VietBest

Full Version: Luật sư-chuyên viên di trú gốc Việt:‘Người nhập cư không nên lạm dụng trợ cấp xã hội"
You're currently viewing a stripped down version of our content. View the full version with proper formatting.
Luật sư, chuyên viên di trú gốc Việt: ‘Người nhập cư không nên lạm dụng trợ cấp xã hội’

Ngọc Lan/Người Việt
August 13, 2019

[Image: The-Xanh-696x475.jpg]
Một người đang chờ được làm thủ tục nhận “thẻ xanh” tại cơ quan di trú USCIS ở thành phố New York. (Hình: Getty Images)

WESTMINSTER, California (NV)
Trong lúc dư luận xôn xao về quy định vừa được chính quyền Tổng Thống Donald Trump công bố hôm 12 Tháng Tám, 2019, liên quan đến việc “có thể sẽ hạn chế người nhập cư hợp pháp bằng cách từ chối đơn xin visa vào Mỹ và cả đơn xin thẻ xanh (thường trú nhân) nếu người nộp đơn bị cho là “quá nghèo” (being too poor), nhật báo Người Việt đã phỏng vấn Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên và chuyên viên di trú Hà Ngọc Cư, là những người có kinh nghiệm lâu năm về lãnh vực di trú, nhằm giải thích rõ thêm các vấn đề có liên quan.
Như tin đã đưa, quy định mới này sẽ cho phép Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (USCIS) từ chối những người nộp đơn xin visa và thẻ xanh mà không đáp ứng được tiêu chuẩn về thu nhập hoặc những người nhận các trợ cấp từ chính phủ như là “welfare,” (tiền trợ cấp) “food stamps” (thực phẩm), “public housing” (trợ cấp nhà ở) hoặc chương trình bảo hiểm y tế Medicaid.

Theo Luật Sư Duyên, người làm việc trong lãnh vực di trú hơn mấy mươi năm qua ở San Jose, California, thì quy định này xoay quanh việc mở rộng ý nghĩ của chữ “public charge,” tức “gánh nặng xã hội.”
“Hồi trước ‘public charge’ chỉ giới hạn là những người nhận tiền mặt hoặc food stamp. Còn những người bị bệnh được nhận medical, medicaid để đi bác sĩ thì không kể là ‘public charge’ vì họ cho rằng điều đó cần thiết cho người ta,” ông nói.
“Tuy nhiên,” Luật Sư Duyên giải thích tiếp, “kể từ ngày 15 Tháng Mười tới đây, ‘gánh nặng xã hội’ sẽ áp dụng luôn cho những người hưởng medicaid, medical, và cả người hưởng housing.”
Trả lời câu hỏi, “Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người Việt tại Mỹ như thế nào?”

[Image: DP-Nguyen-hoang-duyen-1-600x449.jpg]
Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên, người làm việc trong lãnh vực di trú hơn mấy mươi năm ở San Jose, California. (Hình: bantinbuoisang.net)

Luật Sư Duyên cho rằng, “Thứ nhất, đối với những người Việt Nam ở đây bất hợp pháp, nghĩa là đi du học hay du lịch rồi ở lại quá hạn thẻ xanh, dĩ nhiên họ không đủ điều kiện để xin trợ cấp tiền mặt và food stamp, nhưng khi họ bị bệnh, bị tai nạn xe cộ phải đi chữa trị khẩn cấp thì họ được Medicaid. Sau này, khi có người kết hôn với họ, giúp họ chuyển diện để xin thẻ xanh, thì theo quy định mới này, việc cấp thẻ xanh cho họ có thể bị liên lụy vì hồ sơ của họ có ghi từng được hưởng Medicaid.”
“Trong trường hợp người có thẻ xanh 2 năm theo diện hôn phu hôn thê, mà trong thời gian 2 năm này, họ có bầu, sinh con, có hưởng Medicaid, foodstamp, hay được cả ‘housing’… thì khi xin đổi thẻ xanh 10 năm cũng có thể bị từ chối,” ông nói tiếp.
Ông Hà Ngọc Cư, giám đốc điều hành trung tâm CISS chuyên về di dân và tị nạn, văn phòng tại Houston, Texas, cũng nhấn mạnh điểm này, “Nên nhớ là những người sang đây theo diện du lịch hay du học rồi lấy chồng (hoặc vợ) tại Mỹ, xin thẻ xanh tại Mỹ, thì thẻ xanh đó chỉ có giá trị 2 năm. Sau 2 năm mới đổi thẻ 10 năm. Trong thời hạn 2 năm đó, mà họ lãnh tiền welfare, food stamp của chính phủ thì có thể sẽ không được đổi thẻ xanh 10 năm, mà không có thẻ xanh 10 năm thì phải lập tức đi về Việt Nam.”
Một trường hợp nữa cũng có thể bị ảnh hưởng bởi quy định mới này, theo Luật Sư Duyên, là những người tị nạn chính trị, đấu tranh nhân quyền bị “trục xuất” sang Mỹ.

