau vài lần thất bại bố mẹ tôi cũng thoát khỏi thiên đường. Gia đình nhỏ bốn người chúng tôi lại đoàn tụ trên đất Mỹ. Mỗi tháng tôi viết thư về thăm hỏi và gửi hình bé Kiến lớn dần theo năm tháng nhưng chưa bao giờ có hồi âm. Sau hai năm vừa đi học vừa chăm sóc gia đình tôi đã hơi ổn định cuộc sống. Mùa xuân năm nay hơi dư dả mua vội ít quà gửi về, lần này tôi nhận được thư trả lời chỉ vỏn vẹn vài chữ "Cô đừng gửi quà về nữa, để dành tiền cho bé Kiến đi học cho nên người. Đừng giống như cô". Bức thư không ký tên nhưng nhìn nét chữ tôi biết tên tác giả.

   **********

Cả tháng nay tôi chả thể nào sống yên với con bạn cùng trường vừa mới vô tình gặp lại trong khu chợ Việt Nam. Vừa mới nhận được nhau nó móc ví lấy điện thoại bắt tôi  đọc số rồi reng inh ỏi tức thì, còn nháy mắt bảo trả lời đi cho chắc ăn là đúng số. Chưa hết nó còn lôi thêm một phong bì trắng gí vào tay tôi với mệnh lệnh :

- Nhất định phải đến nhé.

- Gì thế?

- Thiệp mời đám cưới con tui.

- Tui không hứa đâu để về coi lịch xem có bận gì không đã.

- Hai mươi lăm năm bà dành tất cả thời gian cho công việc rồi, bây giờ cho tui xin một ngày thôi mà.

- Ừ thì đi, nói nghe phát thảm.

- Mấy người?

- Một.

- Chồng đâu?

- Ế.

- Ha ha ha bye.

Chưa có đứa bạn nào vô duyên bằng con nhỏ này, nghe bạn mình ế mà cười dòn như pháo Tết. Thế rồi ngày nào nó cũng gọi  huyên thuyên kể chuyện tình của hai đứa nhỏ, về chương trình ngày lễ cưới.

- Để hôm đó tui giới thiệu "con xui" cho bà quen biết. Nó cũng dễ thương lắm tụi tui rất hạp nhau.

- Con xui là con gì vậy?

- Mẹ của cô dâu.

- Trời sao gọi là con xui lỡ người ta nghe được con bà mất vợ như chơi.

- Nó nhỏ tuổi hơn mình sao gọi bằng chị được, vả lại trước giờ mày tao quen rồi.

- Hồi trước khác, bây giờ khác sửa miệng đi. Không gọi chị thì gọi Bà như tui với bà nè.

- Ừ thì sửa, từ giờ đến hôm đó nhất định sẽ sửa.

Thiệp mời bảy giờ mà từ bốn giờ nó đã inh ỏi giục tôi sửa soạn nhanh tay lên kẻo trễ. Tôi nghĩ thầm cũng may mình thoát nó thời gian dài 25 năm chứ nếu không chắc giờ này không lủng màng nhĩ cũng á khẩu vì nghe và trả lời điện thoại. Bảy giờ đúng tôi có mặt trước cửa nhà hàng, vắng như chùa bà Đanh chỉ có hai gia đình cô dâu chú rể tranh thủ chụp hình với nhau. Thấy tôi đúng giờ nhỏ bạn mừng lắm lôi vào chụp hình rồi bảo:

- Để tui giới thiệu đây là con .....bà xui của tui.

Tôi gật đầu chào và lẩm bẩm nho nhỏ:

- Bà nói vậy nghe như chửi thề.

Bà xui nhanh miệng:

- Không sao đâu chị ấy quen miệng gọi như vậy rồi nay sửa lại thành bà xui hơi khó.

Đến chín giờ quan khách mới đông dần lên, bạn bè thời trung học của tôi rất đông đến từ khắp mọi nước. Gặp nhau tay bắt mặt mừng hỏi han huyên thuyên nhưng chẳng ai nghe được câu trả lời vì quá ồn. Nghe nói mời tổng cộng năm chục bàn, bạn học, bạn chung hãng, hàng xóm, bạn cũ cùng quân ngũ ........vv.  Tôi được xếp ngôi cạnh ông thầy giáo của bé Kiến nên cũng nhiều đề tài để nói. Ông kể tôi nghe về việc học, các sinh hoạt ngoài giờ và các thành tích của Kiến trong những năm qua. Tôi thì nói xấu con gái ở nhà bắt nạt ông bà ngoại và mẹ như thế nào. Cứ bắt ông bà ngoại mỗi tối phải chu mỏ hôn nhau và nói "good night" trước khi đi ngủ. Cứ bắt bẻ ông ngoại sao vái ông Phật xin trái cây mà không nói "thank you". Cứ cằn nhằn mẹ lần nào đi nghe con trình diễn đàn piano cũng ngủ gục .....vv. Thầy bảo con bé trông hiền mà đáo để nhỉ, chắc giống mẹ. Chúng tôi cười vang.

Các bàn bên cạnh cũng náo nhiệt không kém, các quân nhân cứ dzô liên tục. Hết "em mời ông thầy một ly" đến "tui mời mấy chú em một ly" mời đến hết rượu phải chạy qua bàn các bà chôm chỉa. Các bà không vừa la réo ỏm tỏi bắt hát một bài thì cho một chai. Trời ạ lần đầu tiên trong đời tôi nghe một ban hợp ca gồm trăm ca sĩ mà dở đến như vậy, hát xong còn tự vỗ tay nữa chứ.

Trời về khuya khách bàn tôi đã về quá nửa, tôi quay qua thầy giáo định nói câu giã từ thì đằng sau nghe một giọng rất quen:

- Chào ông bà, tôi là NVH bạn đồng đội của gia chủ đến từ Houston.

Tôi giật mình quay lại luống cuống làm rơi cái ví nhỏ đang cầm trên tay. Thầy giáo cúi xuống nhặt và đặt vào bàn tay lạnh buốt của tôi. Chẳng cho chúng tôi nói một lời anh nói tiếp:

- Trưa mai tôi muốn mời ông bà bữa cơm trưa trước khi tôi về lại Houston. Đây là địa chỉ nhà hàng, rất mong được nhận lời.

Thầy giáo nhìn tôi ấp úng mặt xanh như tàu lá nhanh nhẹn trả lời:

- Vâng chúng tôi sẽ đến, hẹn gặp lại.

Họ bắt tay nhau, tôi gật đầu chào anh rồi cùng thầy giáo ra xe. Trước khi lên xe thầy giáo nhét tấm danh thiếp ghi địa chỉ nhà hàng vào tay tôi và bảo:

- Cô nhớ đúng giờ, đừng để ông ta chờ nhé. Cáo bịnh giùm tôi, bịnh thay mặt người khác quyết định nhận lời ha ha ha.

Cả đêm không thể nào chợp mắt cứ nghĩ ngày mai gặp nói gì, hỏi gì và giải quyết ra sao....vv. Mới chín giờ tôi đã đến nhà hàng mặc dầu anh nói mời cơm trưa, mặc kệ đối với mình có nắng và nóng là buổi trưa. Cùng lắm kêu ly cafe nhâm nhi trong lúc chờ đợi cho tỉnh người. Tuy sớm nhưng tôi không phải là người khách đầu tiên, chỉ là người thứ hai. Anh ngồi nhắm mắt với ly cafe cạn gần đáy trước mặt, vậy là không phải chỉ mình tôi mất ngủ.

- Sao em đi một mình, ông xã đâu?

- Hôm qua say quá nên giờ này chưa thức được, ảnh nói xin lỗi anh.

Tôi cũng gọi ly cafe và ngồi đối diện im lặng nhìn anh. Anh hỏi tôi đi vượt biên ra sao, có chuyện gì xảy ra mà sao bao năm không tin tức không liên lạc về nhà. Anh ra tù tìm vợ con khắp nơi sau đó cùng bố mẹ vượt biên qua Mỹ, lại tiếp tục tìm kiếm. Cách đây năm năm anh lập gia đình mới với con gái ông bà bảo trợ và hiện có đứa con gái hai tuổi.

- Còn em thì sao, có hạnh phúc không?

- Cám ơn anh em rất hạnh phúc, Bé Kiến học y khoa sắp ra trường. Đây là hình chụp mới nhất của bé Kiến. Nếu anh muốn nhìn con thì chờ mùa hè năm sau khi con làm lễ tốt nghiệp anh hãy đến. Bây giờ để yên cho nó học.

Ngập ngừng một lát anh hỏi:

- Thế bé Kiến có em không, anh ấy có tốt với bé Kiến không?

- Kiến không có em, anh ấy rất tốt với bé Kiến.

Trả lời thế cho anh yên lòng chứ tôi cũng chả biết anh ấy là anh nào, chắc anh đang tưởng ông thầy giáo là anh ấy.Thôi kệ cho thầy giáo làm bia lãnh đạn oan cho chừa tật tài lanh. Rồi chúng tôi hỏi han nhau về cuộc sống hiện tại, sức khỏe hai bên nội ngoại, tuyệt nhiên không một lời trách cứ đối phương. Tôi không hề kể mỗi tháng có viết thư và gửi hình bé Kiến cho bà nội hai năm liền và lá thư trả lời đầu tiên cũng là cuối cùng không ký tên người viết. Tôi hiểu mẹ anh làm vậy để anh quên tôi, lấy vợ khác sanh con trai nối dõi tông đường. Lòng tôi bình thản như đã bình thản sống suốt 25 năm qua, không giận hờn mẹ anh, chỉ giận ông thầy bói "biết thì cứ im đi, nói ra chi vậy".

Tới giờ ra phi trường anh tặng tôi sợi dây chuyền vàng có mặt trái tim:

- Em giữ nó làm kỷ niệm mối tình đầu của chúng ta. Tình này anh giữ mãi trong tim không bao giờ phai nhòa.

Lê Ka.
06 - 08 - 2018.
Thế là đủ rồi (kỳ 2)
Lê Ka

Mẹ ơi con lớn rồi Mẹ cho con đi học một mình như các bạn đi. Mẹ cứ đưa đón con mỗi ngày các bạn cứ cười chọc hoài mắc cỡ quá hà.

- Thì con cứ nói là Mẹ đi làm cùng đường nên cho con quá giang.

- Mẹ, từ mẫu giáo, tiểu học, trung học rồi đại học con chuyển trường bốn lần, bốn hướng khác nhau mà sao lúc nào cũng cùng đường với Mẹ vậy? Mẹ dạy con không được nói dối mà Mẹ cứ làm ngược lại không hà.

- Hì hì con còn nửa năm nữa là học xong, thôi chịu khó cho Mẹ làm tài xế thêm nửa năm nhe. Khi con ra trường Mẹ không chở con nữa mà lúc đó sẽ là con chở mẹ.

- Ối trời ơi không thoát hả, vậy thà con không ra trường học hoài cho tới lúc "gâu dài tới gốn" luôn. Mỗi lần con lái Mẹ ngồi bên cạnh điều khiển con còn sợ hơn gặp cảnh sát nữa.

- À Mẹ ơi, trưa nay con ra sân ăn hộp chả giò bà ngoại làm hồi sáng. Có hai ông bà cụ cỡ tuổi bà ngoại ngồi ở ghế đá bên cạnh cứ nhìn con chăm chăm rồi thì thầm to nhỏ. Nghe tiếng được tiếng mất nên con biết họ là người Việt Nam. Con nói chào ông bà. Thế là bà cụ nước mắt tuôn như suối, còn ông cụ thì mắt đỏ hoe quay đi chỗ khác. Sau đó hai ông bà sang băng ghế con ngồi hỏi chuyện. Nhìn cái chả giò con đang ăn dở dang bà hỏi "chả giò bà ngoại con làm hả" và cứ nhìn nó hoài. Con tưởng ông bà đói mà trong tay chỉ có hộp cơm đang ăn dở đâu có mời được nên con mời ông bà qua tiệm phở bên đường. Con gọi hai tô phở và nói mời ông bà xơi. Thế là ba người vừa ăn vừa hỏi chuyện nhau. Ngờ đâu lúc anh nhân viên bưng nước trà ra ông cụ dúi vào tay anh tờ năm chục để trả tiền. Con quê muốn độn thổ luôn vì hiểu lầm hai ông bà cụ là người vô gia cư.

- Ha ha ha chắc tối nay ông bà cụ cười đến mất ngủ khi nghĩ đến chuyện hiểu lầm này. Mà con nói chuyện gì với ông bà cụ?

- Con có nói được tiếng nào đâu, toàn là bà cụ nói thôi. Bà kể là có cháu gái cỡ tuổi con nên nhìn thấy con bà nhớ cháu. À bà hỏi con ở với ai mà nói tiếng Việt giỏi vậy, con có mấy anh chị em. Con chưa kịp trả lời thì đến giờ vào lớp.

- Mẹ nghĩ mai mốt con đừng ra sân ăn, vô căng tin nhà trường ăn cho an toàn.

- Đâu có gì không an toàn, hai ông bà cụ trông hiền lắm Mẹ.

- Ờ nhưng mình đâu biết họ hỏi làm gì, thôi thì tránh vẫn hơn.

- Nhưng con thích ra sân hít thở không khí ngoài trời và ngắm hoa mà Mẹ.

- Ừ tùy con, nhưng ráng chuyên tâm học cho xong niên học cuối này nhe. Đừng nói chuyện nhà cho người ngoài nghe mắc công họ đồn đãi um sùm.

- A con biết Mẹ sợ họ đồn có bà già xấu hoắc cần câu còn đang ế phải không? Muốn hết ế Mẹ phải nghe lời con cố vấn nè. Mua vài cái mini jupe xanh đỏ tím vàng, giày cao tấc hai, tóc uốn quăn và mua keo dán cho chổng ngược lên như con nhím. Và quan trọng nhất là dẹp cái sợi dây chuyền vàng có trái tim to tướng lủng lẳng trên cổ đi trông như các bà già khoe của.

- Mẹ nói con bao nhiêu lần rồi, dây chuyền này Mẹ có chết cũng phải chôn theo không bao giờ lìa xa.

- Ok lần thứ 1799. Ờ mẹ nói thêm lần nữa đi cho chẵn 1800.

- Chi vậy?

- Vì con nhớ Mẹ tậu sợi dây này cách đây sáu tháng tính đại khái là 180 ngày. Như vậy chia ra là mỗi ngày Mẹ nói câu này mười lần.

- Vậy thì ráng nhớ dùm Mẹ đó, bất cứ tình huống nào cũng không được tách nó ra khỏi Mẹ.

- Mẹ phải nói lý do tại sao thì con mới vâng lời, còn nếu không thì con sẽ giả bộ quên.

- Có bằng tốt nghiệp rồi thì muốn biết gì mẹ cũng nói, bây giờ thì một chữ cũng không.

- Ok học học học. Mẹ ngủ ngon con vô học tiếp đây.

Có ngủ ngon được không, mấy tháng nay mọi việc vẫn như bình thường nhưng tôi vẫn linh cảm có điều gì đó bất thường sẽ đến. Không lo sợ, không mong ngóng, nhưng tôi không thể nào như tôi ngày xưa nữa ăn không thấy ngon, ngủ không tròn giấc sụt cái vèo gần chục kilo. Ai gặp cũng khen tập thể dục kiểu gì hay thế, thon gọn như gái mười tám. Tôi thầm nghĩ chừng nào mấy bà biết tin ông chồng mình cưới vợ khác thì tức khắc sẽ thon thả đẹp thôi, tập khỉ khô gì.

************

Đang tưới cây và nhổ cỏ dại ngoài vườn thì nhỏ bạn cũ đi với con ....bà xui đến nhe răng cười nham nhở rủ đi ăn sáng. Tôi hơi không vui khi bị bắt gặp trong bộ dạng chưa trang điểm và xiêm y xốc xếch tay cuốc, tay cày.

- Không gọi trước, không đi.

- Không đi cũng không sao, nhưng mai này bà đừng trách tôi "sao không nói " nghe.

- Chuyện gì?

- Ai dại làm người đưa tin không công, phải có cafe cà pháo gì chớ.

- Thèm uống cafe miễn phí thì nói thẳng ra chứ đừng gạt tôi kiểu con nít đó nghe. Chờ mười phút tôi thay quần áo đã.

- Ha ha ha có con nít sập bẫy của tôi rồi, nhanh lên quá mười phút tôi đổi ý không nói đó.

Trên đời tôi chưa ghét ai bằng con nhỏ bạn ngang ngược này, lúc nào nó cũng có lý do để bắt nạt tôi. Đáng lẽ nó phải xuống nước năn nỉ mình đằng này ngược lại còn lên mặt hăm dọa nữa chứ. Thôi kệ nhịn cả ngàn lần rồi hôm nay thêm lần nữa chả sao, vả lại tôi cũng muốn ra phố mua chút đồ cần thiết cho ngày bé Kiến đi lãnh bằng tốt nghiệp. Leo lên xe gương mặt hầm hầm tôi cố tình đóng cửa thật mạnh cho bõ ghét con bạn cà cà cà .....chớn, nó tủm tỉm cười rồi phóng nhanh ra tiệm cafe trên đỉnh núi. Hai bà xui gọi đồ ăn thức uống lọan xị thiếu điều cho bữa sáng, trưa, chiều và tối rồi bắt tôi trả tiền.

- Ê bà định đãi cả xóm hay sao mà gọi dữ vậy, tôi quen bà là một sai lầm lớn nhất trong đời đó.

- Không chịu trả hả vậy thì về, no eat, no drink, no talk.

- Trời ơi định xổ tiếng ngoại quốc hù tôi hả, tha cho bà vì tôi đang vui nên trả thế chứ nhiều hơn nữa cũng không sao.

Đồ ăn thức uống bưng ra đầy bàn, hai bà xui từ từ khoan thai trút từng gói đường, từng thìa sữa vào và quấy nhè nhẹ họ làm như quấy nhanh một chút cafe văng mất hay sao í. Tôi nhìn mà sốt cả ruột, nhập đề ngay:

- Bây giờ nói được chưa?

Hai bà xui nhìn nhau rồi ngó ngang ngó dọc như sắp tuyên bố một bí mật quốc gia đại sự sợ có điệp viên nghe lén.

- Khắp thành phố đồn bà đang cặp bồ phải không?

- Hai bà rảnh quá hóa khùng rồi hả, nghe vậy mà cũng tin. Hồi trẻ không bồ bây giờ háp háp rồi lại bồ.

- Không có bồ sao dạo này thon thả đẹp vậy.

- Sắc đẹp trời cho từ khi lọt lòng mẹ, bây giờ mới biết là hơi trễ đó hai bà già nhiều chuyện ơi.

Cứ thế cả nửa ngày hôm đó hai đứa cứ ép cung bắt tôi nhận tội có người yêu chỉ vì một chữ "đẹp". Chưa bao giờ tôi thấy đẹp lại tốn kém như vậy, tốn tiền đãi tụi nó ăn, tốn thời gian ngồi cãi văng nước bọt để giải thích phân trần, tốn thêm ba cái vé cho ngày lễ tốt nghiệp của bé Kiến. Vì hai đứa nó nói ông bồ kia khoe là được tôi mời đi dự lễ tốt nghiệp rồi, nên nếu muốn thanh minh thanh nga thì mua thêm ba vé cho vợ chồng nó và bà xui đi thanh tra. Nếu không có gì thì tụi nó hoàn tiền ba vé cộng thêm tiền vé và chi phí của gia đình tôi ngày đó. Tưởng gì khó chứ chuyện này lời chắc trong tay tôi đâu dại gì bỏ qua cơ hội, thế là hợp đồng ký nhanh tôi ra về lòng vui như Tết và hẹn sẽ scan vé gửi qua email.

Bao nhiêu năm mong đợi ngày vui nhất đời của cả gia đình tôi cũng đã đến. Ông ngoại vặn cả chục cái đồng hồ báo thức vì sợ lỡ nó không reo thì trễ giờ, bà ngoại thì cứ ủi đi ủi lại quần áo cho cả nhà suốt đêm vì sợ chưa được thẳng mặc chụp hình không đẹp. Tôi phải chạy xuống phòng điện gạt dao cầu chì cho cúp điện tối om thì mọi người mới chịu leo lên giường ngủ.

Ba người chúng tôi đến thật sớm hội trường chưa mở cửa, ông ngoại sốt ruột đứng xếp hàng sát rịt thiếu điều cái mũi đụng vào cánh cửa. Bà ngoại lo lắng bồn chồn quá đâm ra chột bụng cứ năm phút, mười phút là đòi đi nhà vệ sinh, y hệt tâm trạng người sắp leo lên ghế há mồm cho nha sĩ kiểm tra và người đang ngồi chờ gọi phỏng vấn xin việc làm. Đúng mười giờ hội trường mở cửa tôi mừng húm chỉ sợ trễ thêm tí thôi là nhà vệ sinh không còn giấy cho người khác dùng. Chúng tôi ngồi ba ghế hàng đầu và để áo khoác dành ba chỗ cho hai bà xui xí xọn cùng ông chồng, người sẽ chi trả cho sáu vé ngày hôm nay. Nhưng .........tiền mà dễ kiếm như thế thì trên đời làm gì có người nghèo, ba người đến ngôi cạnh chúng tôi không phải là người nhiều chuyện gạt tôi bữa cafe miễn phí mà là anh Heo con và bố mẹ anh ấy. Tôi mất tự chủ run lên bần bật, sáu người chỉ gật đầu chào nhau không nói nửa lời nước mắt thay lời muốn nói.

Buổi lễ kết thúc bé Kiến ở lại liên hoan cùng các bạn, sáu người chúng tôi về nhà ăn cơm trưa. Bữa cơm sáu người làm tôi nhớ những bữa cơm mấy chục năm về trước, thật lúng túng tôi chẳng biết xưng hô ra làm sao. Nhớ những ngày còn bé mỗi lần bị bắt nạt tôi cứ nhảy bổ vào lòng mẹ anh khóc và mách nên tôi gọi bằng bác như ngà̀y xưa ấy. Sau bữa cơm nước mắt thay canh bố anh bắt đầu câu chuyện:

- Mùa hè năm ngoái Heo con đi dự đám cưới con của đồng đội bên này, tình cờ gặp lại vợ nó. Thấy có người đàn ông bên cạnh nó tưởng là mẹ bé Kiến đã có gia đình mới nên khi hẹn nhau ra nhà hàng nói chuyện nó phịa ra là đã lập gia đình và có con gái hai tuổi. Cốt là cho vợ nó yên vui bên hạnh phúc mới, không áy náy vướng bận chuyện xưa. Khi trở về chúng tôi thấy nó cứ buồn hoài nên gặng hỏi, mãi rồi nó mới chịu kể ra. Lúc đó bà nhà tôi mới thú nhận chuyện mẹ bé Kiến có gửi thư và hình về đều đặn mỗi tháng nhưng bà xé bỏ và giấu hai cha con chúng tôi. Bả chẳng ghét bỏ gì mẹ bé Kiến nhưng vì cứ tin lời ông thầy bói nên làm thế hy vọng Heo con chịu lấy vợ khác kiếm cháu trai nối dõi tông đường. Biết được sự thật chúng tôi hối hận và tự trách mình quá, nóng lòng muốn đến chỉ để nhìn mặt đứa cháu nhưng Heo con không cho vì đã hứa với mẹ bé Kiến là để yên cho nó học đến khi lấy được bằng tốt nghiệp. Nó còn hăm nếu chúng tôi quậy thêm chuyện gì nữa là nó bỏ nhà đi biệt tăm luôn. Do đó mấy lần lên đây chỉ dám đứng xa nhìn cháu. Trời thương vợ chồng già, một lần cháu nhìn thấy chào và còn mời chúng tôi qua tiệm ăn phở. Sau đó lâu lâu chúng tôi giả vờ vô tình gặp lại, chuyện trò lân la tôi biết mẹ Kiến vẫn ở vậy nuôi con và phụng dưỡng cha mẹ.

- Tháng trước Heo con về đây nhờ vợ chồng người bạn hỏi khẳng định xem vợ nó có ai khác không và lập mưu để nhờ mua vé cho chúng tôi dự lễ tốt nghiệp cháu nội. Hôm nay đến đây chúng tôi dập đầu xin lỗi anh chị và mẹ con bé Kiến. Trước tiên chỉ mong được thú tội và xin lỗi, còn chuyện sau đó thì tùy anh chị và mẹ con bé Kiến quyết định muốn sao chúng tôi cũng tuân theo.