[Image: DP_Ha-Ngoc-Cu-1-600x408.jpg]
Ông Hà Ngọc Cư, giám đốc điều hành trung tâm CISS chuyên về di dân và tị nạn, văn phòng tại Houston, Texas. (Hình: Người Việt)

“Ngay cả những người trong cộng đồng mình sang Mỹ theo diện đặc biệt như tị nạn chính trị hay vì đấu tranh nhân quyền bị trục xuất sang Mỹ, thì sau một năm họ phải làm đơn xin thẻ xanh. Tuy nhiên, trong thời gian một năm làm người tị nạn, họ đã hưởng những chương trình như food stamp, được trợ cấp tiền mặt,… thì giờ theo quy định mới của ông Trump, họ có thể không xin thẻ xanh được,” ông nói.
Riêng với trường hợp người có thẻ xanh 10 năm ngay khi sang Mỹ do cha mẹ, con cái bảo lãnh, thì “việc họ lãnh các trợ cấp xã hội hay không, cho tới giờ phút này, không ảnh hưởng gì đến việc họ được xét vào quốc tịch,” Luật Sư Duyên khẳng định.
Nhưng ông cũng nhắc rằng, “Ngay bây giờ luật chưa áp dụng cho người vào quốc tịch nhưng tương lai chưa biết thế nào. Cho nên lời khuyên của tôi là không nên lạm dụng những quyền lợi này vì nếu sau này mà chính phủ nới rộng luật này cho cả người từ thẻ xanh qua quốc tịch thì có thể họ sẽ bị vướng.”
Tuy nhiên, ông Hà Ngọc Cư lại cho rằng, “Trong đơn xin nhập tịch Mỹ, mẫu N400, thì ở trang 15, có câu hỏi 30 phần I, là ‘Quý vị có khai gian dối để lấy tiền trợ cấp của chính phủ Hoa Kỳ hay không?’ Nếu mình nói ‘có’ thì có thể họ không cho mình vào quốc tịch. Nếu mình có mà chối thì điều đó cũng không được vì họ có thể điều tra ra xem mình có lãnh hay không.”
“Cho nên những ai chưa vào quốc tịch hay đang có thẻ xanh 10 năm thì đừng lãnh tiền ‘welfare’ hay food stamp, đừng lãnh trợ cấp của chính phủ theo những điều đã nói trong mẫu đơn bảo trợ tài chánh I-864. Nhưng đã trót lãnh, thì luật không có nói là họ sẽ bị trục xuất hay bị lấy lại thẻ xanh,” ông Cư giải thích.
Ông cũng cho rằng, “Khi mình có quốc tịch rồi thì không có luật nào thu hồi quốc tịch, trừ trường hợp duy nhất là khai man lý lịch, còn phạm bất cứ tội gì, thì vẫn không bao giờ bị thu hồi quốc tịch, cho nên ai có quốc tịch rồi hãy yên tâm.”
Khi nghe Người Việt hỏi, “Liệu ông có nghĩ rằng người Việt sẽ sợ mà bớt xin các loại trợ cấp xã hội lại không sau khi có thông báo về quy định này?” ông Hà Ngọc Cư nói một cách dứt khoát, “Tôi nghĩ là họ nên biết sợ đi.”
Còn Luật Sư Duyên thì khuyên, “Trong trường hợp nào cũng nên tránh xin những trợ cấp xã hội, hoặc nếu cần thì nên tham khảo ý kiến của một luật sư di trú. Đó là lời khuyên của tôi.” (Ngọc Lan)