Ông bà ngoại thở dài:

- Thôi chuyện xưa quên đi, chỉ vì tin lời thầy bói mà mấy chục năm chồng xa vợ, con xa cha, ai cũng khổ. Chuyện sắp tới quyết định ra sao tùy mẹ con bé Kiến chứ chúng tôi không dám.

- Ông bà ngoại, mẹ ơi con về rồi nè.

- Đấy nhắc là thấy mặt, công chúa của chúng tôi về đấy, lúc nào cũng nghe tiếng từ đầu ngõ.

Bước vào nhà bé Kiến ngạc nhiên reo lên:

- Mẹ ơi ông bà ........homeless hôm trước con quen ở trường nè.

Tôi mắc cở bụm miệng con bé không kịp:

- Con hỗn mẹ đánh đòn bây giờ, đây là ông bà nội của con đó. Con chào ông bà nội đi.

Con bé ngơ ngác chào như cái máy rồi ngửng cổ lên dàn tủ bếp có ông thợ đang lúi húi sửa lại cái máy hút mùi:

- Con chào chú thợ điện.

Cả nhà cười vang đồng thanh la lên:

- Chú thợ điện xuống nhìn con đi.

- Bé Kiến chú thợ điện là người tặng Mẹ sợi dây chuyền quê mùa này đấy. Còn đây là ông bà nội của con. Món quà cho bằng tốt nghiệp hôm nay, con có thích không?

Lê Ka.
20 - 08 - 2018.
Truyện có hậu, đẹp quá .
NGỦ TRONG QUAN TÀI
Kha Tiệm Ly

Tôi tin rằng nếu các bạn trong giới được thiên hạ gọi là “nghèo” thì các bạn ít nhất cũng đã một lần than “không có một xu dính túi”. Thế nhưng, tôi biết trong túi bạn vẫn còn chút ít tiền lẻ. Với tôi, khi vợ tôi trút hơi thở cuối cùng tại bịnh viện Phạm Ngọc Thạch, thì “không có một xu dính túi” đối vơi tôi nó chính xác trăm phần trăm! Trong lúc tôi ôm vợ tôi khóc ngất thì một thiên thần áo trắng nhỏ nhẹ nói: “Chú chuẩn bị đem cô về đi!”. Đem về? Nhưng đem về bằng cách nào đây? Sau hai tháng, bao nhiêu tiền bạc ít oi tôi đã dành mua thức ăn cho vợ bồi bổ, còn tôi thì chỉ ăn bánh mì không, uống nước phông tên ở nhà vệ sinh cầm hơi qua ngày, nên cơ thể đã bị tàn phá nhanh chóng không khác gì vi trùng Koch tàn phá buồng phổi vợ tôi.

Cô y tá quay đi, và không bao lâu cô trở lại chìa cho tôi vài tờ giấy, rồi lại nhắc: “Chú thu xếp về sớm!”. Tôi nghẹn ngào: “Tôi không còn xu nào hết cô ơi!”.

Đối phó trước tình cảnh khó khăn nầy, tôi chỉ biêt khóc rống lên! Phải chi vợ tôi chết trễ hai ngày thì đỡ biết mấy, vì ngày mai là ngày tôi có thể bán máu! Tôi nói “có thể” là vì thời gian quy định hai lần bán máu của tôi là vào ngày mai! Bán máu 1 lần thì chi phí sinh hoạt nửa tháng ở nhà thương và gởi về cho bà ngoại các con tôi mua gạo cùng thời gian ấy khỏe ru!

“Bán máu”! Vào thời điểm khốn khó của tôi, “bán máu” gần như là một cái “nghề” của nhiều người! Đây là một trong hơn chục “nghề” mà tôi đã làm trong suốt 20 năm kể từ khi vợ lâm bệnh!

Người ta nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”; tôi có hơn mười “nghề” mà không có “nghề” nào “tinh” nên thân không thể “vinh” mà luôn đói và nhục nhã!

Nghề gì vậy? – Đầu tiên phải kể một nghề làm ra tiền nhất là nghề… bán máu; kế đó là nghề bán… quần áo của mình! Hồi đó quần áo dù “luốt luốt”, loại mà bây giờ cho người giàu làm nùi lau họ cũng không thèm, bán cũng có người mua! Thuở ấy nghề bán máu “có giá” lắm: người muốn bán chỉ cần ngồi trước cỗng bịnh viện “chờ thời”, là một lát có người hớt hải chạy ra hỏi: “Ai có máu O? Mười ngàn!”. - “Hai chục ngàn!”. Cuộc ngả giá cuối cùng bên mua cũng chấp nhận, dù biết bị “chém”! Máu O là máu hiếm nên luôn có “giá đắt bất ngờ”! Nhưng máu rồi cũng cạn: Một lần người y tá dòm cái bản mặt quá quen thuộc của tôi rồi vừa đo tăng xông, vừa nói nhỏ: “Anh bán máu hoài, anh chết! Ráng ăn uống đầy đủ rồi nửa năm sau mới tới được nhe!”; quần áo vốn ít oi, dù muốn bán nữa cũng đào đâu mà có? Rồi phụ hồ thì cũng chỉ được vài lần cho những ai muốn làm… chuồng heo, vì lúc đó gạch lót nền, tole lợp nhà người ta còn cạy lên, tháo xuống bán thì mấy ai có tiền mà xây dựng? Rồi vác mướn; nhưng lại sớm bị sa thải vì không ai dại gì mướn lần thứ hai với một thằng thân như cây sậy, mặt mày xanh dờn làm cái nghề nầy bao giờ! Rồi phụ đẩy xe ba bánh, đạp xích lô, lượm ve chai, bán vé số…

\

Ba đứa con tôi, mà gái út 3 tuổi, chưa bao giờ có bữa cơm đúng nghĩa!

Hồi cái thời ăn bo bo, hoặc ăn cơm độn chuối, độn khoai, độn mì hay độn bất cứ thứ gì có thể độn được! Nói là cơm độn khoai cho oai, chớ thực ra gọi là khoai độn cơm mới đúng nghĩa hơn, bởi khi ăn thì lượng cơm chỉ bám quanh khoai lưa thưa như cái bánh được rắc mè vậy, nên cái cảm giác “cơm” dường như không có! Cho nên sau nầy số gạo để độn ấy tôi “bỏ ống”, năm mười ngày thì tôi nấu được một nồi cơm “nguyên chất” cho các con. Nhìn chúng ăn ngon lành với nước mắm loại hạng bét mà tôi ứa nước mắt!

Một lần tôi bồng con gái út tôi đi chợ, ngang qua gánh hủ tiếu, bỗng nó trì xuống; tôi hiểu con tôi muốn gì, nhưng bảo nó:

- Con đi tiểu hả? Để ba bồng lại kia!

Nhưng nó chỉ vào gánh hủ tiếu, đỏ đẻ:

- On uốn… ăn… ịt! (Con muốn ăn thịt!)

Tôi vội bồng con tôi lên, nói nhỏ:

- Để ba dẫn con đi tiểu rồi ba trở lại mua cho con, hén!

Tôi bước nhanh, con tôi lại chỉ tay về gánh hủ tiếu, lắc đầu lia lịa (xin “dịch” ra như vầy):

- Con không mắc tiểu, con muốn ăn thịt!

Tôi đứt ruột, hôn vào má con tôi, nước mắt dán vào má nó; nghẹn ngào:

- Đi con! mai mốt ba mua cho con ăn.

Con tôi vụng vể lấy bàn tay bé nhỏ chùi nước mắt cho tôi:

- Ao a óc? (Sao ba khóc?)

Tôi nghẹn ngào, cố kìm tiếng nấc, còn con tôi thì lặng thinh, có lẽ nó yên lòng vì lời hứa “mai mốt” của tôi; nước mắt lại trào ra, bởi chính tôi lại không tin tưởng lời hứa của chính mình!

*

Ngoài nghề dạy học, viết lách, tôi còn có nghề làm bánh kẹo gia truyên từ thời ông nội, nhưng vào những năm “bao cấp” không biết sao, người dân dù có nghề cũng không được hành nghề! Nghề bánh kẹo của tôi đa dạng: bánh trung thu, bánh tây, bánh tiều, bánh bột đậu, bánh xà lam, bánh men, bánh con đuông, kẹo miếng, kẹo dừa, thèo lèo…. Nhưng những loại bánh kẹo ấy phải cần có vốn nhiều, đồ nghề rườm rà, và nhất là phải cần có người phụ giúp; duy có bánh in là “tự biên tự diễn” được! “Lò bánh in” tôi khởi công được mấy ngày thì bị quản lý thị trường vô tịch thu đồ nghề, đường, bột sạch sẽ; đồng nghĩa với tôi lại sạch túi, nợ nần!

*

Theo Phật pháp thì “vạn sự tùy duyên”: Tôi được giới thiệu vào một “sở làm” có một không hai là… tối vào quan tài ngủ cho mấy trại hòm. Với tôi, đây là “duyên lành”, rất lành là khác, vì nó vừa nhẹ nhàng, vừa hợp với thể tạng chàng hiu của tôi, mà thù lao lại cao nữa! Tuy nhiên, người giới thiệu cũng e ngại cho tôi, là tôi sẽ “sợ” mà bỏ cuộc; bởi như theo anh ta, thì không ít anh chàng “mặt dằn râu quắn”, vai u thịt bắp, trước khi nhận việc thì nói năng uy phong lắm, thế mà khi nắp quan tài đóng lại không bao lâu thì hắn la bài hải, tung nắp chạy ra không dám quay đầu lại!

Chủ trại hàng mướn người ngủ trong quan tài để làm gì vậy?

Cũng như bao nghề khác, nghề nào cũng có “thời”. Hồi còn chiến tranh, nếu nhằm một trận đánh lớn, thì các trại hòm hốt bạc, vì người mua có khi phải đặt cọc, chờ chủ trại đóng cái mới, vì những cái đóng sẵn đã bán sạch trơn, và tất nhiên hét giá nào người ta cũng phải mua. Phải “tăng ca”, làm suốt đêm mới có đủ hòm… “làm phước”!

Để bán chạy, chủ hòm luôn kiếm “cò” và tất nhiên cò được ăn chia phần trăm “tiền cà phê” theo giá thỏa thuận.

Cái thời ăn bo bo, củ mì, nhưng số người chết không nghĩa lý gì so với thời súng đạn nên trại hòm ế độ! Để cứu nguy cho… trại; trại chủ có nhiều cách dị đoan truyền thống để bán cho chạy như: Tối lấy chổi quét vòng vòng, hay lấy búa gõ ba cái vào đầu cái quan tài tùy thích thì tảng sáng cái hòm đó sẽ có khách mua ngay (!). Nhưng tuyệt chiêu trấn sơn vẫn là mướn người ngủ trong quan tài một đêm!

Đừng nói “sao chủ hòm ác quá, trù cho người ta chết để bán hòm”. Không phải đâu, chủ hòm không trù ai hết, họ chỉ muốn bán đắt mà thôi. Nghề bán hòm là nghề làm phước, nếu không sao trại hòm nào cũng đặt cho trại hòm mình cái tên vô cùng phúc hậu: Thiên Phước, Thiên Thọ, Phước Thọ, Phúc Đức,… ? Có người cắc cớ hỏi: “Sao trại hòm thờ thần tài làm chi?” – “Thì đê thần tài phù hộ bán hòm được nhiều; bán nhiều, phước nhiều thôi mà!”.

Ngày đầu nhận việc, người chủ trại hòm tốt bụng nhìn tôi ái ngại bởi cái vẻ mặt thư sinh và hình thù không được 45 kí của tôi. Không biết chỗ khác thế nào, nhưng “hợp đồng” giữa tôi và chủ trại hòm nầy rất nhanh chóng và đơn giản: Thứ nhất là, 23 giờ tôi đến, rồi chui vô chiếc hòm nào đó theo trại chủ chỉ định; cho đến 3,4 giờ sáng, lãnh tiền rồi ra về. Thứ hai là, trong khi nằm trong hòm, bên ngoài ai làm gì, nếu còn thức cũng không được hỏi. Thứ ba là, “giữ kín giùm, đừng nói với ai”.

Tôi đồng ý liền!

Chủ trại nhìn thân hình như bộ xương cách trí của tôi dò xét:

- Chú em có sợ không?

Tôi chơm chớp mắt:

- Dạ, tôi không sợ ma quỷ gì hết; chỉ sợ nắp hòm đóng kín, tôi ngộp thở chết, bỏ con tôi lại không ai nuôi. (Tôi rơm rớm nước mắt) Anh em nó còn nhỏ lắm, mẹ nó mới chết… (lấy tay áo chậm nước mắt)

Ông chủ có vẻ xúc động:

- Việc đó chú em khỏi lo, ở đây chú em sẽ thoải mái, không ngộp đâu mà sợ! Tuy nhiên nếu có sợ hãi gì thì hãy bình tĩnh, đừng la lên làm động làng động xóm!

Tôi lấy tay quẹt nước mắt, gật đầu, nghẹn ngào: “Dạ”

Ông chủ chỉ một cái hòm không nắp, “chú em leo vào đi, quay đầu ra ngoài lộ”; tôi vào nằm, ông chủ lấy tấm vải mùng phủ lên, “ chú em ngủ ngon nhé! Bên ngoài ai làm gì thì cũng không được ngồi dậy, cũng đừng để ý. Chừng nào nghe tiếng đồng hồ ré thì ra ngoài!”

Nằm trong hòm, tôi thở phào. Thì ra chỉ như vậy, có gì ghê gớm đâu?

Theo các bậc đàn anh nói thì khác: Sau khi người ngủ mướn vừa vô hòm thì chủ nhà vội đóng nắp hòm lại như đạo tùy (tì) liệm người chết vậy, chỉ thiếu cái việc đóng đinh mà thôi ; đàn anh khác nói, nắp hàng được chêm dưới hai thanh gỗ tròn để người nằm dưới không bị thiếu dưỡng khí. Theo tôi thì trường hợp sau có lý hơn, bởi nếu nắp hòm đóng kín thì nguy cơ ngộp thở rất cao, nhất là với những anh trước khi vào “nhiệm sở” phải nốc vài xị để lấy khí thế! Mà nếu ngộp thở chết, thì biết bao phiền toái cho chủ hòm? Còn việc chỉ phủ tấm vải mùng lên trên miệng hòm như trường hợp của tôi, chưa nghe ai nói!

Họ còn kể nhiều chuyện rùng rợn không kém chuyện liêu trai: Vừa chợp mắt thì nghe tiếng guốc khua trên nền, kèm theo bao tiếng nói xì xào! Lại có khi xuất hiện một cái mặt thịt da rệu rã lòi cả hai hàm răng trắng hếu chìa sát mặt người nằm bên trong : “Sao mầy nằm chỗ của tao?” Đây là lời kể của anh “mặt dằn râu quắn” nói trên, khiến anh phải tung nắp chạy không dám quay đầu lại!

Còn nhiều câu chuyện ghê rợn không kém, nhưng thật tình không chuyện nào làm tôi run sợ mảy may, bởi trong lửa chiến chinh tôi đã suýt chết bao lần, và nghiệm ra rằng, chỉ có người hại người, chớ chưa ai thấy ma vương quỷ sứ nào hại người bao giờ; thường nói quỷ ma tàn ác nhưng cũng chưa ai thấy chúng mổ bụng moi gan ai bao giờ; có chăng là nơi địa ngục mơ hồ! Tôi thấy, và quả quyết, chính con người là động vật tàn ác nhất, nguy hiểm nhất, giết hại con người, tức đồng loại của mình nhiều nhất mà thôi!

Tôi chẳng những không sợ mà lòng lại thấy vui vui! Bởi tôi biết chắc chắn vào sáng mai lời hứa “mai mốt” với con tôi, tôi đã thực hiện được! Tưởng tượng khi nhìn con tôi ăn ngon lành tô hủ tiếu, cắn từng miếng thịt ngon, húp từng muỗng nước lèo béo ngậy, hoàn toàn xa lạ với hương vị mặn chát thường ngày; tôi mỉm cười, mà sao cũng thấy xót xa!

Tôi nằm mà nhớ con gái tôi lắm: ai gãi lưng cho con tôi khi con tôi trở mình? Ai gãi đầu con tôi, ai hun trên mái tóc con tôi, ai nựng bàn tay nhỏ bé của con tôi khi con tôi an giấc thiên thần? Tôi như con gà trống xòe hai cánh vụng về che chở ba đứa con mình qua những cơn mưa gió cuộc đời! Tôi lại ứa nước mắt!

Tôi ngửi thấy mùi khói nhang từ đầu quan tài. Tôi không ngạc nhiên vì theo lời đàn anh kể, thì chủ trại hòm đang làm thủ tục cúng vái… “người chết” (hôm nay “người chết” đó là tôi)!

Tôi không ngủ được cho tới khi đồng hồ ré báo hết giờ. Tôi choàng dậy, ngó vào nhà thì thấy ông chủ ngồi trước thêm ba hút thuốc tự bao giờ. Tôi đến bên ông nhận tiền, mà đôi mắt không rời cái nùi lau chân nằm ngay cửa ra vào. Ông tò mò hỏi:

- Có gì không chú em?

Tôi ấp úng, chỉ tay về cái nùi lau:

- Ông chủ cho tôi xin bộ đầm đó được không? Tôi về giặt cho con tôi mặc chắc nó mừng lắm.

Ông chủ ái ngai:

- Được, nhưng nó cũ rồi chú em à.

- Cám ơn ông! Không sao, tôi sẽ giặt lại.

Tết năm đó, con tôi rất vui vì có bộ đầm “mới” (dù hơi rộng). Khi nó vào tiểu học, bồ đầm chật, nhưng nó vẫn cất giữ cẩn thận đến hai chục năm sau, và mang theo về nhà chồng trong ngày lễ vu quy! Hỏi: “Con giữ làm chi vậy?” - “Để thương nhớ ba mãi. Trong thời gian đói khổ, ba phải ngủ trong quan tài kiếm tiền nuôi các con !

KHA TIỆM LY
Tình phụ tử thâm sâu .  Thanks-sign-smiley-emoticon .

Cheer
ĂN CƠM CHƯA? (食飯未?) 🍵
Lời dẫn
Tôi là người gốc Triều Châu nhưng từ nhỏ đến lớn chỉ học tiếng Việt và chỉ giao du với bạn Việt Nam và ngay cả cái nhà tôi ở cũng ngay trung tâm thành phố (ngay trước Hội Đồng Xã Tân An - Cần Thơ) và xung quanh là nhà của các công chức Việt Nam. Vốn liếng tiếng Tiều của tôi lúc đó rất ít nhưng lớn lên, cho đến giờ tôi vẫn có một suy nghĩ: Tại sao người ta gặp nhau hay hỏi "Anh khỏe không?" hay "How are you?" "你 好 嗎?" nhưng duy nhất thời đó người Triều Châu ở VN gặp nhau lại hỏi là "食 飯 未?" (“chẹ bừng quề”) có nghĩa là "Ăn cơm chưa ?"
Tôi cho tới giờ vẫn còn bâng khuâng đó nên vẫn muốn tìm hiểu tại sao người Tiều ở VN gặp nhau hay hỏi "Ăn cơm chưa?" mà không bao giờ hỏi "Khỏe không?" vẫn không thấy gì giải thích nào thỏa đáng trên mạng; nhưng lại may mắn tìm được một truyện ngắn của tác giả Bình Nguyên Lộc (phía dưới). Đọc hết câu chuyện trong bài viết, tôi cảm thấy nghẹn ngào, rưng rưng có lẽ nó bây giờ thắc mắc đã được giải đáp dù cho chưa thỏa mãn, nhưng cũng đáp ứng phần nào cho chút suy tư của tôi.
• Lưu Khâm Hưng
🌾
Ăn Cơm Chưa? (食 飯 未 ?) -
Bình Nguyên Lộc
Bà sơ rút nhiệt kế ra khỏi nách tôi, chăm chú đọc nhiệt độ, mặt lộ vẻ ngạc nhiên như không tin ở điều mà bà đã thấy. Bà dòm mặt tôi, đoạn đọc lại một lần nữa.
Tôi đang hồi hộp vì đoán rằng có chuyện không hay thì bà đã nhảy ra khỏi phòng, làm cho tôi hốt hoảng đến cực điểm. Tôi mắc chứng thương hàn, sốt mê man mấy tuần nay, vừa tỉnh lại chứng kiến sự bối rối của con người áo đen bé loắt choắt ấy, làm tôi ngỡ là tôi sắp chết đến nơi.
Nhưng gương mặt tươi của bác sĩ Chaput hiện ra nơi khung cửa, giúp tôi an lòng lại ngay. Giờ ấy còn sớm quá, bác sĩ, chắc mới đến nhà thương, chưa kịp mặc áo choàng, còn mặc thường phục.
Bà sơ theo sau nói:
- Hắn không còn nhiệt độ nữa, chắc hắn phải lạnh lắm, vì sự thay đổi đột ngột nầy, tôi cho hắn uống “Potion de Todd,” bác sĩ nhé!
- Phải đấy.
Đoạn bác sĩ hỏi tôi:
- Ông nghe thế nào?
- Như vừa tái sanh, thưa bác sĩ.
- Tốt! Mới nghe, tôi hoảng lắm, vì nhiệt độ xuống thình lình, có thể là triệu chứng của sự chảy máu ruột… nếu ông lén ăn gì.
Tôi cười, một cái cười héo hon của con người sốt liên miên hăm tám ngày, mà không ăn uống gì cả trong thời gian đó. Bác sĩ dặn thêm, trước khi rời buồng tôi:
- Vài hôm nữa là thèm ăn, nhưng phải nhịn, ăn là lủng ruột ngay… Ngoan lên nhé!
Quên nói rõ, là tôi mắc bịnh nầy trước chiến tranh, vào thuở mà loài người chưa tìm ra thuốc trị thương hàn. Nhà thương cứ để vậy, tiêm thuốc nâng đỡ cho trái tim khỏi lụy, rồi ai kháng chết được, thì sống, ai yếu lắm, là đi luôn.
Như vừa được tái sanh! Tôi không nói quá đâu. Vi trùng bệnh thương hàn phá rối sinh lý con người một cách kỳ lạ lắm. Tôi nghe yêu đời ghê hồn và dòm ra sân nhà thương tỉnh Bình Dương (bấy giờ là Thủ Dầu Một), tôi thấy khóm bông dừa, thứ bông hèn ấy, sao mà hôm nay lại đẹp lạ lùng.
Trưa hôm đó, bác sĩ Chaput khoe với tôi rằng, ở trại bố thí III, một con đồng bịnh với tôi cũng vừa khỏi. Ông ta sung sướng về chuyện ấy lắm, vì con bịnh các trại bố thí chết nhiều quá, khiến dân chúng hiểu lầm, nhà thương bỏ bê người nghèo khó. Sự thật, thì sở dĩ, số tử ở đó lên cao theo tỷ lệ, vì các con bịnh nghèo, thường để thật nguy kịch mới vào nhà thương và khi vào điều trị, không có người nhà theo để săn sóc, nhà thương chỉ vừa đủ người lo thuốc men thôi. Còn những sự săn sóc (rất cần thiết) phải được người nhà lo lấy mới mong lành bịnh.
🌿
Tôi yêu đời, và cố nhiên, yêu kẻ đồng bịnh vừa khỏi cùng một lượt với tôi. Ba hôm sau, được nuôi dưỡng bằng nước xúp và bột Ý, tôi đã chống gậy đi được, và mục tiêu phiếm du đầu tiên của tôi là trại III.
Kẻ đồng bịnh với tôi là một cô gái Trung Hoa, hai mươi tuổi, con gái đang thì, cái ngực tất phải to, thế mà tôi trông cô ta xẹp lép như con cá khô. Cái mền cô ta đắp, như dán sát vào chiếu nhà thương.
Người bạn đồng bịnh với tôi, đi không được như tôi. Trong cơn nóng sốt không ăn, người nhà tôi có mua “Sérum Glucosé” cho bác sĩ bơm vào tôi, nhờ thế mà tôi không suy lắm. Con bịnh nghèo nầy, thì khỏi hưởng món xa xí phẩm ấy, mà nhà thương không sắm được, vì kém tài chánh.
Tuy nhiên, nhìn sơ cô gái, tôi cũng thấy là cô ta đẹp lắm. Hoa tàn kia mà còn mang dấu vết thời tươi thắm thay, huống chi đây chỉ là một đóa hoa thiếu nước lọ trong chốc lát thôi… Cứ theo người cùng trại với “Á Lìl,” tên cô, thì cô ta là một đứa bé được “mua.” Chú Xừng Hinh, chủ tiệm chạp phô ngoài chợ, năm xưa về thăm quê quán bên Tàu, gặp mùa lụt lội, đói kém, đã mua đứa bé ấy ba mươi đồng bạc. Bạc Trung Hoa với bạc Đông Dương thuở ấy tương đương giá với nhau, thì quý vị biết, con bé ấy rẻ là dường nào.
Chú Xứng Hinh cũng khá, xem Á Lìl như con chú, chớ nhiều thằng khác, nó nuôi những con bé “nước lụt” ấy cho đến thời trổ mã, bắt làm lụng cho bù với số tiền mua, rồi lại hưởng luôn chúng là khác.
Như chủ nó, Á Lìl là người Triều Châu. Phụ nữ Triều Châu để rìa tóc phủ lên trán, xem rất ngây thơ và có duyên. Họ lại đẹp người hơn tất cả các thứ người Trung Hoa khác. Á Lìl lại là gái dung nhan có hạng trong thứ người đẹp nầy, nên tình thương kẻ đồng bịnh của tôi, bỗng nhiên, tăng lên gấp bội, vì tôi mới có hăm ba tuổi.
Nếu như ở ngoài, chắc không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện yêu một “ả nô tỳ,” cho dẫu là nó đang đẹp lộng lẫy. Nhưng ở đây, cô ta là con bịnh, đồng hạng với tất cả con bịnh khác.
Một ngày, tôi chống gậy xuống trại III đến hai lần, lần nào tới nơi, tôi cũng đứng lại nơi cửa trại, để thở dốc một hơi, rồi mới vào được...
Á Lìl đoán biết tình cảm của tôi đối với nó, nên lần nào, mắt nó cũng sáng lên, khi nghe tiếng gậy của tôi nện cồm cộp trên gạch.
Từ năm lên chín, mãi đến bây giờ, nghĩa là từ năm bị bán và đưa sang nước “An Nam,” con “nô tỳ” nầy chưa được ai nói ngọt với nó lời nào cả. Bây giờ, bỗng nhiên có một dân mặc “bi-da-ma,” lân la thăm hỏi nó, thì làm sao nó không rưng rưng lệ sung sướng được.
Mặc dầu chỉ được uống nước cháo với đường hạ, con ở Á Lìl cứ càng ngày càng hồng hào ra. Con gái, dường như, có dự trữ trong người những sức mạnh gì như cứ chực vùng lên, không cần ăn gì cho bổ lắm, họ cũng cứ béo tốt ra.
Má Á Lìl cạn dần lên, trông ngon như hai trái đào ở bảy phủ Triều Châu mà Á Lìl thường ca tụng với tôi. Trông Á Lìl, tôi nghĩ ngay đến những phi tần bên Tàu ngày xưa, cũng tuyển lựa trong đám dân “nước lụt” như vầy. Thì ra, con gái Trung Hoa, ngàn đời, vẫn đẹp và vẫn để mà tiếp tế cho các cung tần. Á Lìl sẽ làm bé chú “chệt” già đại phú nào đây, một ngày kia.
Hôm ấy, Á Lìl ngồi dậy được, nhưng còn phải ăn cháo hoa với “hàm-yũu.” Cháo với vị mặn giúp Á Lìl tươi tỉnh hẳn ra. Nó tiếp tôi bằng một bài hát gì đó, tôi không hiểu, nhưng rất thích nghe. Cái giọng mũi của người Triều Châu, khi hát lên, nghe líu lo rất dễ yêu, nhứt là dễ thương, nghe như là họ khóc cảnh sống lầm than của họ.
Á Lìl cắt nghĩa cho tôi biết rằng, bài hát ấy nói đến cái mặt trăng nho nhỏ và tròn tròn. Nó mới giải thích tới đó, thì người nhà chú Xừng Hinh mang cho nó một “gàu-mên” cơm. Mắt con Lìl sáng hơn là khi tôi mới vào thăm nó nữa... Tôi hỏi:
- Nhà đem cơm từ bao lâu rồi?
- “Ngóa” thèm quá, chỉ mới nhắn đem vô lần đầu thôi.
- Lìl không nên ăn cơm vội. Bác sĩ không có dặn gì sao?
- Bác sĩ nói tiếng Tây, ngóa đâu có hiểu. Bà Sơ biết chút ít tiếng Annam, dặn đừng cho ăn đồ cứng, ăn thì lủng ruột chết liền.
Á Lìl nói xong cười ngặt nghẹo, một hơi, rồi tiếp:
- Đời thuở nào, ăn cơm lại chết. Chỉ có không ăn cơm mới chết thôi.
- Lìl không hiểu, chớ ruột Lìl đã bị vi trùng làm cho mỏng lắm rồi đó.
Á Lìl lại cười một giây nữa, mà rằng:
- Bị thuốc của thằng Tây làm cho mỏng thì có. Thầy biết sao không? Hổm nay ông Tây chích cho “ngóa” chết mà “ngóa” không chết, nên ổng bỏ đói cho “ngóa” chết đó...
Á Lìl nói rồi vừa kéo gàu-mên cơm lại, vừa nói:
- Ăn cơm với gừng nấu dấm thì tốt lắm, như người “An nam” ăn với muối tiêu vậy mà, chết sao được.
Tôi bối rối quá. Hôm ấy có Mẹ Bề Trên, người cai quản các bà Sơ, từ Sàigòn lên Bình Dương thanh tra, nên bà Louise bận tiếp đón bà Mẹ Bề Trên ấy, không còn ai cho tôi cầu cứu để thuyết lý Á Lìl. Các thầy khán hộ thì đã dặn con bịnh cữ kiêng xong là nghe tròn bổn phận, không theo dõi họ để ngăn cản gì nữa. Còn tôi, tôi ngại một điều, mà cũng chẳng khỏi.
Khi tôi giựt lấy “gàu-mêm” cơm, thì Á Lìl giận dỗi trách:
- “Cố lứ” nói thương “ngóa,” sao không cho “ngóa” ăn cơm?
- Vì thương mới không cho ăn.
Thật thế. Nếu Á Lìl chỉ là một cô gái xấu xí, tôi cũng không nỡ để cho nó tự tử một cách gián tiếp như vậy. Huống chi trong mấy ngày vui mừng tái sanh ấy, tôi lại điên dại mà yêu đứa “nô tỳ” nầy.
Lìl cười gằn hỏi:
- Thương gì lại bỏ đói?
- Vì ăn thì chết ngay.
- Đời thuở nào, ăn cơm lại chết. Chỉ có không ăn cơm mới chết thôi.
Á Lìl lập lại câu hồi nãy, rồi khóc mùi mẫn.
Thật là em nhỏ, mất miếng ăn một cái là khóc bù lu, bù loa. Nhưng không sao, tôi sẽ dỗ em nhỏ, thì em nhỏ nín chớ gì.
Tôi định bụng như thế, nhưng tôi lầm.
Lần đầu tiên, tôi rờ đến Á Lìl. Tôi vuốt tóc trán nó và nói rằng:
- Lìl nín đi, rán nhịn, rồi vài bữa khỏi hẳn, tôi sẽ đưa Lìl đi ăn tửu lâu Triều Châu Đại La Thiên ở Chợ Lớn, có nhiều món ngon bằng một vạn thứ cơm gừng dấm nầy. Ở Đại La Thiên có chè thịt heo nè, có cù lao nè.
Nhưng Á Lìl cứ khóc, khóc như cha chết mẹ chết không bằng, lâu lắm nó mới nói được trong tấm tức, tấm tưởi:
- “Ngóa” nhớ tía má của “ngóa” quá. Tía má “ngóa” vì không có cơm ăn nên chết. Tía “ngóa” chết đi được một tháng, thì má “ngóa” bán “ngóa” cho Xừng Hinh lấy tiền mua gạo cho mấy em của “ngóa” ăn. Nhưng cả nhà ăn giỏi lắm được mười ngày, chắc rồi cũng chết hết. Cơm sao lại giết người? Không cơm mới nguy chớ!
Nghe Á Lìl nhắc tới nguồn gốc nó, tôi đau xót vô cùng. Cơm là giấc ác mộng của người Trung Hoa từ mấy ngàn thế hệ nay, cho đến đỗi họ gặp nhau, chào nhau bằng câu: “Ăn cơm chưa?”
Nhưng làm thế nào cho con bé dại dột nầy hiểu rằng, không cơm thì chết đã đành, mà có cơm, lắm khi cũng chết.
Vả lại, Á Lìl không cả quyết ăn vì thèm nữa, mà ăn để trả thù sự chết đói của cả nhà nó, thì làm sao mà thuyết phục nó được. Có lẽ nó đang nhìn cơm, mà nói thầm: “Ừ, ngày xưa, cha mẹ tao không có mầy nên chết, bây giờ gặp mầy đây, tao có dung tha đâu! Tao ăn cho sống dai, mặc kệ lũ nó bày điều, đặt chuyện.”
Biết nói làm sao cũng không xong, tôi xách “gàu-mên” mà đi. Sau lưng tôi, Á Lìl chửi rủa om sòm bằng tiếng Tàu. Nếu nó mà rượt theo được, chắc nó một mất, một còn với tôi, để cướp cơm lại.
💦
Chiều hôm ấy, tôi trốn luôn, đến sáng ngày hôm sau mới dám chống gậy qua trại III. Á Lìl vắng mặt trên giường. Thấy tôi ngơ ngác tìm quanh, một bà lão vừa ho sù sụ, vừa nói:
- Nó chết đêm rồi thầy à, hồi năm giờ sáng. Người ta đã khiêng nó xuống nhà xác.
- Trời ơi! Sao lại chết?
Tôi giậm chân mà hỏi câu ngớ ngẩn ấy.
Người khán hộ ở đâu sau lưng tôi đáp hộ bà lão:
- Chảy máu ruột!
- Sao lại chảy máu ruột?
- Vì ăn!
- Trời ơi!
Bà lão ho, rồi lại nói:
- Thầy giựt cơm của nó mà trốn đi, thì chiều lại, người nhà nó đem cơm vô nữa. Nó ăn xong, tối lại kêu đau bụng, vằn vật tới khuya mới chết.
- Sao bà không mời bác sĩ dùm nó?
- Có, tôi có cho bà Sơ hay, bả có kêu thầy đây.
Bà chỉ vào thầy khán hộ, thầy ta lắc đầu thở ra và giải thích:
- Tôi có tiêm thuốc cho nó, nhưng không gọi bác sĩ...
- Sao vậy?
- Vô ích. Chỉ có sang máu mới có một chút xíu hy vọng cứu nó; Nhưng ai sẽ cho máu nó? Còn thuê người để lấy máu thì tiền đâu?
Là con trai, tôi không khóc được. Nhưng lòng tôi đã tơi bời như áo mục phơi dưới gió to…
Đứng tần ngần giây lâu, tôi hỏi bà lão:
- Nó có nói gì hay không bà, lúc nó hấp hối?
- Có. Nó có kêu thầy...
- Kêu tôi? Có nhắn gì hay không ?
Nó kêu khóc rằng:
“Thầy hai ơi, té ra, quả thật không cơm cũng chết, mà ăn cơm cũng chết.. ‘Ngóa’ nghèo dốt, biết đâu. Trước kia tía má của ‘ngóa’ nghèo nên không ăn cơm, ngày nay ‘ngóa’ nghèo nên không biết, hai lần đều chết. Thầy hai ơi, ở lại mạnh giỏi nhá!”
Tôi không còn là con trai nữa, nhưng tôi không khóc tiếc thương một cô gái đẹp. Tôi chỉ khóc vì một gia đình sống không tên, không tuổi bị thảm kịch cơm làm tuyệt nòi, chỉ còn một mống thôi. Mống ấy trôi dạt đi xa ngàn dặm, qua cái xứ có cơm nhiều nầy, mà lại cũng không thoát khỏi thảm kịch cơm.
Ngày nay, mỗi khi nghe một người Trung Hoa chào ai: “Ăn cơm chưa?” tôi bâng khuâng nhớ lại mối tình yêu đầu và nao nao buồn mối tình thương đầu của tôi.
✪Bình Nguyên Lộc
TÂM TƯ THẰNG GHI ĐỀ
Song Hà

***********
Ngày….sáng ra thằng hàng xóm làm nghề bắt dê hớt hải phóng wave tàu chạy đến, miệng lắp bắp như chó phải bả hỏi này này, con Xoan vợ chú sinh năm mấy? Mình bảo tao biết đéo đâu được, hồi mới lấy nhau nó bảo sinh năm 85, đẻ xong bốn đứa bây giờ tao đoán nó sinh năm 58. Nhưng làm sao? Nó đập cái vào vai nói “Tối qua tôi mơ ngủ với hắn”. Mình điên tiết nói tổ cha mày. Mơ ngủ với ai không mơ, sao mơ ngủ với vợ tao. Nó xòe tập tiền lẻ toàn tờ 10 nghìn ra bảo, bình thường tôi hay mơ thấy chó lẹo chắc, không hiểu sao tối qua mơ ôm vợ ông ngủ, làm hẳn hai nháy luôn mới kinh, ông ghi cho tôi cặp 02 – 20 mỗi con tám chục.
Đưa cho nó cái cáp đề, mình ân cần dặn “Lần sau có mơ thì mơ cho đứng đắn nha, ví dụ mơ thấy tao ngủ với vợ mày chẳng hạn!” Nó nói ờ ờ để tôi rút kinh nghiệm, rồi nhảy lên con wave tàu cong đít phóng xe đi mất.
Chiều có ông già ngó bộ hom hem mặc áo bộ đội kiểu cựu chiến binh hay mặc đi ăn cỗ, dắt con bò đến buộc ngoài sân. Mình hỏi sao thế bác? Lão xoa xoa tay vào vạt áo nói “Chú cho tôi cắm con bò đánh cái đít 3 năm triệu. Bò này là bò cưới của con gái tôi, ra giêng hắn cưới rồi”. Mình gãi gãi tai hỏi thế nếu không về thì làm sao? Lão nói, thì chú cứ giữ con bò lại cho tôi, có gì tôi lấy tiền mừng cưới lên chuộc về là được chớ sao. Mình tặc lưỡi ghi đít 3 năm triệu.
Tối đề về 69. Nhìn ra đường thấy có vụ chở bệnh nhân đi cấp cứu. Người ngồi sau xe máy phủ cái chăn chiên Nam Định, thò ra vạt áo xanh bộ đội kiểu cựu chiến binh hay mặc đi ăn cỗ. Ngoài sân, con bò cái chợt rống lên 3 tiếng, mắt nó xanh lét như mắt ma khiến mình bủn rủn chân tay.
Ngày… Em Na gọi điện, giọng thì thào như buôn bạc giả “Anh yêu, của em mấy rồi hè?” Mình lật sổ, nói cũng nhiều rồi đó, lo mà trả bớt đi chớ cuối năm anh kẹt vốn. Na cười hi hi rất dâm nói “Thì để đó ta trừ dần chớ lo chi anh hè. Tối nay phòng 69, nhà nghỉ hôm trước nha! Hi hi, cố mà lập hẳn hatrick cho hết nợ là vừa xinh”. Tổ sư nhà em! Dạo này ba kích, dái dê uống đều như vắt quất nhưng đéo hiểu sao vẫn yếu xìu xìu, lập hatrick để con ngan già nó đào mả bố em lên à? Công nhận mặc dù nách nó hơi hôi nhưng được cái to mông rộng háng đáng đồng tiền.
Nói lại bảo gở mồm chứ nó cứ tạch lô mãi thế này chắc sang năm mình ra Bạch Mai chạy thận mất.
Ngày… Giáp tết, đang ngồi nhổ râu tranh thủ tổng kết một năm kinh tế buồn chợt một thằng thanh niên gầy gò, da tái tái như con mực một nắng đeo ba lô chạy vào, thở hổn hển nói bác bác, hôm nay bác kết nhất con gì? Mình vân vê sợi lông mồm, bảo “Chịu! Bác mà biết con gì, bác đã bán mẹ cả nhà ốp một phát luôn chứ còn ngồi đây làm thằng ghi đề à?” Nó bỏ ba lô ra, giọng buồn buồn nói cháu làm công nhân giày da trong Bình Dương. Năm nay công ty nợ lương, mỗi đứa về tết được biếu cân miến dong, chai tương với lọ dưa chuột bao tử muối, ra về cắm xe máy thằng bạn chia nhau được thằng hai triệu rưỡi, đi xe mất mẹ gần một củ rồi. Giờ bác rủ lòng thương cho cháu một con, trúng thì có cái tết to, tạch thì làm năm nghìn bạc riệu cho say trùm chăn ngủ.
Mình cười bảo, sao không học hành tử tế mà kiếm cái nghề cho đàng hoàng mà phải đi làm cu li biệt xứ, giờ kêu đéo gì. Lôi trong ba lô ra mấy tờ giấy photo có dấu công chứng đỏ chót, nó dí vào mặt mình nói đây này, đang tính mang về cho ông già nhóm lò nấu bánh chưng đây này. Mình hỏi giấy gì thế cháu? Nó bảo dạ bằng đại học quản trị kinh doanh với chứng chỉ tiếng Anh.
Nó đi rồi, nhìn theo cái dáng còm cõi, liêu xiêu trong cơn mưa phùn chiều cuối năm, bất giác mình chợt nhớ đến hai tấm bằng đại học cất kỹ dưới đáy tủ quần áo. Trong nhà, tiếng phát thanh viên chương trình thời sự vẫn đang tổng kết một năm qua, nghe loáng thoáng cái gì mà đất nước có bao giờ được thế này không. Con ngan già ngậm tăm đủng đỉnh đi ra, bĩu môi: “Đéo bao giờ được như này nhé!"
-------------
NGƯỜI VỢ MÙ
(Sưu Tầm)

Trong một chương trình radio mang tên “Nẻo về của trái tim”, một cô gái mù đã gửi cho những người làm chương trình câu chuyện của mình.
Mong muốn của cô là được chia sẻ niềm hạnh phúc mà mình đang có và gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới một người.
----
Tôi là một kiến trúc sư vui vẻ, hoạt bát. Cách đây một năm, tôi là người vợ hạnh phúc nhất. Khi thức dậy cùng người mình yêu vào mỗi sáng, chúng tôi thường cùng nhau thưởng thức một tách trà trong không gian yên tĩnh đầu ngày. Chúng tôi xây dựng cho mình một thói quen: sẽ luôn cố gắng chia sẻ với nhau những suy tư và cảm nhận chân thật nhất của mỗi người để gìn giữ hạnh phúc.

Cuộc sống của chúng tôi êm đềm trôi qua cho tới một ngày. Trên đường từ bến xe buýt vào tới công ty, tôi thấy mọi thứ như nhòa đi trước mắt, chỉ còn lại những tiếng còi xe inh ỏi. Rồi tôi lập tức được đưa vào bệnh viện. Ngày hôm đó, tôi vẫn còn nhớ rất rõ ràng cảm giác khi nghe câu kết luận của bác sĩ:

“Đây là một căn bệnh thoái hóa nên chúng tôi cũng không thể giúp được gì”.

Bác sĩ còn giải thích rất nhiều điều nữa, nhưng trong đầu tôi chỉ còn đọng lại duy nhất câu nói: “Cô sẽ sớm bị mù”.

Tôi không biết các bạn sẽ cảm thấy ra sao khi đối diện với sự thật này. Còn tôi, tôi đã đầu hàng một cách hèn nhát. Tôi khóc, tôi cáu bẳn thậm chí nhiều lần gắt gỏng, đặc biệt khi chỉ có tôi và anh, trong căn nhà hạnh phúc của chúng tôi. Tôi đã rất sợ, sợ bị rơi vào bóng tối, sợ phải làm một người mù và sợ nhất rằng tình yêu của anh dành cho tôi cũng sẽ không còn. Tôi không còn dùng trà vào mỗi buổi sáng với chồng nữa. Bởi tôi muốn tất cả phải chịu trách nhiệm về căn bệnh của mình, đặc biệt là chồng tôi. Trước sự thay đổi chóng mặt của vợ, chồng tôi không nói gì, anh chỉ lẳng lặng quan sát và chịu đựng những cơn nóng giận vô cớ. Hơn thế anh giúp tôi làm mọi công việc nhà bất chấp sự phản đổi đầy ngang bướng của tôi.

Thời gian đó, ông chủ vẫn sắp xếp cho tôi một công việc nhỏ trong văn phòng. Nhờ đó, tôi có thể được ra ngoài vào mỗi sáng. Được đi làm đã trở thành niềm hạnh phúc nhất của tôi khi ấy. Công việc cho tôi cảm giác tôi không phải là người thừa, tôi được chứng minh sự mạnh mẽ của mình và thỏa mãn cái tôi đang bị tổn thương ghê gớm. Tôi quyết định vẫn đi xe buýt tới công ty như tôi luôn làm trước đây. Tôi biết mình đã rất quen với con đường và tôi cũng đã dần thành thục việc sử dụng cây gậy cho người mù.
Chồng tôi đề nghị, hãy để anh đưa tôi đi làm mỗi sáng và trở về đón tôi mỗi buổi chiều. Nhưng tôi từ chối, tôi không muốn anh phải vất vả như vậy, bởi nơi chúng tôi làm việc cách nhau rất xa. Chồng tôi không phản đối, anh chỉ nói: “Hãy cẩn thận khi qua đường nhé, ngã ba đó khiến anh lo lắng hơn cả”. Tôi giữ im lặng trước lời dặn dò của anh.
Mọi chuyện sau đó diễn ra suôn sẻ ngoài mong đợi của tôi. Có lẽ sự lo lắng của tôi và chồng đều là thái quá. Khi dừng đèn đỏ ở ngã ba đầu tiên, tôi nhớ lại lời của chồng và bắt đầu cảm thấy sợ. Ngay lúc ấy có một giọng nói nhỏ nhẹ vang lên:

“Cô ơi, cô có thể dẫn cháu qua đường không?”

Tôi quá đỗi ngạc nhiên với câu hỏi của cậu bé, hình như cậu bé không biết tôi bị mù.

“Cháu à, cô xin lỗi, nhưng cô sẽ không bảo đảm an toàn được cho cháu vì cô không nhìn thấy…” Tôi chưa kịp nói hết câu thì cậu bé chen vào:

“Cháu biết cô bị mù, cháu xin lỗi ý cháu là cô không nhìn thấy, nhưng không sao. Cô là người cao lớn, những người lái xe sẽ nhìn thấy cô, họ sẽ tránh chúng ta. Còn cháu sẽ dắt cô qua đường, cháu sẽ làm đôi mắt cho cô ở ngã ba này nhé.”

Trước lời nói ngây thơ của cậu bé, tôi thấy mũi mình cay cay. Chuyển gậy dò đường sang tay phải, tôi chìa bàn tay còn lại để nắm lấy bàn tay nhỏ bé đó. Cậu bé nắm tay tôi thật chặt. Cái siết tay của cậu khiến tôi có thêm rất nhiều tự tin.

Hóa ra tôi vẫn còn có ích, vẫn có thể giúp đỡ một ai đó chứ không hoàn toàn là “đồ vô dụng” như tôi luôn nghĩ về mình sau khi không còn nhìn thấy. Bên trong tôi bất giác thấy lại được niềm vui.

Cậu bé quả là một người dẫn đường tài tình, chúng tôi đã qua đường an toàn và dường như không làm một người lái xe nào nổi giận. Khi chia tay ở ngã ba, cậu bé nói:

“Cháu hy vọng mai cô sẽ lại ở đây nữa, vì sáng nào cháu cũng phải đi qua ngã ba này để đến trường. Cảm ơn cô nhiều nhé. Giờ cháu đi học đây.”

Cậu bé chào tôi và chạy đi nhanh như một cơn gió. Trước khi đi, cậu bé quay lại, nói thật to:
“Hẹn cô ngày mai nhé, cháu sẽ chờ cô đấy”. Cậu bé khiến nụ cười trở về trên môi tôi, đôi má tôi cũng ửng hồng.

Một cảm giác ấm áp khiến những căng thẳng bao ngày qua tan mất. Có lẽ ai đó nhìn thấy tôi lúc ấy sẽ phải thắc mắc: Cô gái mù ấy sao lại cười rạng rỡ thế?

Không để tôi thất vọng, ngày hôm sau và ngày hôm sau nữa, cậu bé vẫn xuất hiện và chúng tôi đã trở thành đôi bạn “chinh phục ngã ba” từ đó. Đôi lúc chúng tôi còn nán lại nói chuyện với nhau. Tôi đã biết cậu bé thiên thần ấy (chí ít là với tôi) tên là Jimmy. Jimmy nhỏ người, mặt nhiều tàn nhang, tóc màu hung và có một cái mũi hơi kì lạ. Đó là dáng vẻ mà cậu bé tả về mình cho tôi nghe.

Nhờ Jimmy bé nhỏ, tôi dần lấy lại niềm vui trong cuộc sống của mình. Tôi cũng đã có thể đối đãi dịu dàng trở lại với chồng, không còn nặng nề với anh nữa. Nhưng cảm giác muốn mở lòng để chia sẻ với chồng vẫn chưa trở về.

Niềm vui của tôi chỉ kéo dài được một tháng. Sáng hôm đó, khi ở ngã ba tôi không thấy Jimmy, cậu bé đến muộn chăng? Tôi chợt hiểu ra rằng hình như những đứa trẻ đã kết thúc năm học và Jimmy sẽ không đến trường ngày hôm nay. Tôi chưa biết làm thế nào để qua đường khi không có người hoa tiêu nhỏ bé, tiếng lanh lảnh quen thuộc vang lên: “Cô James chờ cháu.”

“Cháu đấy à, cô mừng quá, cô cứ nghĩ là cháu sẽ không đến”.

“Cháu không thể để cô một mình qua đường được. Đó là lời hứa danh dự. Nhưng cháu sắp theo bố mẹ về quê với ông bà rồi. Cô biết mà, trường học đã nghỉ hè và hôm nay là ngày cuối cùng cháu ở đây”.

Tôi cảm thấy lo lắng và hơi buồn, nhưng cố trấn tĩnh. Tôi hỏi Jimmy về “lời hứa danh dự” của cậu bé, điều khiến tôi cảm thấy rất tò mò.

“Cháu đã hứa với một người. Nhưng chú ấy không cho cháu nói điều này với cô.” Chúng tôi cùng nhau băng qua đường trong im lặng. Nhưng khi tới nơi, cậu bé níu tay tôi lại, hỏi rằng tôi có thể đi với cậu bé một chút không? Tôi đồng ý và chúng tôi thả bộ cùng nhau trong một công viên gần đó. Hóa ra cậu bé muốn kể cho tôi nghe về lời hứa danh dự của mình.

Ngày đầu tiên chúng tôi gặp nhau, đã có một người đàn ông nhờ cậu bé dắt một phụ nữ xinh đẹp nhưng bị mù qua đường. Người đàn ông ấy giải thích với cậu bé rằng, đó là vợ chú. Cô ấy vừa bị mất đi đôi mắt và chú không thể yên tâm để cô ấy một mình đi qua con phố đông đúc này. Nhưng chú cũng không thể tự tay dắt cô sang đường, vì cô đang đóng cửa tâm hồn mình với chú.

Nước mắt tôi bắt đầu rơi. Cậu bé tiếp tục kể. Cậu bé đã đồng ý giúp người đàn ông lạ mặt đó. “Không chỉ một lần, cháu không biết tại sao nhưng khi nghe chú ấy kể về cô, cháu nhớ đến cách bố cháu nói về mẹ, đầy yêu thương. Vì thế, cháu đã hỏi chú ấy có cần cháu giúp những ngày tiếp theo không. Đôi mắt của chú ấy lúc đấy rạng rỡ như mắt cháu lúc được đi chơi hay ăn kem vậy”.

“Đó là lý do vì sao sáng nào cháu cũng ở đây chờ cô?”
“Vâng, nhưng không chỉ chờ cô, cháu chờ cả chú ấy nữa. Chú ấy ngày nào cũng đi qua đường với chúng ta mà. Chú chỉ lặng lẽ đi cạnh cô, cách cô một đoạn để cô không cảm thấy sự có mặt của chú ấy. Chỉ khi cô cháu mình sang đường an toàn chú ấy mới đi làm”. “Thật vậy sao?” Tôi không còn biết nói gì hơn. “Cháu không định nói chuyện này cho cô nghe. Nhưng ngày mai cháu đi rồi. Cháu sợ cô sẽ thấy hoang mang vì không có cháu. Thêm nữa cháu sợ cô vẫn giận chú”. “Vậy hôm nay chú ấy có đi cùng chúng ta không, Jimmy?”

Chồng tôi đã đứng đó từ bao giờ. Anh đã lắng nghe câu chuyện của cô cháu tôi. Tôi không biết khuôn mặt anh lúc ấy như thế nào. Chỉ biết có một bàn tay to lớn, ấm áp và rất quen thuộc nắm lấy bàn tay tôi, nhẹ nhàng dắt tôi đi hết quãng đường từ công viên tới văn phòng.

Sau ngày hôm ấy, tôi đồng ý để chồng chở đi làm, và buổi chiều tôi đi xe buýt về, anh đã nhờ được một người bạn trong công ty đưa tôi ra bến xe. Tôi còn được biết, công việc mà ông chủ sắp xếp cho tôi chính là nhờ anh đã tới gặp và thuyết phục ông.

Đó là câu chuyện tình yêu mà tôi muốn chia sẻ với các bạn. Những ngày tháng vừa qua đã khiến tôi nhận ra rằng: Trong cuộc sống nhiều đau khổ này, tình yêu thực sự hiện hữu, và nó mang một sức mạnh chữa lành thật to lớn. Khi nghĩ về sự nhẫn nại của anh suốt thời gian cùng tôi và Jimmy sang đường, khi cảm nhận được rằng trái tim chan chứa thiện niệm của anh luôn nghĩ cho cảm giác của tôi, nghĩ đến việc làm thế nào để tôi an toàn và hạnh phúc nhất, tôi mới hiểu ra thế nào là thực sự yêu một ai đó.

Chia sẻ câu chuyện này cũng là cách tôi muốn anh biết: Từ tận đáy lòng, tôi biết ơn tình thương và những điều anh đã dành cho tôi. Và hơn thế, anh và Jimmy bé nhỏ đã cho tôi hiểu và học được rằng yêu thương một người là dành cho người đó sự bao dung, nhẫn nại và những điều thiện lành nhất mỗi ngày.
Đoc bài Tâm Sự Người Ghi Đề tui không hiểu cho lắm . Có phải là người bán số đề không, các bạn ?
(2022-02-24, 07:24 PM)LeThanhPhong Wrote: [ -> ]Đoc bài Tâm Sự Người Ghi Đề tui không hiểu cho lắm . Có phải là người bán số đề không, các bạn ?

Dạ phải. 

Ghi số đề, bán số đề đều như nhau đó anh LTP.
(2022-02-24, 08:41 PM)Mãi Yêu Thương Wrote: [ -> ]Dạ phải. 

Ghi số đề, bán số đề đều như nhau đó anh LTP.

Hèn chi LTP không hiểu nhiều chi tiết trong bài .  Cảm ơn cô bạn MYT nhiều lắm .

LTP  Cheer




"Murderer, me?"
Tùy bút
Hoàng Chính


(Nhân chuyện nước Nga hôm nay, gửi bạn một câu chuyện về Liên Bang Xô Viết năm xưa.)
Trong giờ ăn trưa, một người làm chung chỗ - tạm coi như bạn khá thân – nói thẳng vào mặt bạn rằng bạn là kẻ sát nhân. Những đồng nghiệp của bạn ngồi quanh bàn ăn, trố mắt nhìn, người yếu bóng vía khe khẽ đẩy cái ghế ra xa hơn chỗ bạn ngồi một tí. Vài người khác lặng lẽ liếc về phía góc tường, chỗ gắn cái điện thoại công cộng, mỗi lần gọi phải bỏ vào cái khe của máy đồng hai mươi lăm xu.
Tim bạn ngưng đập mất vài giây. Bạn tròn mắt nhìn anh chàng đồng nghiệp. Và cả phút đồng hồ sau bạn mới bình tĩnh trở lại, và bạn lên giọng, yếu ớt: “Murderer, Me?”
Có bao giờ bạn lâm cảnh ấy chưa?
Tôi đã từng lâm vào cái cảnh đứng tim ấy. Để thong thả, tôi kể lại cho bạn nghe từ đầu.
Trong số những người làm chung với tôi trong hãng làm cây cọ sơn - những tháng năm đầu đời của tôi ở Xứ Tuyết - có một anh chàng trông giống hệt tài tử Richard Pryor. Giống tới mức nhiều người làm chung xúi anh qua Hollywood nộp đơn – trong thời kỳ chưa nổi tiếng thì - xin đóng thế cho Richard Pryor những lúc cần. Chúng tôi dám chắc anh mà mò đến một phim trường nơi Richard Pryor đóng phim, chắc chắn người ta sẽ nghĩ anh là Richard Pryor thật. Cả hãng chúng tôi đặt cho anh cái tên Richard-Pryor-Hãng-Cọ. Anh chàng Richard của chúng tôi làm công việc chạy máy. Anh rất siêng năng. Giờ nghỉ giải lao hoặc giờ ăn trưa anh với tôi thường đem lunch-box ra sân, ngồi dưới bóng cây, vừa ăn vừa tán dóc.
Anh chàng Richard này và tôi gần gũi nhau bởi cả hai cùng là di dân. Tôi là thuyền nhân. Xuống thuyền ở Rạch Giá, được tàu dàn khoan cứu ngoài hải phận quốc tế và đem vào Pulau Bidong. Con đường của anh chàng Richard-Pryor-Hãng-Cọ vòng vo hơn nhiều. Từ quê nhà, anh vượt biên giới bằng đường bộ, băng qua sa mạc, băng qua những vùng hoang vu, dạt vào những ốc đảo, kết bạn với dân du mục, nương nhờ bóng mát dưới bụng những con lạc đà. Cứ vậy, từ nước này qua nước khác. Bị tạm giam giữ, bị trục xuất, lại “ngựa quen đường cũ”. Cứ như vậy cho đến khi anh được Canada công nhận quy chế tị nạn.
Không như tôi, chỉ một lèo từ Việt Nam qua đến Mã Lai và thẳng đường sang Xứ Tuyết, con đường tìm đến nơi chốn bình yên của anh qua nhiều giai đoạn quá nên tôi không nhớ nổi, và tôi chỉ nhớ được cái tên quê hương anh: Djibouti.
Bạn đã bao giờ nghe đến cái tên quốc gia ấy chưa? Djibouti. Quốc gia nhỏ bé ở vùng Sừng Phi Châu. Với dân số chưa đầy một triệu và sử dụng ba ngôn ngữ chính thức: Pháp, Ả Rập và Somali (Trong khi Canada của tôi dùng Anh và Pháp như hai ngôn ngữ chính thức.)
Giờ ăn trưa, chúng tôi kể cho nhau nghe chuyện cố hương của mình. Chuyện của tôi từ đời vua Hùng, đến 1975 thì ngừng lại; chuyện của anh lại bắt đầu từ 1977, năm mà xứ sở anh Djibouti được Pháp trả độc lập. Anh thích thú nhắc đi nhắc lại con số cử tri bầu chọn việc dành độc lập cho quê hương anh Djibouti: tới 98.8%.
Anh thắc mắc sao tôi không kể tiếp về đất nước mình sau 1975 trong khi anh hãnh diện nói về một đất nước non trẻ nơi người dân thẳng thắn phát biểu ý muốn của họ về một quốc gia độc lập: nước Cộng Hòa Djibouti. Anh khoe phương châm của nước anh là Thống Nhất – Bình Đẳng – Hòa Bình mà tiếng Pháp là Unité – Égalité – Paix. Tôi thích thú lắng nghe. Tôi bảo phương châm của nước anh chắc cũng có họ hàng xa gần với phương châm của nước Pháp: Liberté – Egalité – Fraternité. Anh bảo chắc vậy bởi Pháp đã từng là “mẫu quốc” của quê hương anh Djibouti, hệt như Pháp đã từng làm “mẫu quốc” của Việt Nam.
Tôi tỉ mẩn hỏi anh về đất nước Djibouti. Anh cần mẫn trả lời, rồi bỗng dưng anh hỏi tôi: phương châm nước Việt Nam là gì? Tôi lúng túng. Chẳng lẽ phun ra cái điều gian dối đại khái như: Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc; những thứ mà ở nước VN bây giờ đố ai tìm cho ra.
Rồi chúng tôi chuyện trò về bài quốc ca. Anh rì rầm hát bằng tiếng Ả Rập và dịch ra tiếng Anh bài quốc ca của nước mình đại khái như thế này:
“Hãy vươn lên cùng sức mạnh! Vì ta đã kéo cao lá cờ. Lá cờ bồi đắp bởi muôn vàn gian khổ. Với cơn khát và nỗi đau cùng cực. Quốc kỳ chúng ta, màu xanh lục vĩnh cửu của đất đai, xanh dương của bầu trời, và trắng, màu của hòa bình. Trung tâm là ngôi sao màu máu đỏ. Ơi lá cờ của chúng ta, hình ảnh hào hùng biết bao!”
Rồi anh bảo tôi hát và dịch lời bài quốc ca Việt Nam cho anh nghe thử. Tôi lảng tránh. Nhưng anh cứ đốc thúc mãi, tôi đành gian dối. Tôi hát: Việt Nam, Việt Nam nghe từ vào đời, Việt Nam hai câu nói bên vành nôi… Anh khen bài quốc ca Việt Nam có ý nghĩa và sâu sắc. Tôi xấu hổ, lặng im. Anh cứ nói đi nói lại về chuyện quốc ca. Anh than phiền rằng quốc ca nước anh đơn giản quá, rằng nhạc quả có hùng nhưng lời thì thiếu sâu sắc. Nghe anh than thở hoài, tôi đành thú thật là bài Việt Nam, Việt Nam mà tôi vừa hát và dịch lời cho anh nghe chỉ là bài quốc ca trong lòng người Việt, còn bài chính thức của nhà nước thì khác. Anh hỏi thế bài quốc ca hiện tại như thế nào. Tôi bảo tôi không thuộc.
Chúng tôi làm chung hãng một thời gian dài. Và chúng tôi trở thành đôi bạn thân từ lúc nào không hay. Giờ ăn trưa, hai đứa đem đồ ăn mang theo ra ăn chung. Chúng tôi kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện. Từ chuyện thuở nhỏ đi học đến những chuyện lẩm cẩm mà hai đứa đã trải qua ở cái thời làm con trai mới lớn. Chúng tôi giúp đỡ nhau, nhường nhịn nhau như hai anh em. Cho đến khi một biến cố lớn lao xảy ra, làm chúng tôi đối mặt với nhau một cách phi lý.
Chuyện như thế này. Ngày 01 tháng Chín năm 1983, phản lực cơ chiến đấu Sukhoi Su-15 của Liên Xô dùng hỏa tiễn không-đối-không bắn rơi chiếc Boeing dân sự của Korean Air Lines, chuyến bay 007 trên không phận vùng biển Nhật Bản, phía tây đảo Sakhalin, làm thiệt mạng 269 hành khách cùng phi hành đoàn. Cuộc tàn sát gây chấn động ấy bị mọi người lên án. Tin tức tiết lộ sau này cho thấy tư lệnh lực lượng phòng không khu vực Viễn Đông Của Sô Viết, tướng Valery Kamensky đã cương quyết ra lệnh tiêu diệt chiếc KAL 007 cho dù nó đang bay trên vùng hải phận quốc tế nếu như xác định được là đó không phải máy bay chở hành khách.
Thuộc cấp của ông ta, tướng Anatoly Kornukov nhất quyết cho rằng không cần nhận diện nữa bởi “kẻ xâm nhập” đã bay trên không phận bán đảo Kamchatka của Liên Xô.
Bản tin chấn động ấy lan vào hãng cọ. Công nhân viên lao xao bàn tán ngay cả trong lúc đang chải lông cọ. Và ngậm ngùi thương cho số phận những hành khách vô tội trên chuyến bay.
Giờ ăn trưa, trời mưa tầm tã, chúng tôi rút vào ngồi trong phòng ăn với mọi người. Anh bạn Richard-Pryor-Hãng-Cọ của tôi lầm lì nhai bánh mì. Mọi người lặng lẽ với phần ăn trưa của mình. Không ai nói gì với ai. Không khí keo đặc.
Rồi anh Richard-Pryor-Hãng-Cọ bỗng buột miệng, như không thể nén thêm được phút giây nào nữa: “Tụi Cộng Sản Liên Xô tàn bạo không tưởng tượng được. Biết là máy bay dân sự mà vẫn bắn rơi. Đúng là bọn sát nhân!”
Thấy anh yên lặng biết bao lâu, bỗng dưng lớn tiếng phát biểu, tôi tán đồng, “Đúng là bọn sát nhân!”
“Cả thế giới đều lên án,” anh tiếp.
“Đúng, làm sao mà không lên án cho được,” tôi phụ họa.
Anh tiếp, “Cả thế giới chỉ có ba đứa vỗ tay reo mừng.”
Tôi ngẩn người ra, nhìn Richard-Pryor-Hãng-Cọ, chờ anh nói thêm cho rõ.
Anh nhìn những khuôn mặt đồng nghiệp - đủ mọi sắc dân – quanh bàn ăn, rồi tia nhìn ấy dừng lại ở tôi. Anh chậm rãi nói, “Thằng Cuba, thằng Tàu và tụi Việt Nam chúng mày.”
Sựng lại mất một giây, tôi phản đối yếu ớt, “Chỉ có bọn Cộng Sản Việt Nam vỗ tay thôi, ông ạ.”
Anh bạn tôi vắn tắt một câu làm tôi chết đứng, “Thì cũng là Việt Nam!”
Và trước khi bỏ đi, anh ném cho tôi phán quyết sau cùng, “Đồng lõa với bọn giết người thì cũng chẳng khác gì chính mình đi giết người. Murderer!” Đám đồng nghiệp tròn mắt ngó anh, rồi nhìn sang tôi. Anh mỉm cười - phủi tay - sau câu nói và ôm cái hộp đựng đồ ăn trưa ra chỗ vòi nước rửa tay.
Tôi lắp bắp, “Murderer, Me?”
Bạn cũng biết ở Việt Nam nói tới chữ giết người chẳng ai thèm để ý bởi mạng người bên ấy rẻ, nhưng ở Bắc Mỹ khi nghe nói đến chữ murderer thì ai cũng tròn con mắt nhìn (và không chừng còn báo cảnh sát nữa.)
Tôi lúng túng nhìn đám đồng nghiệp, và cố mỉm cười. Cô đồng nghiệp người Bồ Đào Nha mà công việc là liên tục dán nhãn hiệu lên cây cọ - nghe không rõ nhưng cũng đẩy nhẹ cái ghế ra xa, trợn mắt hỏi: “Ai giết ai?” Anh chàng người Hungary chuyên đóng cọ vào thùng để gửi cho khách hàng vươn cao cái cổ dài: “Mày giết ai vậy?” Người đàn ông Salvador kín đáo liếc mắt về phía cái điện thoại công cộng ở góc phòng.
Khỏi nói bạn cũng biết tôi mất cả nửa tiếng giải thích cho đám đồng nghiệp hiếu kỳ về chuyện chuyến bay dân sự KAL-007 của Nam Hàn bị không quân Liên Xô bắn nổ tung thành hàng ngàn mảnh vụn rơi xuống biển Nhật Bản. Và thêm chuyện đám đàn em cộng sản vỗ tay reo mừng, trong đó có nhà nước Cộng Sản Việt Nam. Và tôi nhấn mạnh là tôi và hàng triệu người Việt Nam khác không hề vỗ tay tán thưởng hành động sát nhân của Liên Bang Xô Viết. Tôi hăng hái giải thích rằng bọn Cộng Sản Việt Nam đã từng không chùn tay trước bất kỳ hành vi ác độc nào miễn sao ý đồ của bọn cộng sản đàn anh được thực thi trên đất nước mình. Tôi bảo bọn chúng là Việt Cộng chứ không phải Việt Nam nói chung.
Một ông trung niên người Québec chuyên chạy máy cắt gật gù, “Cậu nói đúng, nhưng thằng Richard-Pryor-Hãng-Cọ nói đúng hơn. Chuyện Việt Cộng hay không Việt Cộng chỉ liên hệ đến người dân Việt Nam mấy cậu thôi, ra khỏi cái tầm quốc gia thì ý niệm ấy không còn quan trọng nữa. Cũng như vượt ra ngoài cái tầm nhân loại, từ hành tinh khác nhìn về trái đất thì bọn người ngoài hành tinh chỉ biết có loài người – humankind species và các loài thú cùng thảo mộc. Vậy thì bọn Việt Nam nhà cậu đúng là đồng lõa với bọn sát nhân Xô-Viết, chống lại nhân loại.”
Bạn thân mến. Câu chuyện ấy in đặm trong trí tôi từ dạo đó. Rời hãng cọ, tôi mất liên lạc với tất cả những người cùng làm. Tôi cũng mất liên lạc với anh chàng Richard-Pryor-Hãng-Cọ. Chắc hẳn anh đã đi học lại, thành công và lập thân ở một khung cảnh khác không còn vướng víu cái cổ xanh thuở ban đầu. Ông trung niên chạy máy giờ này chắc đã về hưu, và hẳn vẫn khư khư cái ý niệm “Bọn Việt Nam đồng lõa với bọn sát nhân Xô-Viết chống lại nhân loại.”
Từ đó mỗi khi có ai hỏi, “Bạn từ đâu tới?” hay “Phải bạn là người Việt Nam không?” Tôi lại ngập ngừng không biết người hỏi có phải đang có trong đầu hình ảnh những mảnh vụn trôi bập bềnh trên biển ít ngày sau khi chiếc máy bay của Hàng Không Đại Hàn bị Không Quân Liên Bang Xô Viết bắn hạ.
Và tôi thủ sẵn câu trả lời năm xưa, để thốt ra cái giọng cay cú, “Murderer, me?” — feeling angry.
(2022-02-25, 07:11 PM)Ech Wrote: [ -> ]Một ông trung niên người Québec chuyên chạy máy cắt gật gù, “Cậu nói đúng, nhưng thằng Richard-Pryor-Hãng-Cọ nói đúng hơn. Chuyện Việt Cộng hay không Việt Cộng chỉ liên hệ đến người dân Việt Nam mấy cậu thôi, ra khỏi cái tầm quốc gia thì ý niệm ấy không còn quan trọng nữa. Cũng như vượt ra ngoài cái tầm nhân loại, từ hành tinh khác nhìn về trái đất thì bọn người ngoài hành tinh chỉ biết có loài người – humankind species và các loài thú cùng thảo mộc. Vậy thì bọn Việt Nam nhà cậu đúng là đồng lõa với bọn sát nhân Xô-Viết, chống lại nhân loại.”

 Có lẽ hãng cọ là một nơi nằm dưới thấp, thấp lắm, còn hai phân nữa mới đụng mắt cá. Cho nên mới có những nhận xét như ..."Chuyện Việt Cộng hay không Việt Cộng chỉ liên hệ đến người dân Việt Nam mấy cậu thôi, ra khỏi cái tầm quốc gia thì ý niệm ấy không còn quan trọng nữa."

 Tui không có cái kinh nghiệm trung học ở phương Tây, nhưng sau đó con cái trong nhà học sử ký, tui mới biết, sử ký lớp 9, tính theo trình độ trước 75 gọi là trung học đệ nhất cấp, thì ý thức hệ giữa cộng sản và tư bản, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh lạnh giữa hai khối tự do và cộng sản được giáo dục rất kỹ lưỡng. Chỉ có những người thất học mới không phân biệt được mà thôi. Xin lỗi, đó chỉ là trình độ lớp 9 tính theo trung học phổ thông hệ 12 năm sau này.

Trở lại cá nhân tui thì chưa bao giờ gặp trường hợp này. Đa số sự hiểu biết của dân chúng khá cao. Đa phần khi gặp người bản xứ, vì sự tế nhị, rất ít người hỏi xuất xứ của mình. Khi có ai muốn biết, thì mình cũng rất tự hào nói xuất xứ là gốc người Việt, nhưng vì bất đồng ý thức hệ cộng sản nên bỏ nước ra đi. Tui chưa bao giờ có mặc cảm và phải đánh đồng mình với sự thiếu hiểu biết trong xã hội như vậy. Có lẽ đây là sự may mắn cá nhân chăng? Shy
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16